5 đau đớn mẹ phải chịu đựng trong những tháng cuối thai kỳ, bố cần biết để thương nhiều hơn
Ai cũng biết rằng mang thai và sinh con là một hành trình vất vả nhưng không phải tất cả mọi người đều hiểu những gì mà một bà mẹ phải chịu đựng trong suốt 9 tháng 10 ngày này.
Có lẽ không sai khi nói rằng, nghề làm mẹ là nghề vất vả nhất trên thế giới này. Trong đó, mang thai là một giai đoạn vô cùng mệt mỏi với bất cứ bà mẹ nào. Từ khi bắt đầu hoài thai đến những ngày cuối thai kỳ, cơ thể mẹ phải trải qua hàng loạt thay đổi, thậm chí là đau đớn. Các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trở nên khó khăn hơn.
Nhưng không phải ông chồng nào cũng biết, hiểu và đồng hành cùng với vợ trong thời điểm khó khăn này. Thế nên dù là đã, đang hay sẽ làm bố thì những chia sẻ này chắc chắn sẽ không bao giờ thừa.
1. Phù chân tay
Khi đứa bé càng lớn thì áp lực trong ổ bụng càng tăng, tạo nên một lực ép khá lớn lên các tĩnh mạch vùng chậu. Điều này cho máu khó chảy về tim nên dẫn đến hiện tượng sưng phù tay chân ở bà bầu. Hiện tượng này sẽ khiến cho mẹ không chỉ gặp khó khăn trong việc đi lại mà còn gây khá nhiều khó chịu. Thậm chí nếu mẹ không để ý mà đi giày dép chật còn gây ra cảm giác đau đớn.
2. Chuột rút
Khi bụng mẹ ngày càng to, em bé sẽ càng nặng cân hơn thì áp lực lên bắp chân và bàn chân ngày càng lớn. Vì vậy mẹ có thể bị chuột rút bất thình lình và cảm thấy đau đớn bất cứ lúc nào. Oái oăm thay hiện tượng này lại thường xuyên xảy ra khi mẹ đang ngủ hoặc vừa ngủ dậy.
Chuột rút khi mang thai là một vấn đề thường gặp của các mẹ bầu. (Ảnh minh họa)
Những lúc thế này, việc của bố là xoa bóp bàn chân và bắp chân để nhanh chóng tan đi cơn đau. Còn mẹ cũng nên thật cẩn thận và nhẹ nhàng lúc nằm xuống và ngồi dậy khi ngủ để không gây thêm đau nhức.
3. Đau lưng, đau xương chậu
Không chỉ ép ổ bụng và tạo áp lực lên chân, thai nhi ngày càng lớn cũng chèn ép dây thần kinh cột sống và các dây chằng vùng lưng, xương chậu trở nên lỏng lẻo do thay đổi nội tiết tố. Những điều này khiến cho mẹ bầu phải chịu sự hành hạ của sự đau mỏi lưng, vùng chậu. Không chỉ có thế việc đứng quá lâu hoặc ngồi sai tư thế cũng sẽ khiến mẹ đau đớn hơn nhiều.
Càng về cuối thai kỳ, mẹ bầu càng hay đau lưng và đau xương chậu. (Ảnh minh họa)
4. Các vấn đề răng lợi
Sự thay đổi nội tiết tố sẽ khiến cho bà bầu gặp nhiều vấn đề về răng miệng như sưng lợi, tấy đỏ, chảy máu chân răng... Thậm chí những hiện tượng này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn uống cũng như giấc ngủ của mẹ. Nếu chỉ ở mức độ bình thường thì mẹ có thể tự khắc phục bằng súc miệng nước muối, chườm nóng, chườm lạnh... nhưng khi vấn đề trở nên nghiêm trọng thì hãy đi khám và xin ý kiến bác sĩ ngay nhé!
5. Các vấn đề tiêu hóa
Đến tận cuối thai kỳ, nhiều mẹ bầu vẫn còn bị nôn mửa giống như ốm nghén. (Ảnh minh họa)
Ở những tháng cuối thai kì, trẻ phát triển khá nhanh khiến cho cơ thể mẹ trở nên yếu ớt và nhạy cảm hơn. Vì vậy mà không ít mẹ bầu phải trải qua những cơn buồn nôn giống như khi ốm nghén và ăn uống khá kém. Không chỉ có thế những thay đổi nội tiết tố một lần nữa lại có tác dụng và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Các triệu chứng thường gặp là ợ nóng, khó tiêu, đầy bụng, táo bón...
Sau khi biết được những đau đớn mà mẹ phải chịu đựng khi mang thai thế này, các bố hãy bớt vô tâm và chăm sóc mẹ nhiều hơn nữa nhé!