Để bé không bị sún răng

,
Chia sẻ

Hàm răng sún không thể giúp bé khi lớn có một nụ cười với hàm răng trắng tinh, đều đặn. Vì vậy, bố mẹ hãy quan tâm chăm sóc từ chiếc răng sữa đầu tiên của bé nhé!

Tầm quan trọng của răng sữa

Răng sữa bắt đầu mọc lên khi trẻ được 6 tháng tuổi để giúp trẻ bắt đầu ăn dặm, nhai thức ăn. Răng sữa giúp xương hàm phát triển để sau này được thay dần bằng các răng vĩnh viễn trồi lên tại đúng vị trí răng sữa khi trẻ từ 6 - 12 tuổi.

Trẻ bị sún, mất răng sữa sớm có thể làm răng thay thế mọc sớm hơn so với tiến trình bình thường tạo khoảng trống trên cung hàm, hoặc lỗ nhổ răng đó bị bít lại và cứng chắc khiến mầm răng vĩnh viễn mọc lên sẽ gặp khó khăn dẫn đến mọc lệch, mọc chen chúc.

Răng sữa cũng giúp trẻ phát âm nên nếu răng sữa bị hỏng sớm phải nhổ, trẻ có thể nói ngọng.

Bảo vệ răng sữa

Vệ sinh răng cho bé

Khi chiếc răng đầu tiên của bé nhú lên là lúc mẹ cần chăm sóc đặc biệt hơn cho răng sữa. Ban đầu mẹ có thể vệ sinh chiếc răng sữa của bé bằng khăn gạc mềm. Tốt nhất là tạo thói quen hàng ngày vệ sinh răng cho bé vào mỗi sáng sớm và sau mỗi bữa ăn. Sau khi bé ăn nên cho uống nước ngay để rửa trôi thức ăn vừa giúp sạch răng lại giúp sạch họng phòng được viêm họng cho bé.

Khi bé 2 tuổi, hàm răng đã tương đối hoàn chỉnh, bé đã ăn được cơm và ăn được rất nhiều các loại thức ăn của người lớn vì vậy hàm răng cần được chăm sóc cẩn thận hơn.  Bé cần được chải răng bằng kem có chứa  Fluor để ngừa sâu răng.

Khi bé được 3 tuổi thì bố mẹ nên tập cho bé tự chải răng đúng cách ít nhất là hai lần vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.

Tuyệt đối không cho bé uống kháng sinh amoxicillin

Cho bé dưới 1 tuổi uống kháng sinh amoxicillin sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ xấu răng vĩnh viễn.

Không cho bé ăn đêm, ăn nhiều kẹo ngọt

Đồ ngọt và ăn đêm không tốt cho hàm răng của bé. Với trẻ từ 6 tháng, bạn không nên cho trẻ đi ngủ với bình sữa, nước quả hoặc kẹo ngọt. Nếu bé đã có thói quen uống sữa đêm thì nhất thiết sau khi uống sữa phải cho bé uống nước lọc để rửa miệng.

Với trẻ có thói quen ngậm cơm, ngậm thức ăn lâu cần kiểm tra miệng bé sau khi ăn để tránh thức ăn còn bám vào kẽ răng.

Cho bé khám răng

Với những bé đã bị sún răng, răng sữa lung lay sớm thì mẹ cần đưa bé đến khám ở chuyên khoa răng hàm mặt tại các bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán chính xác và đưa ra các biện pháp cần thiết để tránh hiện tượng răng bé mọc chen chúc, mọc lệch sau này. Tốt nhất là nên cho bé khám răng định kỳ 3-6 tháng/lần.

Minh Trang

Chia sẻ