Đây là lý do bác sĩ khuyến nghị mọi đứa trẻ nên được kiểm tra thính lực ngay khi chào đời

Nguyễn Hòa,
Chia sẻ

Khám sàng lọc kiểm tra thính lực là một trong những bài kiểm tra mà chuyên gia khuyên cha mẹ cho trẻ sơ sinh thực hiện, nhưng vì đây không phải là kiểm tra bắt buộc nên nhiều người bỏ qua.

Ngay khi vừa chào đời, dường như các bé đã phải trải qua đủ các loại xét nghiệm để đảm bảo sức khỏe các em không gặp vấn đề gì nghiêm trọng. Các bậc cha mẹ hẳn rất sốt ruột và lo lắng, tuy nhiên những xét nghiệm này được thực hiện rất nhanh chóng và sớm trả kết quả, lúc đó cha mẹ có thể yên tâm rằng con mình khỏe mạnh.

Trong vòng vài tiếng sau khi chào đời, các bé sẽ phải trải qua nhiều xét nghiệm để đảm bảo các em khỏe mạnh. Bài kiểm tra đầu tiên chính là đo chỉ số Apgar, được thực hiện vào lúc 1 phút và 5 phút ngay sau khi bé sinh ra. Đo chỉ số Apgar hoàn toàn không đau đớn và chỉ thực hiện bên ngoài, cung cấp các thông tin về màu da, nhịp tim, phản xạ kích thích, cử động và hô hấp. Chỉ số này giúp đánh giá liệu con bạn có cần trợ giúp để thích ứng với cuộc sống bên ngoài cơ thể mẹ hay không.

Đây là lý do bác sĩ khuyến nghị mọi đứa trẻ nên được kiểm tra thính lực ngay khi chào đời - Ảnh 1.

Khám sàng lọc thính lực là một trong những bài kiểm tra mà chuyên gia khuyên cha mẹ cho trẻ sơ sinh thực hiện (Ảnh minh họa).

Những xét nghiệm khác bao gồm sàng lọc cho trẻ sơ sinh, trong đó máu được lấy mẫu để giúp phát hiện sớm các rối loạn chuyển hóa, bệnh nội tiết, bệnh hồng cầu hình liềm, dị tật tim bẩm sinh, bệnh xơ nang và suy giảm miễn dịch kết hợp nặng (SCID)...

Kiểm tra thính lực là một trong những bài kiểm tra mà chuyên gia khuyên cha mẹ cho trẻ sơ sinh thực hiện, nhưng vì đây không phải là kiểm tra bắt buộc nên nhiều người bỏ qua.

Theo Tổ chức Hearing Foundation của Canada (tổ chức phi chính phủ chuyên thúc đẩy nghiên cứu về thính giác), quan tâm sức khỏe của thính giác bắt đầu với việc khám sàng lọc xem liệu trẻ có bị khiếm thính khi mới sinh hay không. Tuy nhiên, đáng tiếc là khám sàng lọc thính giác cho trẻ sơ sinh không được đề xuất tại tất cả các bệnh viện như các loại khám sàng lọc khác, do vậy, đôi khi đến 2,5-3 tuổi thì nhiều em mới được phát hiện bị khiếm thính. Đến lúc này, các em sẽ khó mà theo kịp các bạn đồng trang lứa không bị khiếm thính – đặc biệt về phát âm, giao tiếp và kĩ năng xã hội. Tại Canada, mỗi năm có hơn 2000 em sinh ra mắc bệnh khiếm thính, một trong những dị tật bẩm sinh phổ biến nhất có thể được khám sàng lọc.

Lời kêu gọi sàng lọc thính lực cho trẻ sơ sinh được hưởng ứng trên toàn thế giới. Bác sĩ Selvarani Moodley là một chuyên gia thính học và trị liệu ngữ âm tại tổ chức Hi Hopes, một tổ chức giúp đỡ trẻ em khiếm thính được phát triển và học tập trong một thế giới mà các em không thể nghe. Bác sĩ Moodley mới đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra thính lực của trẻ em khi sinh ra khi bác sĩ được mời đến nói chuyện trên kênh radio 720 nổi tiếng của Nam Phi.

Đây là lý do bác sĩ khuyến nghị mọi đứa trẻ nên được kiểm tra thính lực ngay khi chào đời - Ảnh 2.

Nếu bạn nghi ngờ bé nhà mình có biểu hiện khiếm thính, hãy liên hệ với các bác sĩ để bé được kiểm tra càng sớm càng tốt (Ảnh minh họa).

"Chúng ta phát triển ngôn ngữ từ thính giác. Đây là cơ sở để xây dựng kĩ năng cảm xúc – xã hội, kĩ năng nhận thức và sau đó là khả năng đọc hiểu và các kĩ năng học tập. Ngôn ngữ không nhất thiết phải là những lời được nói ra. Ngôn ngữ cũng có thể là kí hiệu, nên nếu một đứa trẻ được chẩn đoán mắc khiếm thính, em vẫn có cơ hội được tiếp cận với ngôn ngữ".

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mĩ đã liệt kê những dấu hiệu khiếm thính ở trẻ sơ sinh:

- Không giật mình khi nghe thấy âm thanh to đột ngột.

- Không quay đầu sang hướng phát ra âm thanh sau 6 tháng tuổi.

- Không nói các từ đơn lẻ như "dada" và "mama" khi được 1 tuổi.

- Quay đầu khi nhìn thấy có người nhưng không trả lời khi được gọi tên.

- Dường như nghe được một số âm thanh nhất định, ngoài ra không nghe được âm thanh khác.

Nếu bạn nghi ngờ bé nhà mình có biểu hiện khiếm thính, hãy liên hệ với các bác sĩ để bé được kiểm tra càng sớm càng tốt.

Nguồn: Baby

Chia sẻ