Dạy trẻ học chữ sớm: Làm thế nào để không hại con?
Muốn dạy trẻ học chữ sớm để vững vàng, tự tin khi bước vào lớp 1 nhưng lại lo lắng sẽ ảnh hưởng tới tuổi thơ của con là tâm lý chung của nhiều phụ huynh.
Nhiều cha mẹ băn khoăn về việc liệu có nên dạy trẻ học chữ và số ở độ tuổi rất nhỏ? Nếu trẻ có những biểu hiện khá hứng thú chữ và con số, liệu có nên tiếp tục hay để trẻ cứ tự nhiên phát triển? Hoặc việc học chữ sớm có lợi ích gì cho sự phát triển của trẻ hoặc có ảnh hưởng gì đến phát triển tự nhiên của trẻ?
Xét về mặt phát triển ngôn ngữ - số học, trẻ cần có 3 yếu tố phát triển song song:
1. Phát triển về nhận thức và cảm xúc.
2. Phát triển về trí tuệ.
3. Phát triển nhận thức về ngôn ngữ - con số.
Nhiều cha mẹ lo sợ việc học chữ sớm ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của trẻ (Ảnh minh họa)
Nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố thì việc nhận dạng mặt chữ - con số chỉ nằm ở tính chất tạm thời, không có điều kiện để trở thành kỹ năng cho bé. Não bộ cần có các liên kết để tạo "điều để nhớ", việc lặp lại "điều để nhớ" này nhiều lần sẽ tạo thành kỹ năng, những kỹ năng tạo thành trí tuệ.
Chẳng hạn, không bao giờ 1 đứa trẻ chỉ nhìn/nghe 1 lần có thể biết hình con mèo gọi là CON MÈO. Nếu bé lặp lại được ngay khi được dạy thì gọi là "lặp lại từ mẹ nói", nhưng để đọc ngữ âm của từ "MÈO" là chưa và cần 1 vài mối nối liên kết khác. Mối nối liên kết này cần: Hình ảnh, màu sắc, chạm lông mèo (nếu có), lâu lâu thấy con mèo mẹ lại gọi con mèo (bé nghe lặp lại) và còn nhiều liên kết ngẫu nhiên.
Các liên kết này chỉ có thể được nối khi hội đủ 2 yếu tố kể trên là cảm xúc và trí tuệ.
- Cảm xúc là lúc bé tiếp cận nó vui và thích thú, việc học chữ có phải trò chơi hay là 1 điều bắt buộc nhàm chán.
- Trí tuệ thể hiện ở việc trẻ có tham gia vào trò chơi/việc dạy của bạn không. Ví dụ khi đọc sách, bé có cố chạm trang sách không, có cố chỉ trỏ và nói bập bẹ gì không, hoặc có cố giành lật trang không? Nếu có, đó là thể hiện bé phát triển trí tuệ. Nếu không, bạn cần phải khuyến khích cho bé cơ hội tham gia vào hoạt động của bạn.
Do đó, hai yếu tố này sẽ kết hợp các liên kết cần có trong yếu tố ngôn ngữ - con số để tạo nên trí thông minh và học hỏi của trẻ.
Hãy biến việc học thành những trò chơi (Ảnh minh họa).
Liệu có nên dạy trẻ học chữ, học số sớm?
Với những bằng chứng khoa học hiện tại, tôi chưa thấy câu trả lời thuyết phục về nên hay không nên. Tôi chỉ có câu trả lời: Nếu áp dụng thì phải làm tốt và đúng khoa học não bộ dù bất cứ phương pháp học nào. Nếu không áp dụng đúng khoa học thì không nên làm vì sẽ không mang lại lợi ích lâu dài cho não bộ. Về những tác hại về việc học chữ, số sớm thì chưa thấy, nhưng nếu việc dạy này gây áp lực và ảnh hưởng không gian vui chơi của trẻ chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến trẻ.
Dạy bao nhiêu chữ, số là thích hợp với độ tuổi của trẻ?
Từ 18 tháng - hết 24 tháng:
Không quá 200 từ trước 2 tuổi.
Cố gắng ghép 1-2 từ trong 1 câu.
Đếm từ 1-10, đừng quá 20.
Phép cộng 1-5.
Màu sắc 3-5 màu.
Từ 3-5 tuổi:
Không quá 5000 từ trước 5 tuổi.
Ghép 2-3 từ trong câu.
Chỉ bé phân biệt câu hỏi: tại sao, cái gì, bao nhiêu, nơi đâu để diễn tả ý bé muốn làm.
Đếm từ 1-20, không quá 100.
Phép cộng 1-20, phép trừ 1-10.
Màu sắc không giới hạn, có thể dạy thêm màu kết hợp trong lúc chơi vẽ tranh.
Dạy trẻ học chữ và số như thế nào?
Không nên ép buộc nếu trẻ không hứng thú học (Ảnh minh họa).
Cha mẹ cần ghi nhớ 1 vài nguyên tắc quan trọng sau:
1. Buổi học là một hoạt động vui chơi, không phải là là lớp học, không giáo điều, không ép buộc. Trẻ muốn nghỉ là nên cho bé nghỉ. Nên nhớ, cảm xúc vui chơi là 1 trong 3 yếu tố làm nên trí tuệ trẻ.
2. Không cần giáo trình nào đắt tiền. Mẹ có thể dùng sách để dạy trẻ. Cha mẹ nên chọn những quyển sách lớn, có hình ảnh màu sắc tương phản, ít chữ, chữ to.
3. Khi chơi cùng trẻ thì nên khuyến khích trẻ tham gia như chỉ cái này, lật trang quyển sách (lúc lật trang thì mẹ tạo tiếng động cho bé thích thú).
4. Những bài học ngoài trời là thiết thực. Dẫn bé ra công viên dạy bé về chiếc lá sẽ tốt hơn là nhìn chiếc lá qua thẻ chữ hay máy đọc chữ.
5. Không dùng thiết bị điện tử để dạy trẻ trước 3 tuổi. Sau 3 tuổi nên hạn chế các thiết bị làm trẻ cuốn hút cả ngày như TV, điện thoại, Ipad.
6. Hãy biến buổi học chữ thành cuộc chơi ngôn ngữ với bé bằng cách cho bé tham gia vào việc dạy của bạn bằng việc hỏi bé những câu hỏi khi đọc. Ví dụ như: "Con có thấy con mèo không" nó kêu "MEO MEO". Hãy chỉ vào hình con mèo, hoặc có thể hỏi "Mũi của con đâu?" hãy chỉ lên hình cái mũi trong sách và cả cái mũi của bé nữa.
Vài nét về tác giả:
Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực".
Workshop "Ngày thứ 8 của mẹ" là một hoạt động đặc biệt của chiến dịch We Are Family được tổ chức hoàn toàn miễn phí dành cho 100 người phụ nữ được sống với những sở thích, đam mê của bản thân tại Hà Nội (29/07) và Hồ Chí Minh (05/08).
Tại đây, bạn không chỉ có cơ hội được trao đổi, chia sẻ với rất nhiều người phụ nữ đồng điệu mà còn được sở hữu những tấm hình cực kì xinh đẹp bên niềm đam mê của bản thân. Cùng với đó là những trải nghiệm thỏa thích khi được làm những điều mình yêu, học hỏi và gặp gỡ nhiều phụ nữ cùng chung đam mê ở các lĩnh vực: ẩm thực, handmade, homemade, mỹ phẩm organic… với sự hướng dẫn của các chuyên gia nổi tiếng.
Hãy chia sẻ ngay đam mê của bạn tại http://waf.afamily.vn để có cơ hội tham dự workshop "Ngày thứ 8 của mẹ" và mang về nhiều phần quà giá trị ngay bây giờ nhé!