"Dưỡng da" mùa hè cho bé đúng cách

,
Chia sẻ

Mùa hè nóng bức, bé hay bị viêm da, hăm kẽ, rôm sảy. Nếu không chăm sóc da bé đúng cách, có thể dẫn tới các bệnh nguy hiểm hơn như nhiễm trùng máu.

Da trẻ con vốn mềm mại, mỏng manh, nhiều mạch máu hơn da người lớn. Các tuyến bài tiết dưới da (tuyến mồ hôi) chưa hoàn thiện nên chức năng bảo vệ da của bé còn rất yếu nên da trẻ rất dễ bị xây xát, tổn thương và nhiễm khuẩn.

Bé đóng bỉm: Dễ bị kích ứng da hoặc viêm da do bỉm.

Hăm kẽ thường gặp ở những vùng da ra mồ hôi nhiều và ẩm ướt, các nếp gấp ở da. Vùng da đó sẽ bị kích ứng, ửng đỏ, ướt, làm trẻ bị ngứa, bị đau. Hăm kẽ thường gặp nhất ở những bé bụ bẫm, béo phì.

Viêm da do tã lót là do những vùng da mang tã lót bị đọng nước tiểu, phân lâu. Vùng da đó sẽ phát ban màu đỏ, làm cho trẻ ngứa và đau.

Mẹ cần làm gì?

Vệ sinh cho da bé sạch sẽ, rửa ráy hàng ngày. Sử dụng các dung dịch tắm chuyên biệt cho bé đã được kiểu định để ngăn ngừa viêm da cho bé.

Tránh để bé ở môi trường quá nóng hoặc quá lạnh.

Tránh để da bé tiếp xúc với các nguyên nhân gây viêm da, hăm kẽ như xà phòng, phân, nước tiểu. Nên chọn loại bỉm có thương hiệu, uy tín và thay bỉm cho bé thường xuyên, từ 4 – 6 giờ/lần. Nếu sử dụng loại tã không thích hợp thì bỏ hẳn hoặc thay loại tã khác.
 
Lưu ý thay bỉm cho bé từ 4 - 6 tiếng/lần

Bé bị rôm sảy

Nguyên nhân của rôm sảy đơn giản lắm: tuyến mồ hôi của bé bị chèn ép, bịt kín làm mồ hôi bị nghẽn tắc, không ra ngoài được, trẻ sẽ bị rôm sảy.

Rôm sảy thường gặp ở bé vào mùa he. Khi bị rôm sảy, da trẻ nổi lên nhiều nốt đỏ, nhỏ, cứng ở trán, ngực, lưng làm da sần sùi, ngứa ngáy, đau châm chích, nhất là lúc nóng nực, ra mồ hôi.

Tùy theo nhiệt độ môi trường mà rôm sảy xuất hiện nhiều hay ít. Nếu rôm sảy kèm theo nhiễm khuẩn sẽ gây mụn nhọt, dễ dẫn tới các bệnh khác.

Mẹ cần làm gì?

Cần tránh môi trường nóng nực, giữ da bé thoáng mát, cắt ngắn móng tay cho con.

Không dùng tay để bóp hoặc đâm vào những chỗ rôm sảy, vì làm thế rôm sảy dễ bị nhiễm trùng.

Tắm cho bé bằng thuốc tím pha loãng màu hồng nhạt, nước nấu mướp đắng, kinh giới, sài đất.

Thoa thuốc phấn rôm vào những chỗ bé hay bị ra mồ hôi.

Cho bé uống nhiều nước, hạn chế ăn ngọt.

Khi da bé bị nhiễm trùng da

Mẹ phải vệ sinh sạch sẽ hàng ngày cho da bé, giữ da thoáng mát, mặc quần báo cotton rộng rãi.

Cho trẻ tắm bằng thuốc tím pha loãng màu hồng dễ giữ tránh nhiễm trùng da.

Tráh không được dùng tay để sờ, bóp, nặn vào những vùng da đã bị mụn nhọt, nhiễm trùng. Điều đó có thể làm mụn nhọt lây lan sang những vùng da khác, thậm chí gây nhiễm trùng máu, rất nguy hiểm.

Nếu bé có những biểu hiện quá bất thường trên da, mẹ phải đưa con đi khám bác sỹ để được tư vấn trực tiếp. Tránh để bệnh quá nặng mới chữa trị. Bố mẹ cần lưu ý, những bệnh về da ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường diễn biến nhanh, lan rộng so với người lớn. Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, từ bệnh về da có thể dẫn tới nhiều bệnh cực kỳ nguy hiểm (nhiễm trùng máu...).
 
Bảo Châu
(Tổng hợp)
Chia sẻ