Dùng đòn roi trừng phạt sẽ tàn phá nghiêm trọng sức khỏe tâm thần của trẻ nhỏ, hậu quả bố mẹ không lường hết được
Không chỉ là đánh đòn, tất cả những hành vi như kéo tóc, lắc mạnh, ép trẻ làm điều gì đó... đều được tính là lạm dụng thể chất và để lại nhiều hậu quả khác nhau.
Trong quan niệm truyền thống, đặc biệt là ở các quốc gia Châu Á, đánh đòn được xem là cách để rèn kỷ luật cho con. Ở Việt Nam, chúng ta thậm chí còn có câu tục ngữ: "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi''. Tuy nhiên, cả bác sĩ nhi khoa và nhà tâm lý học đều đồng ý rằng dạy con bằng đòn roi gây ra rất nhiều tổn thương cho trẻ, cả về thể chất lẫn tinh thần. Theo một cuộc khảo sát trực tuyến tiến hành trên hơn 2.000 người ở Mỹ, 25 năm trước, 80% cha mẹ đánh đòn con cái của họ. Ngày nay, con số này là 67%. Mặc dù số lượng đang giảm dần nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Nhiều người không nhận ra rằng họ đang lạm dụng con cái của họ
Lạm dụng thể chất có thể xảy ra dưới nhiều hình thức. Hình thức trừng phạt rõ ràng nhất là đánh đòn trẻ em bằng tay hoặc một vật như thắt lưng hoặc gậy. Nhưng đây không phải là hình thức duy nhất. Các hình thức lạm dụng thể chất khác bao gồm bắt nắm người lắc mạnh, kéo tóc, đánh vào tai hoặc ép trẻ ở một tư thế không thoải mái.
Các hành động cưỡng ép như súc miệng, rửa tay hoặc bắt trẻ ăn thứ mà trẻ không muốn ăn là những hành vi lạm dụng thể chất không quá rõ ràng mà nhiều người không nghĩ đến.
Nhưng cũng có những hình thức lạm dụng phi thể chất bao gồm đe dọa, sỉ nhục, coi thường, khiến trẻ sợ hãi và la mắng. Mặc dù có thể không để lại dấu vết bên ngoài, nhưng lạm dụng bằng lời nói vẫn có thể để lại nhiều tác hại không kém đối với trẻ em.
Một nghiên cứu công bố năm 2013 của Hiệp hội phát triển trẻ em (Hoa Kỳ) cho thấy những đứa trẻ bị bạo hành bằng lời nói trước 13 tuổi có nhiều khả năng mắc các triệu chứng trầm cảm sau này hơn.
54% trẻ em từng bị đánh đòn
Đánh đòn trước hết vi phạm các quyền con người cơ bản của trẻ em. Nhưng ngay cả khi chưa vội đề cập đến điều đó thì đánh đòn gây hại trực tiếp cho trẻ, làm tăng nguy cơ bị chấn thương. Ngay cả hình thức trừng phạt thể chất "nhẹ" cũng có nguy cơ leo thang thành một sự việc nghiêm trọng không thể ngờ trước vì cha mẹ tức giận đôi khi không thể kiểm soát được bản thân.
Người ta thấy rằng những đứa trẻ bị lạm dụng có xu hướng trở nên hung hăng hơn khi lớn lên. Theo một nghiên cứu, đánh đòn là hình thức trừng phạt thể chất phổ biến nhất, với 54% trẻ em từng trải qua hình thức này. Ngoài các tổn thương về mặt thể chất, đánh đòn còn hủy hoại sức khỏe tinh thần của trẻ. Những hậu quả thường không biến mất mà theo trẻ cho đến khi trưởng thành. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đánh đòn để phạt hay rèn kỷ luật có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ, gây lo lắng, trầm cảm, tự ti, cảm xúc không ổn định và các rối loạn hành vi khác nhau.
Một nghiên cứu khác đã một lần nữa chứng minh điều này là đúng. Trung bình, những người bị đánh đòn nhiều hơn thì cũng có điểm kém hơn trong các bài đánh giá sức khỏe tinh thần tổng thể, cũng như trong các bài kiểm tra trầm cảm.
Gợi ý một số cách khác để rèn kỷ luật cho trẻ
Vẫn có những phương pháp kỷ luật khác mà các nhà tâm lý học thấy phù hợp và bố mẹ có thể áp dụng như:
- Thời gian tự kiểm điểm(time-out): Cho trẻ ngồi xuống ở một nơi yên tĩnh trong vài phút, hạ hỏa và suy nghĩ về hành động của bản thân. Sau đó, bạn có thể kiên nhẫn thảo luận về tình huống và giải thích tại sao nó lại chưa đúng.
- Lấy đi một đặc quyền: Không cho trẻ xem phim hoạt hình trong một ngày hoặc không được ăn kẹo.
Những phương pháp này có hiệu quả vì chúng có ảnh hưởng lâu dài đến hành vi của trẻ. Các chuyên gia nói rằng hình phạt ngắn thôi cũng là đủ để có tác động và hiệu quả.
Nguồn: Brightside