Đi phẫu thuật tinh hoàn ẩn, bé trai 2 tuổi đã bị hỏng cả 2 bên do nhầm lẫn khủng khiếp của bác sĩ
Phẫu thuật điều trị tinh hoàn ẩn cho bé trai 2 tuổi nhưng các bác sĩ đã mắc một sai lầm khủng khiếp khiến bé bị vô sinh suốt đời.
"Họ đã 'thiến' con trai tôi"
Một cậu bé giấu tên đã được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia Bristol (Anh) ngày 17/12 để điều trị một tinh hoàn bị ẩn. Cậu bé có một bên tinh hoàn khỏe mạnh và một tinh hoàn không hoạt động. Cha của bé cho biết các bác sĩ đã phẫu thuật sai và vô tình "thiến" cậu bé. Đại học Bệnh viện Bristol đã xin lỗi và cho biết họ đã mở một cuộc điều tra sự cố nghiêm trọng.
Một bác sĩ phẫu thuật đã lắp nhầm camera và phẫu thuật bên tinh hoàn khỏe mạnh của cậu bé thay vì bên tinh hoàn bị ẩn khiến chúng bị phá hủy và sẽ "không bao giờ hoạt động được" (Ảnh minh họa).
Cha của cậu bé (không sử dụng tên thật để bảo vệ danh tính của con trai), cho biết bên tinh hoàn ẩn của con trai đã được phát hiện trong quá trình kiểm tra định kỳ. Gia đình được giới thiệu đến một chuyên gia và đã đặt lịch một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia Bristol.
Gia đình bé chia sẻ thêm rằng họ được thông báo rằng "đây chỉ là một cuộc tiểu phẫu nhỏ" với "rủi ro rất thấp" và nó sẽ kết thúc sau khoảng 30 phút:
"Chúng tôi đã chờ đợi và chờ đợi. Sau hai tiếng rưỡi, người quản lý, bác sĩ phẫu thuật và chuyên gia tư vấn đến và tôi biết có gì đó không đúng. Tôi và vợ tôi bắt đầu hoảng loạn, họ gọi chúng tôi vào văn phòng và nói với chúng tôi rằng mọi thứ đã không ổn và ca phẫu thuật không thành công", cha cậu bé kể lại.
Cậu bé (ảnh đã được che mờ) được đưa vào Bệnh viện Nhi Bristol để điều trị một bên tinh hoàn ẩn.
Cặp vợ chồng được thông báo rằng một bác sĩ phẫu thuật đã lắp nhầm camera và phẫu thuật bên tinh hoàn khỏe mạnh của cậu bé thay vì bên tinh hoàn bị ẩn khiến chúng bị phá hủy và sẽ "không bao giờ hoạt động được". Cha cậu bé cho biết: "Tôi đã rất đau khổ, đó là một thảm họa khủng khiếp cho một phẫu thuật đơn giản, họ đã phá hủy tất cả mọi thứ và họ đã hủy hoại con trai tôi. Họ thiến con tôi và bây giờ cuộc sống tương lai của thằng bé đã thay đổi đầy bi kịch, nó sẽ không thể có con và không còn là một người bình thường nữa".
Nhắc lại về sự cố này, mẹ của cậu bé nói rằng những gì các bác sĩ phẫu thuật đã làm là hoàn toàn khủng khiếp: "Trái tim tôi tan vỡ và về cơ bản họ đã phá hủy tương lai của thằng bé. Tôi không thể tìm thấy từ gì để giải thích cảm giác của mình - không một từ nào cả. Ngay cả nước mắt, tôi cũng không còn nữa. Chúng tôi chỉ hy vọng vào một phép màu, đó là tất cả những gì chúng tôi trông đợi".
Bệnh viện Bristol nơi diễn ra cuộc phẫu thuật.
Trong một tuyên bố, Bệnh viện Bristol đã xin lỗi và nói rằng đó là "điều vô cùng đáng tiếc". Phát ngôn viên bệnh viện cho hay: "Ngay khi các nhân viên của chúng tôi nhận ra điều đã xảy ra, họ đã đến gặp gia đình để thông báo ra và xin lỗi một lần nữa vào thời điểm đó. Tôi muốn nhắc lại rằng chúng tôi rất coi trọng sự an toàn của bệnh nhân ở đây và cả chất lượng chăm sóc lâm sàng của chúng tôi. Do đó, một cuộc điều tra sự cố nghiêm trọng đã được mở ra. Chúng tôi sẽ thông báo cho gia đình và tham gia vào quá trình này".
Theo báo cáo, cậu bé sẽ phải điều trị bằng hormone trong suốt quãng đời còn lại.
Hiện tượng tinh hoàn ẩn ở trẻ nhỏ
Tinh hoàn ẩn (cryptorchidism) là một tình trạng phổ biến ở trẻ em khi một tinh hoàn không ở vị trí thông thường trong bìu. Theo NHS (Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh), cứ 25 bé trai thì có 1 bé được sinh ra với tinh hoàn bị ẩn.
Trong hầu hết các trường hợp không cần điều trị vì tinh hoàn thường sẽ di chuyển xuống bìu một cách tự nhiên trong 3 đến 6 tháng đầu đời. Nhưng khoảng 1 trong 100 bé trai có bên tinh hoàn bị ẩn trừ khi được điều trị.
Ảnh minh họa
Trong thai kỳ, tinh hoàn hình thành bên trong bụng của bé trai trước khi từ từ di chuyển xuống bìu khoảng một hoặc hai tháng trước khi sinh. Lý do chính xác tại sao một số bé trai được sinh ra với tinh hoàn bị ẩn vẫn chưa được biết đến. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tinh hoàn ẩn ở trẻ sơ sinh bao gồm:
- Cân nặng khi sinh thấp.
- Sinh non.
- Tiền sử gia đình có tinh hoàn không di căn hoặc các vấn đề khác về phát triển bộ phận sinh dục.
- Khi thai nhi mắc các bệnh về hạn chế sự phát triển chẳng hạn như hội chứng Down hoặc khiếm khuyết thành bụng.
- Người mẹ sử dụng rượu khi mang thai.
- Người mẹ hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Cha mẹ tiếp xúc với một số loại thuốc trừ sâu.
Chẩn đoán tinh hoàn ẩn ở bé:
Tinh hoàn ẩn thường được phát hiện trong quá trình kiểm tra thể chất sơ sinh được thực hiện ngay sau khi sinh hoặc trong quá trình kiểm tra định kỳ vào lúc 6 đến 8 tuần. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn nhận thấy rằng 1 hoặc cả hai tinh hoàn của con không ở vị trí bình thường trong bìu.
Tinh hoàn ẩn thường không gây đau đớn và trẻ không có nguy cơ gặp phải bất kỳ vấn đề sức khỏe tức thời nào. Nhưng nên được theo dõi bởi bác sĩ trong trường hợp cần điều trị bởi các cậu bé với tinh hoàn ẩn không được điều trị có thể có vấn đề về khả năng sinh sản sau này trong cuộc sống và tăng nguy cơ phát triển ung thư tinh hoàn và thoát vị.
Nguồn: Parent, BBC