Dừng ngay việc cho con ăn dặm tự chỉ huy nếu mẹ mắc phải 5 sai lầm này

Hướng Dương HT,
Chia sẻ

Nhiều phụ huynh áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy cho bé. Tuy nhiên có nhiều sai lầm khiến cách ăn dặm này không thành công, thậm chí còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.

Tại sao nên chọn phương pháp ăn dặm tự chỉ huy cho bé?

Ăn dặm tự chỉ huy (BLW – Baby Led Weaning) là phương pháp cho phép bé kiểm soát mức tiêu thụ thức ăn rắn của mình bằng cách tự ăn ngay từ khi trẻ bắt đầu trải nghiệm với thức ăn ngoài sữa mẹ. Phương pháp này khuyến khích trẻ tập nhai trước khi nuốt và trẻ được tự quyết định món ăn, cách ăn hay số lượng thức ăn theo ý mình.

Khi ăn dặm tự chỉ huy, bé có thể học được kỹ năng nhai, nuốt, cảm nhận hương vị từ các loại thực phẩm khác nhau. Về mặt cảm xúc, bởi vì bé hoàn toàn có quyền tự quyết định mọi thứ về bữa ăn của mình nên ngay từ nhỏ trẻ đã học được cách độc lập, được tôn trọng. Mặt khác, cha mẹ cũng không phải tốn quá nhiều thời gian để chuẩn bị thực đơn ăn dặm cho trẻ. Chính vì điều này mà ngày càng có nhiều cha mẹ yêu thích và lựa chọn phương pháp ăn dặm tự chỉ huy cho con mình.

Dừng ngay việc cho con ăn dặm tự chỉ huy nếu mẹ mắc phải 5 sai lầm này - Ảnh 1.

Bé ăn dặm theo BLW.

Tuy nhiên, cách ăn dặm này cũng có nhược điểm. Đó là trẻ dễ gặp phải tình trạng hóc, nghẹn trong bữa ăn hay gặp vấn đề về tiêu hóa, trẻ ăn được ít thức ăn nhất là trong giai đoạn đầu khiến mẹ lo lắng, căng thẳng. Vệ sinh trong và sau khi trẻ ăn dặm tự chỉ huy đôi khi cũng khiến mẹ “tăng xông”. Đặc biệt, đối với hầu hết các mẹ đã quen với phương pháp ăn dặm truyền thống thì sự mới mẻ của BLW có thể khiến nhiều cha mẹ bỡ ngỡ và dễ mắc sai lầm khi vận dụng sai cách.

Hãy tìm hiểu xem đó là những sai lầm nào để phòng tránh trước khi quyết định cho con ăn dặm tự chỉ huy!

5 sai lầm tai hại thường gặp khi áp dụng BLW

1. Chọn sai thời điểm

Nhiều cha mẹ chọn thời điểm ăn dặm cho con sai, dẫn đến việc áp dụng phương pháp BLW không hiệu quả. Nếu ăn dặm quá sớm khiến trẻ khó thích ứng và dễ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ. Bỏ qua thời điểm hứng thú và cho trẻ ăn quá muộn khiến trẻ cáu kỉnh, khó tiếp nhận phương pháp mới này.

Ăn dặm muộn, bé sẽ có nguy cơ thiếu dinh dưỡng và còn làm giảm hệ miễn dịch cũng như kỹ năng nhai thức ăn của bé... Bé ăn dặm muộn thường bị chậm lớn, thiếu cân, chiều cao thấp hơn bạn bè cùng trang lứa và dễ mắc bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng như còi xương, thiếu máu.

2. Chọn sai thức ăn

Vì chưa có kinh nghiệm nuôi con nên nhiều ông bố bà mẹ cung cấp thức ăn sai cho trẻ. Những sai lầm có thể là sai kích thước hoặc chọn sai loại thức ăn phù hợp với độ tuổi. Chẳng hạn như thức ăn quá cứng so với khả năng bé có thể tiêu thụ. Mặt khác, thực phẩm bắt đầu cho trẻ ăn dặm bình thường mà hầu hết các bậc cha mẹ cho ăn dường như là trái cây và rau củ. Và đây là những thực phẩm bổ dưỡng mà chúng ta thường cố gắng ăn nhiều hơn nữa. Nhưng chúng không có calo, chất béo hoặc chất sắt mà em bé cần để trở thành nguồn dinh dưỡng duy nhất từ thức ăn đặc.

3. Áp lực về lượng

Không ít cha mẹ luôn cảm thấy con ăn ít và ép bé ăn thật nhiều vì sợ con đói, không đủ chất... Đặc biệt khi sống trong gia đình nhiều thế hệ, những cặp bố mẹ trẻ luôn chịu áp lực về lượng thức ăn mà trẻ tiêu thụ. Vì vậy, phụ huynh thường chuẩn bị khẩu phần ăn quá lớn, ép bé ăn nhiều mà không phù hợp với trẻ sơ sinh. Nếu trẻ không tiêu thụ hết, cha mẹ sẽ cảm thấy chán nản hoặc thất vọng.

Tuy có một số trẻ sẽ ăn nhiều hơn những bé khác nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy và đừng ép bé ăn nhiều hơn mức mà trẻ có thể.

4. Ám ảnh với việc sạch sẽ

Trong khi bé ăn, người lớn thường có xu hướng luôn giữ sự sạch sẽ và sẽ túc trực để nhặt nhạnh thức ăn bé làm vương vãi hoặc lau sạch sẽ miệng, mặt trẻ khi bị thức ăn làm bẩn. Thậm chí, nhiều cha mẹ sẵn sàng cầm thức ăn đút vào miệng bé vì sợ bé sẽ bẩn tay hoặc không ăn được gì.

Thế nhưng điều đó có thể làm phiền bữa ăn của trẻ, cướp đi kinh nghiệm học tập quan trọng, làm phiền cảm nhận của trẻ về đồ ăn chẳng hạn như tiếp xúc với các kết cấu khác nhau, ngửi hoàn toàn thức ăn và học cách thao tác thức ăn bằng tay và miệng.

Dừng ngay việc cho con ăn dặm tự chỉ huy nếu mẹ mắc phải 5 sai lầm này - Ảnh 2.

Cha mẹ đừng ám ảnh với sự sạch sẽ khi cho bé ăn dặm theo BLW.

5. Bỏ rơi bé

Trong khi có nhiều cha mẹ túc trực bên cạnh và quan tâm thái quá đến trẻ thì có nhiều người mẹ lại hiểu sai về BLW là để bé độc lập hoàn toàn mà không hỗ trợ gì cho bé trong quá trình tập ăn chẳng hạn như trẻ bị nôn, bị hóc hay cảm xúc bỡ ngỡ của trẻ khi làm quen với phương pháp mới.

Điều cha mẹ cần làm lúc này là cần bắt đầu bằng hướng dẫn trẻ cầm nắm, cho thức ăn vào miệng bằng cách làm mẫu cho bé. Đến khi bé có thể tự thao tác thì cha mẹ chỉ cần để bé ngồi cùng cả nhà trong bữa ăn như mọi thành viên khác, giữ sự độc lập nhất định và có thể trợ giúp khi bé cần.

Cha mẹ luôn nhớ, ăn dặm tự chỉ huy là phương pháp ăn dặm mới cần rất nhiều sự nỗ lực và kiên trì. Nó khác hoàn toàn so với phương pháp ăn dặm truyền thống cũ. Hãy tham khảo chia sẻ từ một bà mẹ 9x dưới đây để áp dụng đúng cách cho con yêu của mình.

Mẹ bỉm sữa 9X chia sẻ cách ăn dặm tự chỉ huy đúng cách

Chị Thùy Linh (29 tuổi, Hà Nội) cảm thấy thật vui khi bé nhà chị hoàn toàn hợp tác với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy. Ngay khi con bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ bỉm sữa đã tham khảo nhiều phương pháp hướng dẫn bé tập ăn. Cuối cùng chị quyết định chọn phương pháp ăn dặm BLW. Bởi người mẹ này xét thấy nhiều ưu điểm khi chọn cách ăn dặm này.

"Mặc dù thời gian đầu cũng mâu thuẫn với mẹ và chồng khi cho Thỏ (con gái chị Linh) ăn theo BLW lắm nhưng nhờ kiên trì, bây giờ Thỏ hơn 1 tuổi đã ngồi ăn cùng gia đình một cách rất thành thạo. Cả nhà có đi chơi ăn nhà hàng hay ra ngoài, Thỏ cũng ngồi riêng trên ghế ăn rất vui vẻ, không có chuyện quấy khóc như nhiều trẻ khác đâu. Thực sự, rất mãn nguyện.

Khi nghiên cứu cách ăn dặm cho con, mình đã rút kinh nghiệm từ những sai lầm của các mẹ đi trước. Nhờ vậy cả bé và mình đều cảm thấy vui, thoải mái và thích cách ăn dặm này" - Chị Linh chia sẻ.

Dưới đây là những chia sẻ về cách ăn dặm tự chỉ huy đúng cách mà chị Linh áp dụng:

Tư thế ăn và thời điểm ăn dặm

Chị Linh cho hay: "Thỏ là một em bé theo cảm nhận của mình là rất hoạt bát, ham thích mới lạ. Khả năng vận động của bé cũng rất linh hoạt. Từ lúc gần 5 tháng tuổi là bé đã có thể ngồi vững không cần đỡ đến 5 phút rồi, cầm nắm cũng tốt nữa. Mỗi khi nhà mình ngồi ăn cơm, mình thường cho Thỏ ngồi vào ghế bên cạnh và bé tỏ ra rất thích thú khi nhìn cả nhà ăn, thích được nhặt đồ ăn bỏ vào miệng nữa vì thế mình thấy đây là thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm BLW rồi”.

Theo mẹ bỉm, thời điểm cho bé ăn dặm phụ thuộc vào mỗi trẻ và cha mẹ phải tự tìm ra thời điểm thích hợp theo thói quen, sở thích, khả năng ngồi vững của trẻ. Thời điểm thích hợp nhất cho bé ăn dặm tự chỉ huy là chờ cho đến khi bé có đủ kỹ năng vận động và có thể tự ngồi. Bởi vì trẻ cần có đủ sức mạnh ở cổ và thân để đưa thức ăn vào miệng mà không cần cánh tay để giữ thăng bằng. Nhưng trẻ không cần thiết phải ngồi một mình trong thời gian quá dài hơn 3 phút bởi vì trẻ có thể ngồi với sự hỗ trợ của tựa lưng.

Và thông thường, theo sự phát triển của trẻ thì khoảng 5 – 6 tháng tuổi, hầu hết các bé đã có thể làm được điều đó. Tuy nhiên, với một số trẻ thì phải cần nhiều thời gian hơn. Vì vậy, cha mẹ có thể lựa chọn thời gian ăn dặm phù hợp với đặc điểm thể chất của trẻ. Đây cũng là đội tuổi trẻ bắt đầu quan tâm hơn đến các thức ăn khác ngoài sữa. Hành động nhìn chằm chằm vào miệng người lớn và mút môi liên tục khi nhìn thấy họ ăn uống cũng là một dấu hiệu đi kèm để cha mẹ nhận biết rằng đã đến lúc cho trẻ bước vào một giai đoạn ăn uống mới.

Về việc chọn tư thế khi ăn, trẻ cần được ngồi trên ghế ăn tốt nhất là ghế ăn dặm chuyên dụng cho trẻ có tựa giúp trẻ ngồi thẳng lưng và bàn ăn phù hợp độ cao của trẻ.

Dừng ngay việc cho con ăn dặm tự chỉ huy nếu mẹ mắc phải 5 sai lầm này - Ảnh 3.

Chọn ghế ăn dặm với lưng tựa và bàn ăn phù hợp với bé. (Ảnh minh họa)

Chọn đúng thức ăn để bắt đầu

Chị Linh chia sẻ, để bắt đầu, bé cần ăn thức ăn phù hợp không quá mềm khiến bé không cầm nắm được hoặc không quá cứng khiến trẻ khó cắn hoặc nhai, không tiêu hóa được. Một số loại thức ăn cha mẹ có thể lựa chọn khi mới bắt đầu như: cà rốt, khoai, ngô hạt, rau bí, quả su su, bí đỏ, bí xanh, đậu luộc chín.

Sau giai đoạn làm quen, cha mẹ cũng nên chọn nhiều loại thức ăn lành mạnh khác nhau, đảm bảo nguồn chất sắt và vitamin trong mỗi bữa ăn như các loại đậu, trứng, cá, thịt gà hoặc thịt bò.

Đừng áp lực về lượng

“Hồi đầu tiên, Thỏ chỉ thích cầm nắm và cho vào miệng mút, gặm một tí rồi lại lè ra. Ngồi suốt 15 phút bữa ăn cũng không ăn được gì nên chồng với mẹ chồng cũng không hài lòng đâu, mắng mình là vẽ chuyện. Nhưng mà bởi vì mình đã đọc kĩ trước rồi nên dù sốt ruột nhưng không ép bé. Mình sẽ phân chia thời gian để bé có cữ sữa hợp lý hơn sau bữa ăn, không bị đói. Còn khi bé đã chán việc tự ngồi ăn và đòi ra ngoài hoặc ngồi 15 phút (về sau là 30 phút) thì mình đều cho bé ra khỏi ghế dù không ăn được gì. Cứ kiên trì kiên trì như vậy cho đến khi bé quen và thích thú với việc ăn. Bây giờ thì ổn rồi.” – Chị Linh tâm sự.

Sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp

Hóc, nôn trong quá trình ăn dặm theo BLW là điều không tránh khỏi. Vì vậy, cha mẹ cần ngồi bên cạnh để quan sát trẻ trong quá trình ăn. Trẻ nôn ọe và biểu hiện bình thường thì cứ kệ bé tiếp tục ăn. Nhưng nếu trẻ cắn miếng quá to và không nuốt được thì cha mẹ nên hỗ trợ để bé lè ra, tránh tình trạng hóc. Luôn luôn ghi nhớ các bước xử trí khi trẻ hóc dị vật và có sẵn số điện thoại y tế trong trường hợp khẩn cấp – bà mẹ 9x đưa ra lời khuyên.

Dừng ngay việc cho con ăn dặm tự chỉ huy nếu mẹ mắc phải 5 sai lầm này - Ảnh 4.

Cha mẹ cần học sơ cấp cứu cho con trong tình huống khẩn cấp.

Duy trì bú sữa mẹ

Ăn dặm không có nghĩa là cắt sữa hoàn toàn. Trẻ vẫn cần được cung cấp dinh dưỡng từ nguồn sữa mẹ cho đến khi được thay thế hoàn toàn bằng thức ăn. Vì vậy, mẹ nên duy trì cho trẻ bú sữa. “Thỏ nhà mình vẫn bú sữa mẹ đến bây giờ. Mình cũng chẳng nhiều sữa nên thường vắt và kích sữa ra và cho Thỏ bú theo cữ. Cứ kiên trì như vậy, giờ thì ổn rồi. Ai cũng khen mẹ chăm con khéo quá, biết ăn ngoan ngủ kỹ. Đối với một người mẹ như mình, đó là điều hạnh phúc nhất.” - Chị Linh chia sẻ thêm.

Nuôi con là một hành trình dài mà bà mẹ nào cũng từng trải qua. Điều cha mẹ cần là hành trang kiến thức cùng sự kiên trì và nỗ lực rất lớn. Chắc chắn, thành quả tốt đẹp sẽ đến trong tương lai không xa.

Dừng ngay việc cho con ăn dặm tự chỉ huy nếu mẹ mắc phải 5 sai lầm này - Ảnh 5.

Chia sẻ