Tự kỷ căn bệnh của trẻ thời nay

,
Chia sẻ

Ngồi một mình trong góc phòng, ánh mắt thơ dại không hồn, đó là những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ - căn bệnh đang phổ biến ở thời hiện đại.

Hơn bốn tuổi nhưng Tùng Lâm vẫn chưa biết nói câu gì, suốt ngày chỉ ngồi chăm chú nhìn vào bức tường, thỉnh thoảng lại khóc, cười vu vơ. Lâm không có phản ứng gì với thế giới xung quanh, cha mẹ gọi trêu đùa cũng mặc. Lúc nào bố mẹ cũng có cảm giác bé Lâm đang suy nghĩ điều gì đó, chưa bao giờ cất lên một tiếng “mẹ”. Lo cho con, mẹ Lâm đã chạy chữa thuốc men thậm chí là cúng bái nhiều nơi, đến giờ vẫn chưa có tiến triển gì. Cuối cùng, bố mẹ phải nhờ đến trung tâm tham vấn trị liệu tâm l‎ý. Được sự tham vấn của các chuyên gia tâm l‎ý, bố mẹ mới biết Lâm mắc căn bệnh tự kỷ.

Tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh của não bắt đầu từ trẻ nhỏ. Cha mẹ thường tìm gặp bác sĩ khi thấy trẻ chậm nói ở khoảng 2-3 tuổi. Bệnh được chẩn đoán lúc 3 tuổi. Tỉ lệ bé trai mắc bệnh này gấp 4 lần bé gái.

Những biểu hiện ở trẻ tự kỷ

Dấu hiệu phản ánh hội chứng tự kỷ thường bộc lộ rất sớm kể từ những tháng đầu tiên khi trẻ ra đời.  Ở những tháng đầu đời, trẻ ít có những phản ứng, bộc lộ cảm xúc với những tác động của cha mẹ. Trẻ thờ ơ, không hóng chuyện, không phân biệt người quen, người lạ.

Năm tiếp theo, trẻ thường biểu hiện rõ hơn thông qua các hoạt động của mình. Trẻ chậm nói, hờ hững với bố mẹ, không đòi hỏi và thụ mình một góc. Trẻ chậm nói và phát âm rất kém.

Khi lớn, trẻ thường xa lánh bạn bè, ít tham gia vào các hoạt động của các bạn cùng tuổi. Trẻ ít vận động và không nhanh nhẹn, nhạy cảm, ít bộc lộ cảm xúc. Chúng có thể có những hành vi bất chợt, không nguyên nhân như cười sằng sặc một mình, hoặc tự nhiên vùng chạy và bất chấp xe cộ đang đến gần...

Làm gì khi con em bị tự kỷ?

Hiện nay, mới chỉ có một vài trung tâm điều trị có uy tín nhưng cũng chưa đủ điều kiện để chăm sóc, giáo dục và điều trị cho trẻ tự kỷ. Các bậc cha mẹ hoặc là có rất ít thông tin, hoặc thông tin nhiều chiều khiến họ lo lắng, thậm chí là hoảng loạn và không nhận được sự trợ giúp nào để đối phó với tình trạng của con mình.

Theo các chuyên gia, đây là căn bệnh phải được điều trị từ từ và mất một khoảng thời gian dài cũng như tiền bạc. Cha mẹ không nên quá vội vã với những mong muốn thay đổi, muốn chữa bệnh ngay lập tức. Con của bạn có thể đã quen với môi trường sống nên việc thay đổi nhanh chóng có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng cho cháu. Bạn nên thu thập những thông tin cần thiết trong việc áp dụng các phương pháp điều trị mới trước khi tiến hành điều trị cho cháu.

Hiện nay, có rất nhiều cách điều trị khác nhau, chẳng hạn như: điều trị thính giác, điều trị thử nghiệm tách rời trẻ, điều trị bằng vitamin, điều trị bằng phương pháp giao tiếp, điều trị bằng phương pháp cho nghe nhạc, liệu pháp điều trị bằng lao động, vật lý trị liệu, tập trung các giác quan…Các phương pháp điều trị trên có thể chia thành 3 phần chính :

- Phương pháp điều trị bằng giao tiếp và cử chỉ.

- Phương pháp điều trị bằng chế độ ăn uống và sinh trắc học.

- Phương pháp điều trị bằng việc khen ngợi, khuyến khích.

Điều quan trọng nhất là người mẹ, người thân cần gần gũi và có sự tương tác với trẻ nhiều hơn. Chính sự quan tâm đúng mức của cha mẹ, ông bà đã khiến tình trạng của trẻ tốt hơn.

 Duy Khánh

Chia sẻ