Chơi đùa và leo trèo trong rừng - Đây là cách trẻ em Đức đi học mẫu giáo
Không bàn ghế, sách vở, đồ chơi, những ngôi trường mầm non này dạy trẻ em Đức học theo một cách hoàn toàn thú vị và độc đáo.
Trường mẫu giáo trong rừng không phải là khái niệm hoàn toàn mới mẻ mà là mô hình đã có ở Đan Mạch từ thập niên 1950. Ngày nay, nhiều trường học ở châu Âu đã bắt đầu quay lại với phương pháp giáo dục này. Trẻ em Đức hiện được học trong hơn 1000 trường mẫu giáo trong rừng với tên gọi địa phương là Waldkindergarten.
Đúng như tên gọi của chúng, những trường mầm non đặc biệt này không có mái, những bức tường, lớp học hay bàn ghế bởi chúng là những nhà trẻ ngoài trời, ẩn sau trong rừng hoà quyện với thiên nhiên. Tuy là vậy nhưng trẻ vẫn phải đi học bất kể thời tiết có như thế nào, dù nắng, dù mưa, dù tuyết rơi chỉ trừ những trường hợp thời tiết quá cực đoan và nguy hiểm. Thông thường đối tượng học sinh sẽ là những em nhỏ từ 3 đến 5 tuổi trước khi vào lớp 1.
Những hình ảnh vô cùng thú vị về các hoạt động của trẻ ở trường mẫu giáo trong rừng.
Trường mầm non đặc biệt như vậy nên cách trẻ đi học cũng rất đặc biệt. Mỗi sáng từ khoảng 8 giờ 30 phút đến 9 giờ sáng bố mẹ sẽ đưa trẻ đến trước cửa rừng, sau khi tập hợp đầy đủ, các giáo viên sẽ dẫn trẻ đi bộ khoảng 1,6 km để đến địa điểm học. Giáo viên giúp học sinh mặc quần áo chống thấm nước để các em tự do hoạt động trong rừng. Trong môi trường học tập độc đáo, các em được tiếp xúc và cảm nhận sự kỳ diệu của thiên nhiên.
Trong một ngày đi học, trẻ được chơi tự do, cùng nhau thực hiện những dự án nhỏ, leo trèo, bàn luận, nhảy nhót, khám phá tùy theo ý thích. Thậm chí, sẽ không khó để bắt gặp những hình ảnh mà có thể khiến nhiều ông bố bà mẹ muốn "thót tim" như trẻ trèo chót vót lên trên ngọn cây, tự tay dùng dao chế tạo những đồ vật từ cành cây gỗ hay tự nhóm lửa. Mọi hoạt động đều được diễn ra ngoài trời, kể cả lúc ăn và ngủ trưa, chan hoà với thiên nhiên đất trời. Giáo viên chỉ đóng vai trò như những người quan sát, hỗ trợ và khích lệ trẻ, họ không can thiệp và giám sát trẻ quá nhiều.
Mỗi sáng sau khi được bố mẹ đưa đến, trẻ sẽ đi bộ cùng giáo viên vào trong rừng.
Mang lại cơ hội được học tập và phát triển trong môi trường tự nhiên, những trường mẫu giáo trong rừng thế này đã được khoa học chứng minh là có rất nhiều lợi ích cho trẻ. Trước hết, việc được hít thở không khí trong lành, rời xa những chiếc điện thoại , ipad, máy tính và trải nghiệm sự yên bình của thiên nhiên chắc chắn là một điều tuyệt vời cho trẻ em. Khi được ra ngoài và chơi đùa cùng thiên nhiên, không chỉ có thể chất, sức khỏe mà cả cảm xúc của trẻ em sẽ được cải thiện rất nhiều.
Trẻ được tự do khám phá, thậm chí là chơi đùa với bùn đất hay leo trèo.
Với những trường mầm non đặc biệt này, trẻ em Đức được học những kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn vô cùng quan trọng cùng với các kiến thức cơ bản về đọc viết, toán và khoa học. Không chỉ có vậy, vì được vui chơi và học tập trong một không gian mở, không bị gò bó bởi bất kì một không gian hay chương trình học, giáo trình cụ thể nào, mọi đứa trẻ sẽ được bình đẳng, thể hiện cái tôi độc đáo, được khám phá; được trải nghiệm những thử thách phù hợp và yêu thích của bản thân; đưa ra lựa chọn, tiến hành việc học tập theo cách riêng của mình; phát triển các mối quan hệ tích cực với người khác; gắn bó mạnh mẽ với thế giới tự nhiên.
Đây cũng là một môi trường lý tưởng để khuyến khích khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ bởi các đồ chơi truyền thống sẽ không được sử dụng mà thay vào đó là trẻ sẽ tự chế tạo đồ chơi từ các loại que gậy, cành cây khô, đá và lá cây.
Bên cạnh những lúc được vui đùa còn là những khoảng thời gian cùng ngồi lại bàn luận và đặt câu hỏi.
Một nghiên cứu tiến sỹ của nghiên cứu sinh Peter Häfner tại Đại học Heidelberg (Đức) cho thấy trẻ học ở trong rừng có lợi thế vượt trội rõ ràng hơn so với trẻ học tại những trường mầm non truyền thống, chúng có khả năng nhận thức và thể chất tốt hơn, phát triển đều các kỹ năng xã hội và sáng tạo.
Với những ưu điểm vượt trội như vậy, cũng không có gì khó hiểu khi mô hình những trường học trong rừng đang ngày càng trở nên phổ biên ở các nước châu Âu và Mỹ và nhận được ngày càng nhiều sự ủng hộ từ phụ huynh và các chuyên gia giáo dục.
Nguồn: patch, creativestarlearning, thehits