Đi viện vì ăn "cháo dinh dưỡng"
Hiện nay, xuất hiện sản phẩm cháo bán sẵn (được quảng cáo là cháo dinh dưỡng). Nhiều bác sĩ cảnh báo, đã không ít trẻ phải nhập viện vì suy dinh dưỡng do trường kỳ ăn các loại cháo này.
Đi ngoài vì “cháo dinh dưỡng”
Vì sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian, nhiều cha mẹ thường ngày vẫn sử dụng một số loại cháo bán sẵn trên thị trường cho con ăn mà không bổ sung thêm thịt, cá, rau... vào cháo.
Chị Trần Ngọc Anh, nhà ở phố Dịch Vọng, Cầy Giấy, Hà Nội, có con 1 tuổi cho biết, mỗi ngày ngoài sữa, chị thường mua cháo bán sẵn cho con ăn vì thấy các thành phần trên bao bì đảm bảo đủ chất. Vài tháng nay, con trai chị thường xuyên đi ngoài và không lên cân. Chị Anh đưa con đi khám, các bác sĩ cho biết do chỉ ăn cháo bán sẵn, không được bổ sung thêm các loại thực phẩm tươi nên khẩu phần ăn của cháu không đủ chất, dẫn đến suy dinh dưỡng.
Trước cửa Phòng khám Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Nguyễn Thị Thoa (Yên Mỹ, Hưng Yên) đưa con 14 tháng tuổi đến khám vì nhiều tháng nay con chị không lên cân, da xanh xao. Chị cho biết, khẩu phần ăn của cháu chủ yếu là cháo bán sẵn do chị bận bán hàng, không có thời gian nấu nướng.
Sau một thời gian ăn loại cháo này, con chị Thoa thường xuyên bỏ bữa và đi ngoài, người gầy rộc hẳn, hay ho khan, da chân tay thô ráp. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho chị biết con chị bị thiếu vi chất dinh dưỡng vì không được đảm bảo đủ các chất đạm, sắt, canxi... nên dẫn tới tình trạng trên.
Theo khảo sát của PV Báo GĐ&XH, hiện trên thị trường, “cháo dinh dưỡng” được bày bán với nhiều thương hiệu. Các loại cháo đóng gói sẵn như: Cháo lươn, cháo thịt heo, thịt bò, óc heo, đậu đen, đậu xanh, thập cẩm, hạt sen, cá lóc, tôm... giá bán trung bình từ 4.000 – 6.000 đồng/bịch, 6.000 – 12.000đồng/hộp. Tại các cửa hàng cháo dinh dưỡng, rất đông bậc cha mẹ đến mua cho con ăn.
Nên tự nấu cháo cho trẻ
Tiến sĩ Bùi Thị Phương, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội nhận định, về mặt dinh dưỡng, hàm lượng protid trong một số loại “cháo dinh dưỡng” này rất thấp, không đủ tiêu chuẩn cho một bữa ăn của bé. Nếu trẻ ăn lâu dài sẽ bị suy dinh dưỡng. Ngoài ra, khi bà mẹ lạm dụng thực phẩm này sẽ làm trẻ biếng ăn.
Tiến sĩ Phương cho biết thêm, không ai biết được nguồn nguyên liệu chế biến cháo (cá, thịt, rau, củ, quả...) có bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm hay không. Trong khi đó, thức ăn nấu chín, ở nhiệt độ bình thường, không nên để quá 4 giờ. Vì cứ một giờ chưa sử dụng thì vi khuẩn trong thức ăn có thể phát triển tăng gấp 5-10 lần. Khi cho trẻ ăn các loại thức ăn để lâu, trẻ sẽ bị rối loạn tiêu hóa, nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm độc...
Bác sĩ Lê Bảo Khanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện nay chưa có cơ sở nào đến Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhờ kiểm định chất lượng đạm cũng như hàm lượng đạm trong cháo bán sẵn. Những loại “cháo dinh dưỡng” chắc chắn không đủ chất dinh dưỡng. Nếu các bậc cha mẹ chỉ sử dụng sản phẩm này cho bữa ăn của con mà không bổ sung thêm các nguồn thực phẩm khác như rau, thịt, cá... thì sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.
Tiến sĩ Bùi Thị Phương cho biết, một loại cháo được gọi là cháo dinh dưỡng thì các chất đạm, vi chất dinh dưỡng có trong gói cháo phải cân đối và được cơ quan chuyên môn kiểm định. Bát cháo dinh dưỡng của trẻ phải có đầy đủ 4 nhóm thức ăn: Các chất đạm (từ thịt, cá, trứng, cua...), tinh bột (gạo, ngô...), chất xơ (gồm các loại rau, củ, quả) và các chất béo (dầu ăn)... nhằm cung cấp vitamin và khoáng chất cho trẻ. Trong mỗi bát cháo của bé phải có khoảng 30g chất đạm, 30g chất rau củ và khoảng 1 muỗng dầu ăn.
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, trẻ em trong độ tuổi ăn dặm (từ 6- 24 tháng tuổi) đang trong giai đoạn phát triển nhanh, nếu bị suy dinh dưỡng trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất về sau. Các loại cháo bán sẵn chủ yếu dành cho trẻ nhỏ, do sức đề kháng yếu, trẻ rất dễ ngộ độc nếu cháo không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thường xuyên ăn “cháo dinh dưỡng” bán sẵn, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng nặng. Do vậy, nếu sử dụng cháo bán sẵn cho con, các bác sĩ khuyên phụ huynh nên bổ sung thêm các loại củ, quả vào bát cháo bằng cách nghiền nhuyễn rồi trộn vào bát cháo sau đó đun lại để đảm bảo vệ sinh. Cách tốt nhất là nên tự nấu cháo cho con để bảo đảm đủ chất, vệ sinh.
Với những bà mẹ ít có thời gian nấu nướng nên chọn cách nấu sau đây: Mua sẵn các thực phẩm dùng để chế biến, đem bảo quản trong tủ lạnh. Nấu sẵn một nồi cháo trắng đặc và mịn. Dùng một quánh nhỏ, cho nước vừa đủ, rồi cho thực phẩm sống vào như rau, thịt, nấu sôi, sau khi chín cho một lượng cháo đã nấu chín vào vừa đủ một bữa ăn cho trẻ. Nêm vào đó ít nước mắm và ít dầu ăn. Không nên dùng bột ngọt khi chế biến thức ăn cho trẻ dưới 3 tuổi. TS Bùi Thị Phương, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội. |