Dinh dưỡng đặc trị cho những trẻ sinh non
Hiện có khá nhiều “trẻ đặc biệt” cần phải được nuôi bằng chế độ dinh dưỡng đặc trị như: trẻ sanh non, nhẹ cân, trẻ dị ứng đạm sữa bò, khả năng hấp thu kém, tiêu chảy….
Tuy nhiên, do thiếu kiến thức, không xác định được các triệu chứng bệnh hoặc không được tư vấn kỹ, các bà mẹ đã đẩy tình trạng bệnh của bé ngày càng trở nên xấu đi, dẫn đến các nguy cơ như suy yếu hệ miễn dịch, suy dinh dưỡng, chậm phát triển về cả trí tuệ lẫn thể chất của trẻ….
Trẻ nào phải cần đến dinh dưỡng đặc trị
Bác sỹ chăm sóc một ca sinh non tại khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng I. |
Mới sanh được 2 ngày tại bệnh viện ở quê, vợ chồng chị L. T. T. Hòa lại tất tả khăn gói đưa con vào Nhi Đồng I trong tình trạng bé rất yếu và tiêu chảy ra máu. Chị Hòa không có sữa và cho bé bú bằng sữa bò. Các bác sĩ đã chẩn đoán bé bị dị ứng đạm sữa bò và cho bé sử dụng sữa đặc trị (sữa với đạm đã được thủy phân toàn phần dành cho trẻ bị dị ứng đạm sữa) bé đã nhanh chóng hồi phục và hết tiêu chảy.
Ths.Bs. Cam Ngọc Phượng - Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh bệnh viện Nhi đồng I cho biết: “Mối nguy hiểm chung của trẻ sanh non, nhẹ cân, trẻ kém hấp thu, tiêu chảy hay dị ứng với đạm sữa bò …là rất dễ sụt cân, chậm tăng trưởng và sức đề kháng kém. Ở trẻ mắc các bệnh đặc biệt này do các chức năng tiêu hóa và chuyển hóa không hoàn chỉnh nên đòi hỏi phải có nguồn dinh dưỡng đặc chế nuôi sống cơ thể, vượt qua giai đoạn khó khăn này để phát triển bình thường như các trẻ không mắc bệnh. Nếu không được chăm sóc, điều trị và dinh dưỡng phù hợp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về thể trạng và trí tuệ của trẻ sau này”.
Dinh dưỡng đặc trị nào được khuyến cáo cho “trẻ đặc biệt”?
Do nhu cầu năng lượng cho trẻ sinh non tăng tỉ lệ nghịch với cân nặng. Trẻ càng non tháng, có cân nặng thấp càng cần nhiều năng lượng, đạm, Vitamin, khoáng chất và các dưỡng chất như DHA/ ARA để giúp trẻ tăng cân, trong khi đó kích thước dạ dày của trẻ lại không đủ lớn để nạp đủ lượng cần thiết … Vì vậy, nên lưu ý chọn sữa được đặc chế riêng giàu đạm và năng lượng cao nhưng dễ tiêu hóa để giúp trẻ bắt kịp nhịp độ tăng trưởng và phát triển như trẻ đủ tháng là rất quan trọng. Khi trẻ đã bắt kịp tốc độ tăng trưởng của trẻ bình thường, có thể chuyển dần sang sữa thông thường khác cho trẻ.
Với các triệu chứng tiêu chảy, tùy cấp độ nhẹ hay nặng, tiêu chảy cấp hay tiêu chảy mãn tính mà bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ nguồn dinh dưỡng đặc trị phù hợp. Nếu vì lý do trẻ không dung nạp được đường lactose của sữa, cần giảm hoặc loại bỏ lactose ra khỏi thành phần dinh dưỡng hàng ngày của trẻ và cho trẻ sử dụng các sản phẩm sữa đặc trị không chứa đường lactose; với các trường hợp dị ứng đạm sữa bò hay kém hấp thu trầm trọng có thể sử dụng các chế phẩm thay thế như sữa đạm đậu nành hoặc sữa đã được thủy phân một phần thành polypeptides hoặc thủy phân hoàn toàn thành acid amin để giải quyết tình trạng mẫn cảm với đạm sữa, giúp tăng cường hấp thu thức ăn ở trẻ bệnh.
Tại thị trường Việt Nam hiện nay, có nhiều loại sản phẩm dinh dưỡng đặc trị cho các bác sĩ chọn lựa khi điều trị những trẻ mắc các bệnh lý đặc biệt này. Theo Ths. Bs. Ngọc Phượng, “khi có trẻ gặp các triệu chứng đặc biệt trên nên đưa bé đến bác sĩ trong thời gian sớm nhất để chẩn đoán đúng bệnh và dinh dưỡng đặc trị chính là yếu tố quan trọng giúp trẻ phục hồi và phát triển tốt nhất ”.