"Em bé chui ra từ... nách của mẹ"
Chưa kịp vui hết “cơn”, cháu tôi đột nhiên hỏi: “Cô ơi, em bé chui ra đường nách có đau lắm không cô? Mẹ cháu bảo là đau lắm nên trẻ con không sinh em bé được...".
Em gái tôi mới sinh cháu, tôi cùng cô cháu gái con nhà ông anh trai vào viện thăm 2 mẹ con. Cô cháu gái tôi thích em lắm vì mẹ nó mãi chưa sinh thêm em bé, nên nó rất yêu các em con nhà cô. Vừa vào đến cửa, nó đã xuýt xoa: “Ôi em bé xinh quá, cháu gọi em là Bông cô nhé. Chắc con cò trắng đã mang em đến cho cô nên giờ em Bông mới trắng như thế này”. Cả tôi và em gái tôi đều tròn mắt ngạc nhiên.
Cháu gái tôi năm nay học lớp 3. Học hành thì nó rất thông minh nhưng không hiểu sao nó lại “phát biểu” một câu nghe kì lạ đến vậy.
“Thế con cò mang em bé cho cô Út bằng cách nào?”, tôi hỏi.
“Con cò cắp em bé ở mỏ rồi mang đến để cô Út cho em bé vào bụng”
“Thế làm sao để em bé ra ngoài như bây giờ?”
“Thì em bé chui ra từ nách cô Út chứ sao. Cô sinh em Mít rồi mà còn không nhớ”.
Đúng là câu chuyện trẻ, tôi nghe cháu trả lời mà phì cười. Ban đầu tôi rất “ngưỡng mộ” cháu mình vì cháu có trí tưởng tượng phong phú và óc hài hước vô cùng. Tôi thoáng nghĩ, có khi với khả năng pha trò cười này, ít nữa cháu tôi thành diễn viên điện ảnh cũng nên.
Chưa kịp vui hết “cơn”, cháu tôi đột nhiên hỏi: “Cô ơi, em bé chui ra đường nách có đau lắm không cô? Mẹ cháu bảo là đau lắm nên trẻ con không sinh em bé được, chỉ người lớn mới sinh em bé được thôi”.
Thế hóa ra nguồn cơn là từ bà chị dâu tôi. Cháu tôi chẳng có năng khiếu hài hước gì cả, chỉ là nó tồ tệch mà thôi. Hỏi kĩ hơn, tôi mới biết, đây là bài học giới tính mà mẹ cháu dạy cho cháu: Chỉ có đàn bà, phụ nữ mới sinh được em bé. Có một con cò mang em bé đến gửi vào bụng mẹ. Em bé lớn dần lên trong bụng mẹ nên bụng mẹ cũng to ra. Khi em bé lớn lắm rồi thì em bé chui ra ngoài qua nách của mẹ. Vì em bé chui ra sẽ rất đau nên chỉ người lớn mới sinh em bé thôi, còn trẻ con thì không sinh em bé được… Mẹ cháu còn dặn cháu rằng, không được chơi thân với các bạn trai, không được thơm các bạn trai không là con cò sẽ mang em bé đến nhét vào bụng, rồi bụng sẽ to lên và em bé chui ra đường nách, sẽ đau lắm, phát khóc lên đấy…
Tôi giật mình vì kiểu “giáo dục giới tính” cho con của chị dâu tôi. Chị dâu tôi cũng là người làm việc nhà nước, trình độ học vấn không đến nỗi nào, mà không hiểu sao lại có thể giải thích cho con chuyện sinh em bé một cách vừa buồn cười, vừa thiếu vừa thừa lại phi khoa học như vậy.
Ngay từ khi còn nhỏ, cháu gái tôi đã có biệt danh là “Thích hỏi” vì cái gì nó cũng hỏi. Ngày nó 4 tuổi, tôi sinh em bé, nó cứ hỏi mẹ nó là tại sao em bé lại chui vào trong bụng tôi và tại sao em bé lại ra ngoài được… Vì sợ con chưa hiểu gì nên mẹ nó giải thích cho nó một cách “đơn giản và dễ hiểu” như trên. Và cháu tôi hồn nhiên cũng tin đó là sự thực, cho tới tận bây giờ vẫn tin.
Tôi thấy lo ngại về cách dạy con của chị dâu tôi. Giờ đây, khi cháu đã lớn hơn, đã ý thức được mọi chuyện hơn, đáng lẽ ra, mẹ cháu phải giải thích cho con hiểu tại sao con lại có mặt trên đời này, bởi đó là vì bố mẹ gặp nhau, yêu thương nhau và muốn về ở cùng nhà với nhau, ngủ cùng giường với nhau và cùng mong muốn có con. Thế là bố mẹ có con và sau 9 tháng 10 ngày thì mẹ sinh con ra ở phía dưới bụng…
Đúng là không dễ để nói chuyện giới tính nói chung và chuyện sinh em bé nói riênng với con nhưng cha mẹ cũng cần tùy theo số tuổi của con để nói cho con hiểu. Khi con lớn hơn chút nữa, cha mẹ có thể giải thích cho con rằng, vợ chồng lấy nhau là cần phải thực hiện một số việc quan trọng, trong đó có việc tạo ra em bé… và giải thích cho con biết làm thế nào để tạo ra em bé (ví dụ như, bố có một chú nòng nọc, bố gửi vào bụng mẹ để gặp trứng và thụ tinh thành em bé trong bụng mẹ. Em bé nằm trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày thì ra đời…). Việc giải thích cho con hiểu còn giúp con biết cách tự bảo vệ mình trước những lời rủ rê hoặc cám dỗ của các bạn khác, để tránh những hậu quả không mong muốn xảy ra. Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ rất quan trọng, cha mẹ cần xác định khi nào thì nên nói chuyện với con và nói với con thế nào về chuyện: Một em bé được sinh ra.