Tắm lá làm viêm da trẻ

,
Chia sẻ

Nhiều gia đình có thói quen mua các loại lá về tắm cho trẻ mà không biết đó lại là tác nhân gây bệnh cho trẻ nhỏ.

Nhiễm khuẩn da vì tắm... nước dừa

Bé Nguyễn Thanh Thảo, 2 tuần tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội nhập viện trong tình trạng sốt cao, bỏ bú, một số vùng da bị lở loét... Kết quả thăm khám cho thấy, bé bị nhiễm khuẩn da và đang có dấu hiệu nhiễm trùng. Nguyên nhân vì gia đình muốn cô con gái cưng sau này được trắng trẻo... nên mua nước dừa nguyên chất về tắm cho bé. Được vài ngày, da bé nổi vài nốt li ti, mọi người cho là do kê nóng và tiếp tục tắm. Đến khi bé bỏ bú, sốt cao, gia đình mới vội đưa bé đi cấp cứu. Theo các bác sĩ, tắm nước dừa chỉ làm da thêm bẩn, vì lượng đường nhiều là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Trong khi đó, da của trẻ sơ sinh rất mỏng, nên dễ bị tổn thương, gây nhiễm trùng da.

Có không ít trẻ nhỏ bị chàm sữa (bệnh xảy ra nhiều ở trẻ 3-6 tháng), ngoài việc tắm lá, có gia đình còn lấy tôm hoặc nhai bã trầu xát vào trẻ, khiến trẻ bị tổn thương nặng nề.

ThS Nguyễn Thị Thảo, phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội thừa nhận, quan niệm trẻ bị rôm sẩy hay kê... phải tắm các loại lá là rất nguy hiểm. Vì đây chỉ là những biểu hiện của viêm da nhẹ, có thể tự khỏi. Việc dùng những loại lá như sài đất, chân vịt, dẻ quạt... không đúng cách có khi sẽ làm bệnh nặng hơn. Bởi các loại lá, quả có khi mọc ở những bờ bụi, bị nhiễm khuẩn, đôi khi cả thuốc bảo vệ thực vật... rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi nên nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn da rất cao.

90% bệnh là do vi khuẩn

Da trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất mỏng manh, cấu trúc chưa ổn định nên dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Hơn 90% các bệnh về viêm da ở trẻ sơ sinh là do vi khuẩn tấn công từ bên ngoài. Biểu hiện dễ thấy nhất của trẻ bị viêm da là sốt, ở nhiều vùng da, có khi toàn thân bị mẩn đỏ. Tuy nhiên, nhiều người lại quan niệm rằng, sau khi tắm lá nếu mẩn ngứa “phát” ra ngoài da thì một vài ngày sau sẽ đỡ. Do đó, không ít trường hợp nhập viện đã ở trong tình trạng viêm nhiễm nặng, phải điều trị dài ngày. Cá biệt, có những bệnh nhi bị các viêm nhiễm ở vùng mặt, đầu, cổ - nơi tập trung nhiều mạch máu, gần hệ thần kinh, khi bị nhiễm trùng có thể gây viêm tắc tĩnh mạch não và để lại di chứng suốt đời.

Theo ThS Thảo, da trẻ có những đặc tính khác biệt như mỏng (chỉ bằng khoảng 1/5 da người lớn, với các chức năng bảo vệ kém nên dễ nhiễm khuẩn. Do đó, việc làm sạch da hàng ngày bằng các loại sữa tắm diệt khuẩn, có độ pH phù hợp: A Derina, Safarelle, Cetaphil... sẽ tránh gây ra những kích ứng hay dị ứng. Còn nếu không có điều kiện, các bậc cha mẹ có thể dùng nước lọc để tắm hàng ngày cho trẻ cũng rất an toàn.

Để phòng chống viêm da cho trẻ, các bà mẹ cần chú ý thay tã lót thường xuyên, lau khô vùng bẹn và mông bằng nước ấm sau khi trẻ đại, tiểu tiện. Hàng ngày, cần vệ sinh sạch sẽ cơ thể cho trẻ bằng nước sạch hoặc xà bông diệt khuẩn.
 
BS Nguyễn Xuân Hướng, chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam:
 
Tắm lá không có khả năng làm mát
 
Việc tắm lá (tắm thuốc) trong Đông y cũng phải có chỉ định rõ ràng đối với từng bệnh hoặc đối tượng nào không được tắm... Chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh tắm lá có làm mát da mà đó chỉ là những kinh nghiệm dân gian lưu truyền. Tuyệt đối không nên tắm lá tươi vì rất dễ gây kích ứng cho da. Đối với da bình thường thì không nên tắm. Còn nếu do rôm sẩy thì lấy quả mướp đắng, rửa sạch, đun sôi để nguội lấy nước tắm; do chốc lở, mụn nhọt thì lấy 20g lá đào tươi, rửa sạch đun nước tắm. Tuyệt đối không lấy nước dừa tắm cho trẻ.
 
TS Nguyễn Viết Lượng, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Viện Bỏng quốc gia:
 
Với trẻ nhỏ chanh không có lợi
 
Nhiều người có thói quen dùng chanh tắm cho trẻ. Axit chanh có tác dụng sát trùng tốt, có thể dùng để gội đầu, tắm ở người lớn, nhưng với da trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, chanh lại không có lợi. Vì khi kì cọ, chất axit trong chanh có thể làm bong tróc các mảng da non, gây xót và tẩy mạnh làm ảnh hưởng đến quá trình lên da non.
 
 
Theo Thúy Nga-Thanh Dung
Khoa học & Đời sống
Chia sẻ