Điều trị trẻ bị tiêu chảy: Sai lầm khi mẹ quá kiêng khem

Thanh Hằng,
Chia sẻ

Đặc biệt trong mùa hè, trẻ bị tiêu chảy càng nhiều, để chăm con đúng cách trong trường hợp này không phải bậc phụ huynh nào cũng biết.

Trẻ bị tiêu chảy, mẹ cật lực kiêng khem

Mới đi học mẫu giáo được vài ngày, bé Cún đã được mẹ là chị Thu (Yên Ninh, Hà Nội) cho nghỉ học gấp vì bé bị sụt sịt liên miên, mấy hôm nay còn kèm theo tiêu chảy. Nghe bà hàng xóm mách, chị ngừng toàn bộ sữa, các chế phẩm từ sữa, thịt, cá, tôm, cua… chị chỉ cho bé Cún ăn cháo trắng với nước mắm. 

Chị cho rằng: “Con bị tiêu chảy chứng tỏ hệ thống tiêu hóa của con đang bị ốm yếu, nếu ăn thức ăn khó tiêu như thịt cá, sữa thì càng mệt hơn. Tốt nhất ăn càng ít càng tốt”. Lý do tưởng chừng như hợp lý trên lại là một sai lầm phổ biến của nhiều bà mẹ. 

Chị Hằng (Hà Đông, Hà Nội) là một ví dụ. Thực đơn ăn của bé Mai nhà chị dạo này chỉ là cháo trắng loãng với cà rốt. Nguyên nhân cũng chỉ do bé bị tiêu chảy, chị nghĩ nát óc mà không hiểu tại sao con lại bị đi ngoài. Thấy con héo mòn, ăn cháo trắng suốt nên chán, lười ăn, chị càng lo lắng hơn. Nhìn con đòi ăn sữa mà chị xót hết cả ruột. Nhưng cái sự kiêng khem của chị chưa đi đến đâu bởi bé ngày một ốm yếu, xanh rớt, phải đến khi bé ngất xỉu chị mới đưa bé vào viện. 

Tại bệnh viện, bác sĩ nói rằng: "May chị vào sớm để bé được truyền nước kịp thời, chậm chút nữa thì tính mạng bé còn khó giữ". Nghe những lời nói này mà gia đình chị lo lắng vô cùng, chị không tin được rằng kinh nghiệm "vàng" truyền miệng như vậy hóa ra là sai lầm. 

Điều trị trẻ bị tiêu chảy: Sai lầm khi mẹ quá kiêng khem 1
Đặc biệt trong mùa hè, trẻ bị tiêu chảy càng nhiều, để chăm con đúng cách trong trường hợp này không phải bậc phụ huynh nào cũng biết (Ảnh minh họa)

Chăm trẻ bị tiêu chảy: Sai lầm khi kiêng khem

Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Lực - Viện Bảo hộ lao động cho rằng, không chỉ hai trường hợp trên mà có rất rất nhiều bậc phụ huynh mắc phải sai lầm này. Họ cứ thấy con bị tiêu chảy là họ cho dừng toàn bộ đồ ăn dinh dưỡng, chỉ cho con ăn cháo loãng với muối hoặc nước mắm. 

Tiêu chảy là một bệnh lý mà trẻ gặp khá nhiều. Khi bị mắc phải bệnh này, trẻ sẽ thường xuyên trong tình trạng chán ăn, cơ thể mệt mỏi vì bị mất nước và một điều vô cùng nguy hiểm là nếu cha mẹ không bù nước kịp thời cho con, cơ thể con sẽ gặp tình trạng mất nước, mất nước là một nguy cơ khiến trẻ bị tử vong rất cao. 

Bác sĩ khẳng định việc cha mẹ cho bé kiêng ăn tôm, cua, thịt, cá sữa là một hành động sai lầm, nếu kéo dài, chính cha mẹ sẽ khiến bé phải đối diện với nguy cơ bị suy dinh dưỡng cơ thể trong tương lai. 

Vậy khi bé bị tiêu chảy thì cha mẹ phải làm gì? 

Bé bị tiêu chảy nên thường bị mất nước, cơ thể thiếu nước sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Việc cần làm đầu tiên đó là cha mẹ nên cho bé uống bù nước ngay và liên tục. Ngoài nước lọc, cha mẹ có thể cho bé uống các dung dịch bù nước thông dụng như oresol, dừa xiêm non, mỗi 15 phút cho bé uống một lần. Cha mẹ nên theo dõi nếu bé đi tiểu nhiều, linh động, da tươi tắn, hồng hào thì đó là một dấu hiệu tốt. 

Bậc phụ huynh nên chủ động cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé (bữa ăn hàng ngày luôn đủ 4 nhóm thực phẩm chính: bột đường, chất đạm, chất béo, rau củ quả). Bác sĩ Lực khuyên chị em nên cho bé ăn đầy đủ chất đặc biệt là thịt gà, lợn, cá nạc, sữa và các chế phẩm từ sữa. Trong thời điểm này, có thể bé rất mệt mỏi lười ăn nhưng cha mẹ không nên quá lo lắng, không nên ép bé mà nên động viên khuyến khích bé ăn. Cho bé ăn giãn bữa, ăn ít một, ăn theo nhu cầu với đồ ăn mềm, loãng. Với trẻ nhỏ, mẹ nên tăng cường cho bé bú. 

Ngoài ra, bậc phụ huynh nên chú ý tới vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh nguy cơ bị bội nhiễm. Cha mẹ cần cho bé ăn chín uống sôi, hạn chế sử dụng lò vi sóng bởi chưa chắc đồ ăn đã được đun kỹ. Cha mẹ cần chế biến đồ ăn ăn tới đâu nấu tới đó, tránh thức ăn cũ, lưu cữu ngày này qua ngày khác. 

Phòng ngừa bệnh tiêu chảy cũng là một điều mà cha mẹ nên nằm lòng, bạn cần lưu ý những điều sau: Cha mẹ nên mua, chế biến những thực phẩm sạch và được nấu chín, hạn chế cho bé ăn thức ăn nhanh, thức ăn không đảm bảo được bày bán ngoài đường. Giúp bé có thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn, dạy bé nói không với mút tay. Tuyệt đối cho bé tránh xa ổ bệnh, người đang bị tiêu chảy. 

Nếu bé có dấu hiệu của tiêu chảy, sau khi làm theo những lời khuyên trên mà chưa thấy bé đỡ, cha mẹ không nên chần chừ, hãy đưa bé ngay tới bệnh viện để thăm khám kịp thời. 



Đi hết phân su mà trẻ vẫn đi ngoài ngày 4-5 lần khiến nhiều bà mẹ cho rằng con bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí là tiêu chảy. Tuy nhiên, theo bác sĩ thì trong nhiều trường hợp đây chỉ là sinh lý bình thường ở trẻ bú mẹ.
Điều trị trẻ bị tiêu chảy: Sai lầm khi mẹ quá kiêng khem 2
Chia sẻ