Để tránh mất tiền oan, hãy thử ngay cách này để phân biệt quần áo tốt và hàng kém chất lượng
Với 8 mẹo phân biệt sau đây, bạn sẽ không lo mua nhầm hàng kém chất lượng khi chọn quần áo.
Giá thành không phải lúc nào cũng phản ánh đúng chất lượng sản phẩm quần áo. Đôi khi, những món đồ mua từ chợ bình dân có thể mặc được trong nhiều năm, trong khi một số sản phẩm từ thương hiệu có tiếng lại "ra bã" chỉ sau lần giặt thứ ba. Thế mới nói, người tiêu dùng cần phải biết cách kiểm tra, phân biệt món đồ chất lượng cao và "hàng dạt" khi mua sắm quần áo.
Cảnh giác với những món đồ quá nhẹ
Khi mua hàng dệt kim, hãy cầm sản phẩm trên tay và cảm nhận trọng lượng của chúng. Có 1 khái niệm mang tên "mật độ sợi vải", dùng để chỉ số lượng sợi dệt trên 2,54 cm vuông vải. Con số này bao gồm cả sợi năm ngang và nằm dọc. Số lượng sợi vải càng nhiều thì vải càng đắt tiền, đồng nghĩa với sản phẩm dệt kim càng dày dặn và bền chắc.
Ngược lại, sản phẩm quá mỏng và lỏng lẻo sẽ nhanh chóng bị rách và giãn ở những nơi cơ thể phình to hoặc khi cử động mạnh. Một phương pháp khác để kiểm tra chất lượng là đặt quần áo dưới ánh sáng và nhìn từ dưới lên. Khi ánh sáng lọt qua sản phẩm, độ trong suốt không đồng đều là dấu hiệu cho thấy đây mặt hàng có chất lượng kém.
Kiểm tra lớp lót
Hoạ tiết, chất liệu vải của lớp lót phải phù hợp với phần bên ngoài của váy áo. Nếu không, rất có thể nhà sản xuất đã quyết định tiết kiệm tiền và tuỳ tiện may lớp lót bằng loại vải không phù hợp.
Để quần áo vừa vặn với cơ thể, chất liệu lót phải dày dặn nhưng đủ độ mềm mại. Nếu một sản phẩm được làm từ vải co giãn, chẳng hạn như hàng dệt kim, jersey, guipure... thì lớp lót của chúng cũng phải có độ đàn hồi. Còn nếu một sản phẩm không có khả năng co giãn thì chất liệu của lớp lót cũng phải có sự tương đồng.
Chà vải
Xơ len xuất hiện sau một thời gian sử dụng sản phẩm có ảnh hưởng rất nhiều đến hình thức trang phục. Thông thường, chúng hình thành trên các vật liệu tổng hợp, vải có sợi ngắn, hỗn hợp vải tổng hợp và vải tự nhiên cũng như hàng dệt kim.
Càng có nhiều sợi tổng hợp (polyester, elastane, acrylic, polyamide hoặc nylon) thì vật phẩm sẽ càng sớm được bao phủ bởi các viên xơ len bé li ti, gây mất thẩm mỹ. Xơ trên quần áo len xuất hiện nhanh, nhưng theo thời gian, chúng sẽ tự biến mất. Để biết liệu các hạt xơ có xuất hiện hay không, bạn cần chà xát mạnh một mảnh vải này với mảnh vải khác. Vải kém chất lượng sẽ bắt đầu xù lông và cuộn lại ngay lập tức.
Thử bằng khăn ướt
Quần áo nhuộm kém chất lượng không chỉ làm bẩn trang phục sáng màu khác khi giặt chung, mà còn gây hại cho da của bạn. Để tránh điều này, hãy tìm hiểu trước xem vải có bị phai màu hay không. Để kiểm tra, hãy lấy khăn ướt để chà xát vải. Nếu trang phục chuyển sang màu mới còn khăn ướt dính đầy màu, món đồ bạn đang kiểm tra đã được nhuộm bởi loại màu kém chất lượng.
Kiểm tra kỹ phụ kiện
Sử dụng phụ kiện kém chất lượng là một cách khác để các nhà sản xuất tiết kiệm tiền. Khuy cài nhựa hoặc kim loại để lại vết ố màu trên quần áo, khóa kéo nhựa hoặc đường chỉ may thô ẩu cho thấy ngay chất lượng của sản phẩm. Một sản phẩm may mặc chất lượng cao cần có phần khoá kéo hoặc nút cài đẹp. Khoá kéo đẹp thường được che phủ bởi lớp vải một cách khéo léo, không bị lộ ra ngoài.
Mùi khó chịu
Bạn đã bao giờ nhận thấy rằng, một số cửa hàng - đặc biệt là những cửa hàng bán đồ đã qua sử dụng, có một mùi hương rất khó chịu chưa? Nguyên nhân là từ hợp chất manđehyt bám trên vải. Đó là một loại khí hữu cơ có mùi khó chịu, được dùng để khử trùng quần áo và ngăn chặn sự xuất hiện của nấm mốc trên đồ vật. Một lượng lớn formaldehyde nguy hiểm có thể gây dị ứng dù sẽ biến mất sau vài lần giặt.
Điều này có nghĩa rằng để phân biệt quần áo mới và có chất lượng tốt, bạn cần phải ngửi mùi vải. Sản phẩm tốt không nên có mùi hoặc nếu có thì mùi hương cũng rất dễ chịu.
Kiểm tra các đường nối
Hãy nhìn kỹ vào những đường nối trên item. Nếu ống quần/tay áo/váy bị xoắn hoặc các đường may không đều, không thẳng tắp, điều đó có nghĩa mặt hàng bị lỗi, bị cắt may ẩu. Điều này không chỉ gây khó chịu về mặt thị giác mà còn tạo cảm giác đôi chân hoặc cơ thể người mặc như bị cong vẹo.
Đốt một mẩu vải
Đôi khi, các nhà sản xuất quần áo chơi chiêu trí trá để người mua nhận được sản phẩm hỗn hợp cotton và polyester thay vì 100% cotton. Để tìm ra thành phần của vải, bạn có thể tự kiểm tra ở nhà mà không nhất thiết phải mang nó đến phòng thí nghiệm.
Hãy lấy một mẩu vải hoặc sợi chỉ thừa từ món đồ cần kiểm tra và đốt nó. Quan sát sản phẩm khi cháy:
-Vải lanh và bông cháy theo cùng một cách. Chúng có tỷ lệ cellulose cao, có nghĩa là vải sẽ có mùi như giấy cháy . Các sợi cháy sáng và nhanh chóng, để lại một lượng tro nhỏ và mịn.
-Viscose được làm từ gỗ tự nhiên bằng phương pháp hóa học. Nó cháy nhanh, có mùi như giấy cháy và để lại tro xám.
-Len và lụa có mùi như tóc cháy hoặc lông vũ. Chúng cháy chậm, các sợi cuộn lại và ngọn lửa nhanh chóng tắt.
-Acrylic cháy với ngọn lửa màu vàng sáng với những tia sáng nhỏ. Sau khi lửa tắt, chúng tự co lại và vón cục.
- Sợi axetat (chất tổng hợp) cháy và tạo ngọn lửa màu vàng, có mùi giống như giấm.
- Vải lavsan nhân tạo khi cháy tạo lửa màu vàng nhạt, sau cùng để lại muội đen. Sau khi đốt cháy, nó tạo thành vụn vải vón cục.