Bà bầu bị ngứa bụng muốn "bốc hỏa", bác sĩ cảnh báo những nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi

Hướng Dương HT,
Chia sẻ

Bà bầu bị ngứa bụng sẽ cảm thấy rất khó chịu và không thoải mái vì phải kiểm soát thói quen gãi bụng. Dưới đây là nguyên nhân và cách xử trí khi mang thai gặp phải vấn đề này.

Bà bầu bị ngứa bụng là hiện tượng mà nhiều phụ nữ mang thai gặp phải. Những cơn ngứa khiến thai phụ khó chịu như muốn phát điên lên.

Đây là một triệu chứng khá phổ biến khi mang thai. Thông thường, phụ nữ mang thai cảm thấy ngứa bụng khó chịu từ tuần thứ 13-28 của thai kỳ. Nhưng hiện tượng này cũng có thể xảy ra trong giai đoạn đầu và giai đoạn cuối. Dưới đây các bác sĩ đã chỉ ra nguyên nhân khiến mẹ bầu bị ngứa bụng.

1. Bụng to ra mỗi ngày

Tử cung phát triển khiến da bụng bị căng ra. Điều đó dẫn đến tình trạng da mất độ ẩm nên khiến bà bầu bị ngứa bụng. Nếu mẹ bầu mang thai đôi sẽ bị ngứa nhiều hơn vì da bụng phải căng ra nhiều hơn bình thường.

Không chỉ có bụng, đôi khi cả ngực, lòng bàn tay và lòng bàn chân cũng bị ngứa. Điều này do sự thay đổi của hormone cũng như việc da giãn nhiều khi mang thai.

2. Bà bầu bị ngứa bụng do nội tiết tố thay đổi

Sự thay đổi hormone khi mang thai, đặc biệt là nồng độ estrogen tăng cao chính là nguyên nhân gây cảm giác ngứa bụng khi mang thai.

Bà bầu bị ngứa bụng muốn "bốc hỏa", bác sĩ cảnh báo những nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi - Ảnh 1.

Ngứa khi mang thai là một tình trạng phổ biến thường gặp.

Mẹ bầu bị ngứa bụng như thế nào là nguy hiểm?

Đôi khi mẹ bầu bị ngứa bụng là dấu hiệu của bệnh lý, cần phải đến bác sĩ khám sớm để có biện pháp chữa trị kịp thời, nhanh chóng.

1. Mề đay mẩn ngứa (PUPPS)

Mẹ bầu bị bệnh này ngoài cảm thấy ngứa ở bụng sẽ nổi thêm mẩn đỏ. Ban đầu, những nốt này thường phân tán nhưng sau đó sẽ tụ lại thành từng mảng lớn. Gần 1% phụ nữ mang thai gặp chứng nổi mề đay này. Và bệnh thường xuất hiện vào giai đoạn cuối của thai kỳ (3–5 tuần cuối); đôi khi có thể bị nổi mề đay sau khi sinh.

Những phụ nữ mang thai đôi hoặc đa thai sẽ dễ mắc hơn. Hiện tại các bác sĩ vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Đôi khi nổi mề đay sẽ lan ra các bộ phận khác như đùi; mông; lưng; cánh tay và chân. Nhưng chúng lại hiếm khi lây lan sang mặt, cổ và bàn tay.

Khi đi khám bệnh, bác sĩ sẽ cho mẹ bầu dùng thuốc mỡ để điều trị. Nếu bị nặng, mẹ bầu nên dùng thuốc kháng histamine hoặc steroid. Mề đay mẩn ngứa thường vô hại và sẽ biến mất sau khi sinh. Và bệnh này hiếm khi xuất hiện ở lần mang thai tiếp theo.

2. Mẹ bầu bị ngứa bụng do sẩn ngứa

Nếu ban đầu mẹ bầu chỉ nổi mẩn đỏ ở bụng; sau đó chúng lại phát triển lớn hơn trông giống như vết cắn. Triệu chứng này có nhiều khả năng là mẹ bầu bị ngứa bụng do sẩn ngứa. Đây được xem là triệu chứng phổ biến của thai kỳ; thường xảy ra ở bụng, tay chân và toàn thân. Tình trạng này thường xuất hiện vào cuối tháng thứ 2 hoặc giai đoạn cuối của thai kỳ.

Để điều trị, chị em có thể dùng thuốc mỡ; hoặc thuốc kháng histamine và steroid. Bệnh này không ảnh hưởng đến thai nhi và có thể biến mất sau sinh. Nhưng đôi khi vào 3 tháng sau khi sinh, tình trạng ngứa bụng khi mang thai mới chấm dứt. Và tình trạng này có thể xảy ra trong lần mang thai tiếp theo.

Bà bầu bị ngứa bụng muốn "bốc hỏa", bác sĩ cảnh báo những nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi - Ảnh 2.

Không nên gãi nhiều sẽ khiến da bị tổn thương, nhiễm trùng.

3. Bọng nước dạng Pemphigus (Pemphigoid gestationis)

Bọng nước dạng Pemphigus (Pemphigoid gestationis) là tình trạng mà các vết ngứa phát triển thành các vết loét lớn. Bệnh thường xuất hiện ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ; thậm chí kéo dài từ 1–2 tuần sau khi sinh.

Mẹ bầu thường bị ngứa bụng ở gần rốn và lan đến cánh tay; chân; lòng bàn tay và lòng bàn chân. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ kê toa thuốc có chứa steroid để điều trị. Bệnh này nghiêm trọng hơn PUPPS vì có thể gây sinh non; ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi; thậm chí thai nhi có thể chết lưu.

Tình trạng này có thể xảy ra trong lần mang thai kế tiếp. Khi gặp các dấu hiệu của bệnh này, mẹ bầu nên đi khám ngay nhé.

4. Bầu bị ngứa bụng do chốc dạng Herpes (Impetigo herpetiformis)

Đây là 1 dạng của bệnh vảy nến mưng mủ, thường xuất hiện vào giai đoạn cuối của thai kỳ. Khi mẹ bầu bị ngứa bụng và xuất hiện thêm những mảng đỏ đầy mủ; sau đó phát triển thành mụn nhỏ màu trắng chính là dấu hiệu của bệnh chốc dạng Herpes. Các mảng đỏ này thường xuất hiện trên bắp đùi; hang; bụng; nách; dưới ngực và các vùng khác. Đi kèm với ngứa là các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, sốt và ớn lạnh.

Bệnh thường được bác sĩ điều trị bằng thuốc có chứa corticosteroid. Và tình trạng này sẽ biến mất sau khi sinh; nhưng mẹ bầu vẫn có thể gặp lại trong lần mang thai kế tiếp.

5. Ứ mật trong gan (ICP)

Ứ mật trong gan sẽ gây ra tình trạng bầu bị ngứa bụng và cơ thể trầm trọng; nhưng rất hiếm gặp. Bệnh này thường xuất hiện vào giai đoạn cuối của thai kỳ. Tình trạng này là mật bị ứ đọng trong gan khiến cho axit tăng lên trong máu; làm lượng mật của cơ thể có xu hướng tăng cao và lắng đọng vào da gây ngứa dữ dội.

Mẹ bầu thường bị phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bụng. Đi kèm với ngứa bụng khi mang thai là các triệu chứng như buồn nôn, khó chịu và ăn không ngon. Tình trạng ứ mật thai kỳ rất nguy hiểm và có thể dẫn đến thai chết lưu.

Bà bầu bị ngứa bụng muốn "bốc hỏa", bác sĩ cảnh báo những nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi - Ảnh 3.

Khi bị ngứa vùng bụng, mẹ bầu nên làm thế nào?

- Không nên gãi.

- Nên dùng kem dưỡng ẩm thoa đều, nhẹ nhàng lên vùng bụng.

- Thoa kem chống ngứa hoặc dùng dầu có chứa vitamin E.

- Tắm nước ấm.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ.

- Nếu mẹ bầu bị ngứa bụng khi mang thai dữ dội, dai dẳng, hãy đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân chính xác. Các dấu hiệu mẹ bầu bị ngứa bụng cần phải đi khám bác sĩ ngay gồm:

+ Các bộ phận trên cơ thể bị ngứa không phải do tình trạng da khô hay thiếu độ ẩm.

+ Mọi nơi trên người đều ngứa ngáy.

+ Vùng bụng xuất hiện tình trạng phát ban (đặc biệt là vào ba tháng cuối).

Chia sẻ