Đây là lý do bố mẹ không nên luyện con tự đi vệ sinh quá sớm
Học cách đi vệ sinh là một quá trình tự nhiên của trẻ, bố mẹ không huấn luyện hay dạy trẻ cách đi vệ sinh mà chỉ là người hỗ trợ tin cậy khi trẻ đã thực sự sẵn sàng.
Trẻ học cách tự đi vệ sinh khi đã cảm thấy tự tin và sẵn sàng chứ không phải khi bố mẹ cảm thấy cần phải luyện cho trẻ, vì khả năng kiểm soát việc đi vệ sinh phụ thuộc vào sự phát triển thần kinh cũng như mong muốn được tự lập của trẻ. Điều duy nhất bố mẹ có thể làm đó là kiên nhẫn, dịu dàng và sẵn sàng hỗ trợ con mà thôi.
Trẻ không cần bố mẹ huấn luyện hay dạy trẻ cách đi vệ sinh, chúng sẽ làm việc đó khi cảm thấy sẵn sàng. (Ảnh minh họa)
Từ khi sinh ra đến khoảng 18 tháng tuổi, các tế bào thần kinh của trẻ dần dần được bao bọc bằng myelin – chất góp phần dẫn truyền những xung động thần kinh giữa các tế bào hiệu quả hơn trong toàn bộ hệ thần kinh; nhờ đó khả năng kiểm soát và phối hợp của trẻ được hoàn thiện dần với độ chuẩn xác ngày càng cao.
Vào mốc khoảng 15 tháng tuổi, trẻ có thể bắt đầu quan tâm đến việc đi vệ sinh (tiểu tiện và đại tiện), tự mặc và cởi quần áo, thích thú nhận biết và thử mặc đồ lót của các thành viên khác trong gia đình. Đây có thể coi là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy trẻ bắt đầu tò mò về cách đi vệ sinh.
Cho đến khi đạt mốc khoảng 18 tháng tuổi, khi hệ thần kinh đã phát triển và hoàn thiện khá đầy đủ, đa số trẻ đã chuẩn bị đủ về mặt thể chất, ý thức để kiểm soát việc đi vệ sinh. Vào thời điểm này, hãy dần bỏ bỉm và thay bằng quần lót để giúp con ý thức hơn về vùng kín và chức năng bài tiết của cơ thể.
Giới thiệu với trẻ về cách đi vệ sinh và cách sử dụng các vật dụng trẻ cần khi đi vệ sinh là một việc làm cần thiết giúp trẻ chủ động và tự tin hơn với việc này. (Ảnh minh họa)
Khi trẻ đã sẵn sàng và thể hiện mong muốn được ngồi bồn cầu giống như người lớn để đi vệ sinh, hãy chỉ giúp trẻ khi được trẻ yêu cầu trợ giúp hoặc khi bạn thấy rõ là con chưa thể xoay xở được, nhớ thông báo và xin phép con trước khi bạn vào giúp trẻ, đừng đường đột xông vào và khiến con cảm thấy xấu hổ.
Đừng ngăn chặn nhu cầu khám phá thỏa mãn trí tò mò của trẻ về việc đi vệ sinh. Hãy khuyến khích, cởi mở và kiên nhẫn với mối quan tâm của con bằng cách chậm rãi dạy con quy trình các bước đi vệ sinh từ cách cởi quần, kéo quần xuống, ngồi lên bồn cầu cho đúng và an toàn cho đến cách dùng giấy vệ sinh để lau chùi hậu môn, kéo quần lên, xả nước và rửa tay bằng xà phòng.
Bằng cách sắp xếp nhà vệ sinh thành một không gian an toàn và thuận lợi cho việc đi vệ sinh của trẻ, bố mẹ sẽ giúp trẻ tự làm việc này một cách nhanh chóng và thành thạo. Những chiếc ghế chắc chắn để giúp trẻ dễ dàng bước lên bồn cầu, thảm chống trơn trượt giúp trẻ an toàn, miếng kê bồn cầu dành cho trẻ em, khay để khăn, giấy lau hoặc quần lót (hoặc bỉm)... là những món đồ không thể thiếu. (Ảnh minh họa)
Tất nhiên, trẻ không thể làm trơn tru mọi công đoạn hay làm sạch sẽ như mong muốn của bố mẹ ngay, hãy bình tĩnh, bao dung và trấn an, khích lệ con; đồng thời hướng dẫn con cách làm như thế nào dễ dàng và sạch sẽ hơn.
Hãy nhớ rằng, học cách đi vệ sinh (tiểu tiện, đại tiện) là một quá trình tự nhiên đánh dấu thời điểm trẻ muốn được làm các việc như người lớn khi hệ thần kinh của trẻ đã phát triển đủ độ để kiểm soát nhu cầu bài tiết của cơ thể. Bố mẹ không huấn luyện hay dạy trẻ cách đi vệ sinh mà chỉ là người hỗ trợ tin cậy khi trẻ đã thực sự sẵn sàng.
Quy trình hỗ trợ con tự đi vệ sinh
1. Sắp xếp nhà vệ sinh của gia đình đủ an toàn và thân hiện với con.
2. Hướng dẫn con làm quen và sử dụng nhà vệ sinh an toàn (bao gồm việc sử dụng vòi nước, bồn rửa, dùng giấy/khăn lau...).
3. Dần bỏ bỉm và mặc quần lót cho con. Chọn và mặc cho con loại quần chun mềm mại và thấm nước.
4. Dạy con cách cởi quần, tự lau chùi, xả nước và mặc lại quần từng bước một cách chậm rãi.
5. Luôn để sẵn khăn để con lau chùi sau khi đi vệ sinh ở khu vực gần và thuận tiện cho con.
6. Nói chuyện, giải thích với con về chức năng của các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là các cơ quan sinh dục, bài tiết… một cách kiên nhẫn, cụ thể, dễ hiểu và đầy đủ.
7. Luôn tỏ thái độ bao dung, cảm thông và dịu dàng với con khi con tè dầm hoặc ị đùn.
8. Khích lệ và ghi nhận con khi con có thể tự làm.