Dạy trẻ trở thành người văn minh khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng

Ngọc Trang,
Chia sẻ

Chen lấn, tranh chỗ ngồi khi lên xe; nói ồn ào gây phiền hà cho người xung quanh, xả rác bừa bãi… được coi là những hành vi xấu cần được phụ huynh, nhà trường chỉ bảo để giúp trẻ trở thành người văn minh khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Nghiêm khắc với các hành vi chưa đúng mực

Cô Nguyễn Kim Loan, giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội) cho biết, trong các bài học, giáo viên thường lồng ghép nội dung liên quan đến cư xử văn minh nơi công cộng. Tuy nhiên, thời lượng tiết học này ở trên lớp không nhiều nên quan trọng nhất là sự phối hợp của cha mẹ.

Trong cuộc sống thường ngày, ngoài việc làm tấm gương thì phụ huynh có thể cho con thực hành, hướng dẫn và cùng con thực hiện. Ngoài ra cha mẹ cũng cần nghiêm khắc nhắc nhở khi con có hành vi chưa đúng. Bởi nếu hình thành thói quen thì trẻ rất khó để sửa sau này.

Theo cô Loan, giáo viên, gia đình có thể dạy trẻ biết tôn trọng tài xế và phụ xe. Cha mẹ hãy nhắc nhở trẻ rằng nghề nghiệp nào cũng đáng quý và có vai trò quan trọng. Tài xế hay phụ xe cũng phải làm việc vất vả. Không những thế, công việc của họ đôi khi còn vất vả và nguy hiểm hơn những ngành nghề khác, do đó cần được cảm thông, trân trọng.

Khi tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng, nhất là xe bus, trẻ sẽ gặp nhiều hành khách khác. Dù không quen biết, nhưng trẻ luôn phải có thái độ tôn trọng người khác. Cụ thể như không nói chuyện ồn ào trên xe, không vứt rác bừa bãi, không nghe nhạc bằng loa ngoài, không nói chuyện điện thoại to hoặc hò hét trên xe…

Trên xe bus, xe khách, trẻ luôn gặp những hành khách cần giúp đỡ như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật... Nếu có thể, hãy nhường ghế cho họ hoặc giúp họ lên xuống bậc xe. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên nhắc trẻ giúp đỡ người khác khi cảm thấy an toàn, trong khả năng của mình hoặc chỗ có đông người qua lại. Nếu cần, trẻ có thể nhờ người khác cùng giúp đỡ.

Cô Loan chia sẻ thêm, học sinh cấp THPT sử dụng phương tiện công cộng khá nhiều. Ở tuổi này, nhiều em gái thường tô son, đánh phấn ngay trên xe. Đây thực chất là lỗi rất nhiều người đang mắc. Theo quy tắc lịch sự chung, lôi đồ trang điểm ra sử dụng... là điều không nên làm trên các phương tiện giao thông công cộng, nhà hàng.

“Ngoài ra, một điều tối kị khác là xịt nước hoa nơi công cộng. Lý do đơn giản là vì không phải ai cũng thích mùi hương này, và nếu là một nơi có không gian kín như máy bay, tàu hỏa hoặc xe bus thì thật là bi kịch”, cô Loan nói.

Dạy trẻ trở thành người văn minh khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng - Ảnh 1.

Tránh làm người khác khó chịu

Ông Nguyễn Quốc Anh (tiếp viên hàng không Bamboo Airways) chia sẻ, tham gia phương tiện công cộng sẽ không tránh khỏi đông đúc, chật chội. Tuy nhiên, cha mẹ nên dạy trẻ cần kiên nhẫn, không nên chen lấn xô đẩy bởi có thể khiến người khác bị thương hay khó chịu.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên dặn dò trẻ khi mang theo đồ ăn lên các phương tiện công cộng hãy tránh những thực phẩm để lại mùi như thịt hun khói, cá hộp, và đặc biệt là sầu riêng. Trẻ không nên đạp chân vào hàng ghế trước mình. Điều này sẽ khiến hành khách hàng ghế trên không thoải mái.

“Một lỗi phổ biến khác gây khó chịu cho những người xung quanh, đó là trẻ thường thích ngả ghế. Với các chuyến đi đông người và chật chội, việc ngả ghế sẽ chiếm một khoảng không gian khá lớn khiến người đằng sau khó lòng thoải mái được. Tốt nhất, hãy mang theo một chiếc gối đeo cổ. Nó sẽ giúp bạn nghỉ ngơi thoải mái hơn mà không cần phải ngả ghế quá sâu”, ông Quốc Anh nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, ngoài những phương tiện công cộng đường bộ, hàng không thì trẻ có thể sử dụng cả đường thuỷ. Vì vậy, cha mẹ cần cho trẻ làm quen với những ứng xử văn minh ngay cả trên tàu, thuyền. Trẻ cần di chuyển đến bến trước thời gian xuất phát để chuẩn bị và làm quen môi trường, tránh các trường hợp bất ngờ và sẵn sàng mua vé trước nếu cần.

Khi lên tàu, thuyền cần mặc áo phao và tuân thủ các quy định, yêu cầu để đảm bảo an toàn cho bản thân. Trong quá trình phương tiện di chuyển, tránh làm các hành động gây mất trật tự, mất an toàn, ảnh hưởng đến người khác. Trẻ cũng cần học cách chú ý bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như tài sản cá nhân mang theo.

Đặc biệt, cha mẹ cần cho trẻ hiểu về những nguy hiểm để tránh khi đứng gần lan can, hoặc các vị trí trơn trượt, bám chắc vào các đồ vật vững chắc để bảo vệ bản thân. Nhân viên trên tàu, thuyền cũng cần được tôn trọng như tài xế nên phụ huynh cần dạy trẻ cách đưa ra các yêu cầu, thắc mắc lịch sự với nhân viên khi cảm thấy cần giúp đỡ.

Ngoài ra, trẻ cũng cần chú ý hướng dẫn, thông báo của nhân viên để xuống đúng bến và không làm mất thời gian của mọi người, nhưng không chen lấn, xô đẩy nhau khi lên và xuống. Nhiều trẻ khá tò mò và hiếu động khi đến môi trường mới lạ nên cần chú ý tránh làm hư hao các thiết bị, đồ vật có trên phương tiện khi di chuyển.

Chia sẻ