Đây là tất cả những điều tôi đã làm để nuôi dưỡng kĩ năng đọc và tự học khi con vào lớp 1
Đọc sách cùng con khi chúng bước vào tiểu học là một cuộc hành trình hoàn toàn khác biệt và mới mẻ, để tiếp tục trở thành người truyền cảm hứng cho con, đồng thời dần dần giúp con hình thành kĩ năng đọc và tự học thông qua việc đọc sách, các bố mẹ chắc chắn cần phải nhiều thời gian và công sức hơn.
Trước khi vào lớp 1, mặc dù không được bố mẹ hay các cô ở lớp dạy đọc trước nhưng rất nhiều bạn nhỏ đều đã có thể tự ghép vần và tự đọc. Đó chính là kết quả của thói quen đọc sách cùng bố mẹ trong suốt những năm tháng đầu đời của trẻ. Khi trẻ còn nhỏ, việc đọc sách cho con nghe của bố mẹ gần như là "bắt buộc", vì trẻ chưa thể tự đọc, đọc sách cùng con chính là con đường duy nhất để bố mẹ nuôi dưỡng thói quen và tình yêu đối với việc đọc sách cho con. Vì thế, khi trẻ bắt đầu vào lớp 1, đặc biệt là khi trẻ có thể tự đọc, rất nhiều bố mẹ đã "thở phào" vì cuối cùng lũ nhóc đã có thể tự đọc sách và bắt đầu thả lỏng. Các bạn nhỏ khi đã biết đọc, nhu cầu tự đọc sách cũng thường cao hơn và "quyết liệt" hơn; chúng thường đọc say sưa một thể loại sách mà chúng thích và tỏ ra "không cần" nhờ đến bố mẹ để đọc các cuốn sách mà mình yêu thích nữa. Tuy nhiên, điều này lại không hoàn toàn là một tín hiệu tốt.
Những kĩ năng mà trẻ có được trong giai đoạn tiểu học rất khác với khi trẻ từ 0-6 tuổi, vì thế, bố mẹ cũng cần điều chỉnh thời gian và cách đọc sách cùng con để trẻ hoàn thiện và phát triển các kĩ năng đọc sách của mình. (Ảnh: HM)
Rất nhiều các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ cần được nghe bố mẹ đọc sách ngay cả khi đã biết đọc. Bố mẹ vẫn cần duy trì thời gian đọc sách cho con nghe và đọc sách cùng con, ít nhất là đến hết cấp tiểu học. Khi trẻ đọc bố mẹ đọc sách cho nghe, trẻ và bố mẹ sẽ có rất nhiều những "cuộc trò chuyện" và những ý tưởng để cùng nhau chia sẻ, trao đổi, thảo luận – đó không chỉ là một quá trình trao đổi thông tin đơn thuần mà là cách để bố mẹ kết nối với con, tìm hiểu xu hướng học của trẻ, mối quan tâm và cách tư duy của trẻ nữa. Quá trình trao đổi ấy còn hỗ trợ sự phát triển các kỹ năng đọc, viết và khả năng tự học cũng như giúp trẻ làm giàu vốn từ và khả năng biểu đạt ngôn ngữ của mình.
Vì thế đọc sách cùng con khi con bắt đầu vào lớp 1 là một cuộc hành trình hoàn toàn mới mẻ và khác biệt, bố mẹ không chỉ cần kiên nhẫn hơn, đầu tư nhiều thời gian hơn mà còn cần có một kế hoạch đọc sách rõ ràng để đồng hành cùng con. Những chia sẻ trong bài viết này là những điều mà mình đã thực hiện cùng con trong gần 2 năm qua, từ khi con bắt đầu vào lớp 1. Cảm nhận rõ nét nhất của mình đó là bên cạnh việc con tiếp tục duy trì được niềm vui với việc đọc sách thì khả năng tập trung khi con tự đọc sách tốt dần lên (thời gian đọc, tốc độ đọc của con tăng dần lên), con "đọc hiểu" tiến bộ từng ngày và có thể chia sẻ rõ ràng cảm xúc của mình sau khi đọc sách, cùng với đó, khả năng viết của con dần tiến bộ và vốn từ của con ngày một phong phú hơn rất nhiều… Mỗi một bạn nhỏ sẽ có một cách đọc, cách học khác nhau, hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp ích phần nào cho các bố mẹ trong hành trình đọc sách cùng con.
1. Sắp xếp thời gian để đọc sách cùng con
Từ khi vào lớp 1, quỹ thời gian của con eo hẹp hơn, tuy nhiên, mình vẫn ưu tiên cho việc đọc sách vì xác định đó là một thói quen tốt và cần thiết cho con, vì thế, việc làm bài tập thường chỉ gói gọn trong 30 phút buổi tối và 30 phút còn lại là dành cho việc đọc sách.
Lên thời gian biểu cho giờ đọc sách cũng là điều các bố mẹ nên thảo luận với con, vì nhiều bạn ham mê sẽ đọc sách bất cứ khi nào, bất kể chỗ nào không có thời gian dành cho những hoạt động khác. Mình cùng con lên 2 khung giờ đọc sách khác nhau, một là giờ đọc sách tự do khoảng 1 tiếng đồng hồ (vào khung giờ tự do con chọn, khi con đã làm xong việc nhà và bài tập, khi con nghỉ ngơi, thư giãn… Quỹ thời gian này con có thể chia nhỏ ra vào các khung giờ khác nhau trong ngày, mẹ sẽ nhắc nhở/hướng dẫn kiểm soát quỹ thời gian đó), hai là giờ đọc sách cùng bố mẹ khoảng 30 phút (thường là từ 8h-8h30 buổi tối hàng ngày).
Khi con có ý thức về thời gian dành cho việc đọc sách, con cũng sẽ có ý thức về không gian đọc sách của mình, lúc tự đọc sách, con vẫn thường thích đọc ở góc đọc sách riêng với đệm êm và gối dựa, các bố mẹ nhớ chuẩn bị cho con đèn đọc sách để đảm bảo đủ ánh sáng cho con, tốt nhất là nên đặt góc đọc sách ở gần cửa sổ - nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên. Ngoài ra, mình cũng khuyến khích con ngồi đọc sách ở bàn học, vì con bắt đầu có thói quen ghi chép lại thông tin khi đọc hoặc khi đọc những cuốn sách lớn và nặng.
Mặc dù khi đã biết đọc trẻ sẽ có xu hướng thích tự đọc sách hơn nhưng trẻ vẫn có nhu cầu và cần được nghe bố mẹ đọc sách cho mỗi ngày để hình thành thêm các kĩ năng đọc và tự học. (Ảnh: HM)
2. Cùng con chọn sách
Khi bắt đầu tự đọc được sách, gần như con sẽ quyết định hoàn toàn những cuốn sách mà chúng sẽ đọc và đôi lúc còn "tỏ thái độ" với những cuốn sách mà bố mẹ "bắt đọc". Vì thế, đừng bao giờ nói với con: "Con phải đọc những cuốn này", "Cuốn này mới hay chứ", "Sao con không chịu đọc những cuốn này" ... Thay vào đó, bố mẹ có thể làm như sau:
- Chơi trò "giới thiệu sách hay" cho nhau: Mình thường hay nhờ con giới thiệu cuốn sách nào hay cho bố mẹ đọc và ngược lại giới thiệu những cuốn sách mình thấy hay cho con. Để làm được điều này, bố mẹ cũng cần dành thời gian để đọc các cuốn sách dành cho lứa tuổi của con.
- Chọn chủ đề đọc sách vào những dịp đặc biệt: Một năm có rất nhiều dịp đặc biệt, tùy vào độ dài của sự kiện mà quyết định thời gian đọc sách của chủ đề đó (ít nhất là 1 tuần và lâu nhất là 1 tháng), ngoài các sự kiện đặc biệt đột xuất thì hầu hết các sự kiện sẽ lặp lại hàng năm, vì thế bố mẹ hoàn toàn có thể lên một danh sách các chủ đề mà con yêu thích để cùng nhau chọn: Tuần đọc sách về các mùa trong năm năm, Tuần đọc sách về các loài hoa (động vật), Những ngày đọc sách về Lễ tết, Tuần khám phá sách khoa học…
Hoặc đơn giản hơn, chủ nhật hàng tuần sẽ là ngày cả nhà cùng nhau chọn các cuốn sách để đọc trong tuần mới theo "luật" đã thống nhất với nhau, đó là chọn mỗi thể loại sách (chủ đề) một cuốn sách, ví dụ: sách tiếng Anh, sách khoa học, sách văn học, sách phiêu lưu, sách tranh, sách lịch sử… Mỗi tuần, mình đều cùng con chọn 5 cuốn sách để đọc như vậy.
Để giúp con có thể dễ dàng lựa chọn các cuốn sách theo "mong muốn" của bố mẹ. Hãy viết rõ các thể loại và chủ đề sách như thế này để cho con tự chọn cuốn sách yêu thích của mình. (Ảnh: HM)
3. Mua sách cho con như thế nào?
Ngoài việc đưa con đi hiệu sách và mua cho con những cuốn sách mà con thích, mỗi tháng mình dành ra 1 ngày để đi tìm và chọn mua sách cho con (đi một mình), các nhà xuất bản hiện ra liên tục ra những đầu sách mới, mình thường dành thời gian để tìm mua các cuốn sách theo chủ đề đã bàn bạc với con và dành khoảng 30% quỹ thời gian đi mua sách để review qua các đầu sách mới. Đừng bỏ qua nguồn sách cũ và các hiệu sách cũ, bởi có rất nhiều cuốn sách hay đã không được tái bản nữa hoặc có những cuốn sách đắt tiền được bán với giá rất yêu thương ở các hiệu sách cũ.
Hãy biến tủ sách của gia đình thành một kho báu thực sự của con. Các cuốn sách con đọc theo chủ đề sẽ được chọn từ tủ sách của gia đình để đặt vào giá sách riêng ở khu vực đọc sách của con hàng tuần hoặc hàng tháng. (Ảnh: HM)
Tuy nhiên, có một sự thật là chúng ta không bao giờ có thể mua hết những cuốn sách hay và sách mới cho con, vì thế, hãy cùng con đi thư viện ít nhất là hàng tháng để tìm và mượn những cuốn sách cần đọc. Đó cũng là một cách vô cùng hiệu quả để giúp con có thêm kĩ năng tìm và đọc các cuốn sách phù hợp với mình. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể lập những nhóm trao đổi sách với gia đình các bạn cùng lớp với con hoặc các gia đình cùng khu phố, bạn bè thân thiết để mọi người mượn sách của nhau về đọc. Hãy tận dụng tối đa những nguồn sách "miễn phí" này để làm giàu tủ sách cho con.
4. Đọc sách cùng con thật là vui
"Kĩ thuật" đọc sách hấp dẫn, thú vị và hài hước của bố mẹ chính là một yếu tố quan trọng duy trì niềm vui đọc sách cùng bố mẹ ở giai đoạn này bên việc chọn chủ đề và những cuốn sách phù hợp sở thích, mối quan tâm của con.
Bố mẹ nên dành thời gian để đọc trước các cuốn sách sẽ đọc cùng con để có những câu hỏi gợi ý hoặc câu đó thu hút con.
Hãy tặng con một cuốn sổ thật đẹp để con làm "Nhật kí đọc sách" và hướng dẫn con sử dụng cuốn sổ đó từng bước một bằng những hoạt động từ đơn giản đến phức tạp.
- Ghi lại tên cuốn sách, tên của tác giả, nhà xuất bản.
- Vẽ lại bìa cuốn sách (như nguyên gốc) hoặc theo ý tưởng mà con thích/ Vẽ lại một khung cảnh trong truyện mà con ấn tượng, vẽ các nhân vật theo trí tưởng tượng của con.
- Ghi tên các nhân vật trong sách và đặc điểm của từng nhân vật.
- Trả lời các câu hỏi của bố mẹ về các tình huống trong truyện.
- Ghi lại cảm xúc của mình về một nhân vật yêu thích/ một tình huống truyện gay cấn/ hoặc cả cuốn sách.
- Thay đổi/Viết lại một số tình huống trong truyện theo trí tưởng tượng của con…
Việc viết lại nhật kí đọc sách của riêng mình sẽ giúp con rèn luyện khả năng tóm tắt, chắt lọc thông tin...
...hãy khích lệ con tự sáng tạo ra cách ghi nhật ký đọc sách của riêng mình. (Ảnh: HM)
Ngoài ra, một số hoạt động khác như làm thủ công, làm mô hình giấy, nặn đất nặn… lấy cảm hứng từ các cuốn sách của con cũng giúp việc đọc sách của con trở nên thú vị và hào hứng. Các dự án nhỏ như tìm hiểu về tác giả của một cuốn sách mà yêu thích, về lịch sử của một nhà xuất bản/ Tự làm một cuốn sách/ Vẽ minh họa cho các cuốn sách chữ…. cũng sẽ truyền cảm hứng cho con rất nhiều.
Vẽ lại nhân vật hoặc một tình huống truyện ấn tượng nhất trong cuốn sách vừa đọc là hoạt động mà các bạn nhỏ rất yêu thích. (Ảnh: HM)
Vẽ tranh cũng là một hình thức ghi "nhật kí đọc sách" thú vị và sáng tạo. (Ảnh: HM)
Một cách ghi lại nhật ký đọc sách của bạn nhỏ 6 tuổi. (Ảnh: HM)
Thời lượng của giờ đọc sách là một yếu tố quan trọng giúp con duy trì cảm hứng và sự tập trung với việc đọc, vì thế, bố mẹ cần điều chỉnh thời lượng của mỗi giờ đọc sao cho phù hợp với con. Khi đọc sách cùng con hãy dành trọn vẹn tình cảm và tâm trí của mình (cùng con đọc sách trong không gian yên tĩnh, đủ sáng và ngắt kết nối với mọi thiết bị điện tử khác). Mỗi giờ đọc sách có thể chỉ cần đọc một đoạn văn ngắn/một chương sách/ một cuốn sách nhỏ… để con dần học cách đọc kĩ, đọc sâu.
Điều cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất, hãy luôn tự nhắc mình, mỗi đứa trẻ có một tốc độ đọc và cách học khác nhau, bố mẹ cần dành cho con đủ thời gian để cảm nhận được tốc độ và khả năng riêng biệt của con mình; không có một thành quả ngọt ngào nào bạn gặt hái được mà không phải đổ mồ hôi, công sức và thời gian bên con, vì thế, hãy cứ chậm rãi tận hưởng từng niềm vui bé nhỏ bên con và cùng con khám phá, đào sâu từng cuốn sách nhỏ, để một ngày nào đó con tự tin mở ra thế giới rộng lớn của mình.