Đẻ con 4 tháng nhưng không thấy yêu con, chưa nhận thức mình là mẹ, mẹ bỉm thay đổi vì 1 hành động của bé

An Chi,
Chia sẻ

Trước đó, trong suốt 4 tháng, người mẹ này luôn nghĩ, con là em trai của mình, không nhận thức được rằng mình là mẹ.

Tình yêu giữa mẹ và con được hình thành ngay từ khi em bé là một hạt mầm bên trong bụng mẹ. Trải qua 9 tháng 10 ngày vất vả cùng khoảnh khắc sinh tử khi con chào đời, tình yêu ấy càng được kết nối. Nhiều mẹ tâm sự, giây phút khi nhìn thấy con bé nhỏ khóc oe oe, nép vào ngực mẹ da kề da khiến họ yêu con hơn bao giờ hết, nghĩ rằng sẽ bảo vệ con cả cuộc đời này. 

Thế nên, những tâm sự về chuyện không cảm thấy kết nối được với con của mẹ bỉm dưới đây khiến nhiều người cảm thấy có chút lạ lùng. Dù em bé đã được 4 tháng tuổi nhưng người mẹ trong câu chuyện chia sẻ chưa nhận thức được mình là mẹ. Chỉ nghĩ con là em của mình. Bà mẹ trẻ thừa nhận mình ham chơi, mãi không tìm thấy bản năng chăm con của một người mẹ. 

"Có mom nào bị như mình không. Đến lúc con 4 tháng mà mình vẫn chưa nhận thức được rằng: Mình là mẹ. Và đây là điều đã khiến mình thay đổi.

Mình là đứa ham chơi, sinh xong mãi mình không thấy bản năng người mẹ trong mình đâu. Nhìn con thỉnh thoảng mình cứ nghĩ là em của mình. Còn mẹ mình mới là mẹ của nó. Thậm chí có một hôm mình còn buột miệng: "Để chị bế em nhé".

Rồi một hôm mình có việc phải đi ra ngoài cả ngày. Về đến nhà thì con đã ngủ rồi. Mẹ mình bảo hôm nay nó khóc gọi mình, rồi cho xem video dì nó quay. Nó bé tí mà mới chớp mắt một cái, hai giọt nước to đùng lăn dài xuống hai bên má. Nó khóc to, gọi "mẹ". Con mới có 4 tháng thôi, nhưng mà gọi mẹ rõ lắm. Mà có ai dạy đâu, mình mới chỉ dạy có "mama", "papa" thôi vì sợ "mẹ" hơi khó, con còn bé, chưa phát âm được.

Thấy thế mình thương lắm, chỉ muốn xông vào bế con, dù nó vẫn đang ngủ. Lúc sau con tỉnh dậy, mình bế lên. Nó rúc ngay vào lòng mình như một chú mèo con. Và đây chính là khoảnh khắc mình bắt đầu cảm thấy: Đúng là con của mình rồi. Chứ không phải em út trong nhà nữa", người mẹ tâm sự.

Và người mẹ chỉ nhận thức được đây là con của mình trong một lần đi ra ngoài cả ngày. Suốt 4 tháng chăm sóc và ở gần bên nhau, em bé đã quen với hơi của mẹ. Việc mẹ đi xa khiến con cảm thấy nhớ nhung, mất cảm giác an toàn và chỉ muốn được mẹ ôm vào lòng mà thôi. Khoảnh khắc ấy đã khiến người mẹ nhận thức được vai trò của bản thân, rằng chính thức đã lên chức mẹ, và có một em bé vô cùng đáng yêu đang nũng nịu trong lòng mình. 

Cứ tưởng lạ lùng nhưng dưới phần bình luận, nhiều mẹ chia sẻ họ cũng có cảm giác tương tự như thế. Sau một thời gian dài chăm con, họ mới nhận thức được tình yêu dành cho con to lớn tới mức nào. Bản năng làm mẹ khi ấy mới trỗi dậy. 

Đẻ con 4 tháng nhưng không thấy yêu con, chưa nhận thức mình là mẹ, mẹ bỉm thay đổi vì 1 hành động của bé - Ảnh 2.

Đẻ con 4 tháng nhưng không thấy yêu con, chưa nhận thức mình là mẹ, mẹ bỉm thay đổi vì 1 hành động của bé - Ảnh 3.

Đẻ con 4 tháng nhưng không thấy yêu con, chưa nhận thức mình là mẹ, mẹ bỉm thay đổi vì 1 hành động của bé - Ảnh 4.

Tâm sự của mọi người

Tại sao một số bà mẹ chưa yêu con của họ ngay từ khi chào đời? 

Mặc dù sinh con là một điều hạnh phúc, nhưng sẽ có một số ông bố bà mẹ trẻ chưa cảm thấy có mối liên hệ đặc biệt đó với đứa con của mình ngay từ khi chào đời.

Tuy vậy, đây không phải là vấn đề nghiêm trọng, bởi vì đôi khi, tình mẫu tử sẽ xuất hiện "nhanh như chớp", ngay tại khoảnh khắc đứa trẻ sơ sinh cười khiến trái tim bạn rung động. Đó chính là lúc bạn cảm nhận được mối liên kết mạnh mẽ đó.

- Nhận ra mình không còn như ngày xưa nữa

Sự thật khó có thể chấp nhận đối với người phụ nữ vừa sinh con rằng, cuộc sống trước kia của họ đã biến mất ngay khi đứa con vừa được sinh ra. Bây giờ, họ đã làm mẹ, đồng nghĩa với việc nhiều mối quan hệ cũng thay đổi, danh tính thay đổi và tương lai cũng sẽ thay đổi. Do đó, họ cảm thấy hụt hẫng và lo sợ vì quá nhiều thứ thay đổi khi đứa trẻ chào đời.

- Đang trải qua hội chứng Baby blues

Baby blues là hội chứng để ám chỉ đến một khoảng thời gian ngắn, thường kéo dài khoảng 2 tuần sau khi sinh, bà mẹ xuất hiện những cơn buồn, lo lắng, căng thẳng và thay đổi tâm trạng. Nếu như hội chứng này kéo dài hơn 2 tuần thì có thể đó là dấu hiệu của hội chứng trầm cảm sau sinh và nên gặp bác sĩ để nói về điều này.

Những cơn buồn nôn có thể do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể trong lúc nuôi con hoặc sự thay đổi trong thói quen và lối sống như không thể ngủ một mạch vì đứa trẻ cần uống sữa 2 tiếng/lần cũng là rào cản của tình mẫu tử.

- Bị ảnh hưởng bởi những điều đã xảy ra trong và sau khi sinh con

Một số bà mẹ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi sau cơn đau và kiệt sức khi sinh. Điều này đặc biệt đúng đối với những bà mẹ sinh con lần đầu và những bà mẹ có thời gian sinh nở khó khăn, kéo dài. Ngoài ra, một số đứa trẻ sau khi chào đời không may phải thực hiện phẫu thuật ngay lập tức, bị tách ra khỏi mẹ sớm, do đó, nó mất cơ hội để cảm nhận được sự ấm áp và sự yêu thương từ người mẹ.

- Gặp những tổn thương trong quá khứ

Nhiều bà mẹ có tiền sử trầm cảm, bệnh tâm thần, sảy thai hoặc bị lạm dụng có thể khó yêu con mình ngay lập tức. Thậm chí, một số bà mẹ có thể bị chấn thương sau khi sinh con trước đó. Thực tế, một số nghiên cứu cho thấy có tới 4% phụ nữ mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn khi sinh.

- Kỳ vọng khác hoàn toàn so với thực tế

Các bà mẹ sẽ đếm từng ngày để được gặp đứa con trong bụng của mình, nhưng thực tế cho thấy có thể sẽ xuất hiện một vài sự mâu thuẫn với những kỳ vọng và mong đợi đó, đặc biệt là khi chuyện sinh con không suôn sẻ.

Ví dụ, họ cảm thấy có lỗi và thất bại nếu phải sinh mổ vì nghĩ rằng lẽ ra họ nên sinh tự nhiên thì con sẽ được khỏe mạnh hơn. Sau đó, họ dễ dàng rơi vào trạng thái tự trách bản thân và suy nghĩ tiêu cực, làm tình mẫu tử dần trở nên có khoảng cách.

Sự gắn bó xuất hiện muộn là chuyện bình thường

"Mang thai đã khó, sinh khó, sau sinh cũng vất vả! Về mặt thể chất, tình cảm... nó thực sự rất khó! Hãy tự ban cho mình chút duyên, mọi mối quan hệ đều cần có thời gian để phát triển thành một mối quan hệ bền vững, kể cả mối quan hệ này!", một bà mẹ giấu tên cho hay.

Như vậy, thời gian vẫn là liều thuốc hiệu quả nhất để các bà mẹ và đứa trẻ trở nên gắn bó với nhau hơn. Hãy thực sự bình tĩnh và suy nghĩ tích cực mỗi ngày, rồi bạn sẽ thấy tình mẫu tử thật sự thiêng liêng mà không phải ai cũng có cơ hội để trải nghiệm và cảm nhận trong đời.

Chia sẻ