Để con thua từ vạch xuất phát - Cách dạy con nên người của cha mẹ Đức
Chuẩn bị đến tuổi vào lớp 1 nhưng cha mẹ Đức vẫn bình thản khi con chưa hề biết chữ, cũng chưa biết đếm và thậm chí còn nhầm lẫn về màu sắc.
Tôi có dịp gặp lại chị bạn khi gia đình chị từ Đức về Việt Nam thăm người thân. Chị Lin theo chồng sang Đức đến nay đã được 8 năm, chị có một cậu con trai gần 5 tuổi tên Tin rất kháu khỉnh. Thằng bé để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng về sự khác biệt hoàn toàn với những đứa trẻ Việt Nam mà tôi đã từng gặp: vô cùng thông minh và hiểu biết. Điểm làm tôi ngạc nhiên nhất là dù đã gần đi học nhưng Tin chưa biết chữ, chưa biết đếm và thậm chí bị nhầm lẫn một số màu sắc. Tôi có hỏi, chị Lin bảo "Ở lớp chỉ chơi thôi". Câu trả lời khiến tôi khá tò mò và bất ngờ về cách giáo dục để trẻ "thua từ vạch xuất phát" của cha mẹ Đức.
Trẻ làm gì ở trường mẫu giáo?
Trẻ em Đức không được khuyến khích học chữ hay nhận biết mặt chữ trước khi vào lớp một (Ảnh minh họa).
Mẫu giáo là môi trường để trẻ chơi và học cách giao tiếp. Trẻ em Đức không được khuyến khích học chữ hay nhận biết mặt chữ trước khi vào lớp một. Các bé sẽ được bố mẹ đưa đến trường mẫu giáo trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi. Ở đây, đa số thời gian bọn trẻ sẽ chơi ngoài trời còn thì chúng được xem ti vi để biết mọi thứ xung quanh cuộc sống. Giá trị của thời gian chơi ngoài trời được nhà trường rất chú trọng. Đặc biệt dù thời tiết lạnh hay nóng, sau khi ngủ trưa dậy trẻ đều ra ngoài tiếp xúc với thiên nhiên để dễ dàng thích nghi với mọi môi trường từ bé.
Trong khi ở Việt Nam, cho con đi nhà trẻ là nỗi lo lắng lớn của phụ huynh bởi những chuyện bạo hành xảy ra nhan nhản trên các trang báo thì ở Đức, trường mẫu giáo chính là nơi an toàn nhất dành cho các bé. Ngay trong buổi học đầu tiên của trẻ, cô giáo sẽ hỏi con bạn ở nhà có bị bố mẹ đánh không, nếu có nhà trường sẽ gọi bố mẹ lên khiển trách. Phụ huynh mà tiếp tục tái phạm, hiệu trưởng sẽ mời lên trung tâm bảo vệ trẻ em. Đối với luật pháp Đức, Trung tâm bảo vệ trẻ em có quyền mang con bạn đi khi bố mẹ không đối xử tốt với chúng.
Trẻ em Đức được dạy tính kỉ luật và sự đấu tranh. Ví dụ như ở lớp, con bạn có đồ chơi đẹp, nó có thể chơi một mình hoặc chia sẻ với bạn bè nếu thực sự nó muốn. Trong trường hợp có bạn tranh giành đồ chơi, trẻ được dạy cách lấy lại món đồ của mình mà không có sự can thiệp của giáo viên.
Trẻ được khuyến khích chơi ngoài trời (Ảnh minh họa).
Quy tắc cho trẻ ăn: đói - ăn - no - dừng
Cha mẹ Đức cho con ăn với quy tắc rất đơn giản: đói-ăn-no-dừng. Trong mọi bữa ăn, trẻ sẽ cùng ngồi ăn với bố mẹ và chủ động trong việc ăn uống, bố mẹ sẽ không bắt ép. Có thể rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng, trẻ con bây giờ thường người lớn ép ăn còn không hiệu quả nói gì đến tự giác nhưng sự tự giác trong ăn uống của người Đức cũng có nguyên tắc riêng giữa bố mẹ và con cái.
Nguyên tắc để trẻ ăn đúng cách: bố mẹ sẽ quyết định cho con ăn gì, khi nào cho ăn và cho ăn như thế nào. Còn trẻ sẽ quyết định bản thân muốn ăn gì trong số đồ ăn được bố mẹ chuẩn bị cho và ăn bao nhiêu là đủ. Khi ăn xong con sẽ rời khỏi bàn và không được cầm thức ăn chạy nhảy lung tung.
Chị Lin kể cho tôi nghe về những ngày đầu bé Tin đi nhà trẻ. Có một quy tắc rất khắc nghiệt mà họ buộc trẻ nào cũng phải thực hiện đó là mỗi bé chỉ được ăn trong thời gian hạn định. Lúc đầu chị xót con vì Tin ăn chậm, không thể thích nghi được nhưng dần dần bé quen hơn và rèn luyện được tác phong tốt. Đến giờ ăn trưa các cô sẽ dọn đồ ăn ra để các bé tự ăn mà không có sự hỗ trợ của người lớn. Trong 20 phút, không cần biết các con ăn được nhiều hay ít, đồ ăn còn hay hết, các cô sẽ dọn ngay.
Trong 20 phút, không cần biết các con ăn được nhiều hay ít, đồ ăn còn hay hết, các cô sẽ dọn ngay (Ảnh minh họa).
Tự lập ngay khi còn sơ sinh
Đối với người Đức, trẻ em cần được học tính tự lập từ rất sớm, ngay từ khi nhỏ nhất. Họ cho trẻ ăn no, thay tã sạch sẽ rồi cho trẻ nằm chơi trên giường hoặc trong cũi, không ru ngủ và không bế ẵm. Mọi thứ để tự nhiên, tự khóc tự nín, tự chơi, tự ngủ.
Trẻ em Đức được rèn tự lập từ sơ sinh (Ảnh minh họa).
Không áp đặt, cha mẹ Đức tôn trọng và lắng nghe con
Bố mẹ Đức rất tôn trọng ý kiến của con cái nhưng không bao giờ dạy con bằng đòn roi. Phương châm của các bậc cha mẹ người Đức là làm bạn của trẻ để tìm phương án giải quyết tốt nhất, đừng cho rằng bố mẹ luôn luôn đúng và bắt buộc con luôn làm theo ý mình, điều này hoàn toàn sai lầm. Bố mẹ cũng phải tôn trọng ý kiến của con cái khi con nói "Không".
Họ dạy con cách lắng nghe, lắng nghe dù bản thân mình có giỏi hơn người nói, nếu buộc phải ngắt lời thì cần xin lỗi trước, điều gì không biết thì phải hỏi.
Bố mẹ Đức cũng sẽ không trách mắng con cái nếu chúng bị điểm kém nhưng không có nghĩa là họ chiều chuộng con. Người Đức rất nghiêm khắc với con cái, họ nhắc nhở trẻ học và tạo điều kiện cho chúng nhưng luôn tôn trọng ý kiến và sở thích cá nhân của chúng. Họ giải thích cho trẻ hiểu rằng: học không phải vì bố mẹ mà vì chính tương lai bản thân. Tôn trọng cả ước mơ và sự lựa chọn nghề nghiệp của con sau khi phân tích rõ thiệt hơn để con tự cân nhắc cái gì phù hợp với mình.