Đưa con đi khám, bác sĩ kết luận 1 câu khiến hot mom Mẫn Tiên "cười trong cay đắng"

Thảo Hương,
Chia sẻ

Dẫu không coi trọng việc con bao nhiêu cân, chỉ cần bé khỏe mạnh nhưng kết luận của bác sĩ vẫn khiến Mẫn Tiên lo lắng.

Mẫn Tiên (tên thật là Nguyễn Mẫn Thủy Tiên) là một trong những hot girl Hà Nội nổi tiếng được nhiều bạn trẻ yêu mến. Đầu tháng 3 vừa qua, cô thông báo sinh con đầu lòng, em bé được vợ chồng Mẫn Tiên đặt tên ở nhà là Noah. Mẫn Tiên và ông xã Key (Võ Trần Thái Trung) nhận nhiều lời chúc phúc từ người hâm mộ khi gia đình nhỏ có thêm thành viên mới.

Từ khi trở thành mẹ, Mẫn Tiên dành nhiều thời gian tập trung chăm sóc con cái, những hình ảnh của em bé Noah được mẹ chăm chỉ chia sẻ trên trang cá nhân. Ai cũng khen cậu bé sở hữu vẻ ngoài lanh lợi, kháu khỉnh, thừa hưởng nét đẹp của cả bố lẫn mẹ. 

Là mẹ, ai cũng mong con mình khỏe mạnh, phát triển tốt. Mẫn Tiên cũng vậy. Mới đây, bà mẹ trẻ quyết định đưa con đi khám sức khỏe, và cô khá lo lắng khi con bị kết luận là "suy dinh dưỡng". Dù là một bà mẹ hiện đại, nuôi dạy con khoa học những Mẫn Tiên chỉ còn biết "cười cay đắng" vì kết quả này.

Mẫn Tiên chia sẻ về con trai Noah.

"Cuối tuần trước mình cho Noah đi tư vấn dinh dưỡng. Không phải vì Noah có những biểu hiện mắt thấy như gầy gò, ốm yếu, nhẹ cân (hơi nhẹ xíu không đáng lo), lười ăn mà mình đưa em đi. Mình nghĩ định kì nên cho con đi gặp bác sĩ để xem tổng quát con có thiếu chất gì không, vì các chất ở tít sâu trong người con mà ông bà hay ba mẹ có nhìn bằng mắt thường kĩ cỡ nào cũng không thấy. 

Kết luận là bạn Noah bị suy dinh dưỡng. Dù mình không còn đặt nặng vấn đề "con bao cân" như hồi mới đẻ nữa, và cũng chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng nhìn sang bạn bên cạnh, sinh kém 2 tháng nhưng cũng tròn số cân bằng Noah, mẹ cũng đành cười cay đắng. 

Điều Tiên muốn nói ở đây là gì, trộm vía em Noah rất nhanh nhẹn, thông minh. Được cái má phính thôi chứ bế lên nhẹ tênh à. Mẹ nào mà chả muốn chăm con bụ bẫm, đâu ai muốn con lười ăn đâu nhưng cái này các mẹ không chọn được, do bọn không răng kia quyết định hết nên mọi người hãy cứ đứng ngoài cổ vũ các mẹ và các em bé thôi nhé. Đừng đánh giá là do sữa mẹ hay do cách chăm này kia, tội các mẹ lắm ý. Đi khám về mình mới thấy, dù con trông khỏe mạnh, tươi tỉnh cỡ nào thì vẫn có khả năng thiếu chất, nên cuối tuần mà ba mẹ rảnh thì chịu khó đưa con đi tư vấn nhé. Vì ăn tốt, hấp thụ tốt là sẽ lớn hết à. 

Trộm vía em Noah siêu cứng cáp vì được bà nội cho phơi nắng mỗi sáng. Em cũng uống 7749 loại vitamin, sữa tốt, ấy thế mà em vẫn chọn con đường suy dinh dưỡng cho mẹ lo lắng tí xíu", Mẫn Tiên trải lòng. 

Tổ ấm nhỏ của Mẫn Tiên và Key.

Chia sẻ của Mẫn Tiên nhận được nhiều sự đồng cảm của mọi người, đặc biệt là các mẹ bỉm sữa có con lười ăn. Tuy vậy, ai cũng động viên, khuyên hot mom cố gắng, tập trung chăm sóc con để bé khỏe mạnh, phát triển tốt. 

Dấu hiệu trẻ bị suy dinh dưỡng

Bệnh suy dinh dưỡng là tình trạng trẻ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng dẫn đến không phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ. Tình trạng suy dinh dưỡng này có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của trẻ. Một số trẻ bị suy dinh dưỡng ngay từ trong bào thai, một số trẻ gặp phải tình trạng này trong quá trình khôn lớn.

Theo sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng, để theo dõi sự tăng trưởng hay nhận biết trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng không, cách đơn giản nhất là mẹ cân và đo chiều cao cho con theo định kỳ mỗi tháng 1 lần. Nếu các chỉ số cân nặng, chiều cao tăng đều, đó là dấu hiệu cho thấy trẻ phát triển bình thường và có sức khỏe tốt. 

Nếu trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng, cân nặng, chiều cao sẽ gần như đứng yên trong vòng 3 tháng. Ngoài ra, nếu cân nặng của trẻ nhỏ hơn -2SD (độ lệch chuẩn) so với cân nặng tiêu chuẩn trung bình, có chiều cao thấp hơn -2SD so với chiều cao tiêu chuẩn thì khả năng cao trẻ bị suy dinh dưỡng.

Ngoài chiều cao và cân nặng, còn có thêm 1 số dấu hiệu cảnh báo trẻ bị suy dinh dưỡng

- Con không hề hào hứng với các bữa ăn: Khi con nhìn thấy đồ ăn là khóc, chạy trốn, nôn ói khi ăn... Đây là các dấu hiệu cho thấy trẻ biếng hoặc chán ăn, kéo theo nguy cơ suy dinh dưỡng.

- Trẻ không nhanh nhẹn, mệt mỏi, cáu gắt: Một trong những dấu hiệu cảnh báo trẻ suy dinh dưỡng là trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, kém năng động, lười chơi chung với bạn bè, chỉ thích ngồi chơi một mình hoặc nằm, thờ ơ với mọi người và sự việc xung quanh...

Những trẻ bị suy dinh dưỡng nặng có thể dẫn đến sức đề kháng suy giảm, chậm lớn, thậm chí là tử vong.

- Một số dấu hiệu do thiếu vitamin, khoáng chất cũng có thể cảnh báo tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ như: thiếu vitamin A dẫn đến khô mắt, quáng gà, tăng nguy cơ giảm thị lực và nhiễm trùng; thiếu sắt có thể gây suy giảm chức năng não, các vấn đề về điều hòa thân nhiệt, dạ dày; thiếu kẽm là chán ăn, còi cọc, chậm lành vết thương, đau bụng, tiêu chảy; thiếu iốt gây phì đại tuyến giáp vì phải tăng hoạt động để tiết hormone.

Cần làm gì khi nghi ngờ con bị suy dinh dưỡng?

Khi nghi ngờ con em mình bị suy dinh dưỡng, cha mẹ cần đưa trẻ tới các trung tâm y tế để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ sẽ thực hiện một loạt các xét nghiệm, kiểm tra để đánh giá xem bé đang thiếu những dinh dưỡng nào, tìm ra nguyên nhân thiếu hụt do chế độ ăn không đảm bảo hay do vấn đề nội tại cơ thể bé khiến bé kém hấp thụ.

Sau khi đã có kết quả thăm khám, các bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị cũng như bổ sung chế độ ăn hợp lý cho trẻ. Ngoài bổ sung dinh dưỡng, trẻ cần được xây dựng lối sống lành mạnh, vận động hợp lý.

Đối với thai nhi, tình trạng suy dinh dưỡng thể hiện ở việc cân nặng của bé không đạt chuẩn với các mốc mang thai tương ứng. Trong trường hợp này, mẹ cần chủ động bổ sung dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ để em bé đạt chuẩn cân nặng, nâng cao thể trạng để khi chào đời em bé được khỏe mạnh.

Phòng tránh bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ như thế nào?

- Trước và trong thời kỳ mang thai, người mẹ cần ăn uống đủ chất, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tuân thủ lịch khám thai định kỳ, tránh xa các chất kích thích như rượu bia, cà phê, khói thuốc lá…

- Em bé sau khi được sinh ra cần:

+ Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi vừa mới sinh ra đến 18 hoặc 24 tháng vì sữa mẹ là nguồn thức ăn đầu đời tốt nhất cho trẻ. Ngoài cung cấp chất dinh dưỡng, sữa mẹ còn chứa nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại bệnh tật, các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.

+ Trường hợp mẹ thiếu sữa cần cho con bú sữa công thức phù hợp với nhu cầu và độ tuổi của trẻ.

+ Cho trẻ ăn dặm và ăn uống đúng cách, đầy đủ dinh dưỡng, khoa học để con phát triển tốt nhất.

+ Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng định kỳ mỗi năm để theo dõi sự phát triển của trẻ.

+ Chủ động bổ sung các loại vitamin cho trẻ hợp lý để con không bị thiếu hụt vitamin dẫn đến ảnh hưởng sức khoẻ.

+ Xây dựng chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi khoa học để trẻ phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ.

Chia sẻ