Dạy gì thì dạy, trước 10 tuổi cha mẹ nhất định phải dạy con 5 nguyên tắc ứng xử này
Giáo dục gia đình đối với trẻ nhỏ chính là tạo những nề nếp cho trẻ từ thuở sơ khai nhất. Đặc biệt trong giai đoạn trước 10 tuổi, bạn nhất định phải dạy con 5 nguyên tắc ứng xử này để tạo nền tảng tốt cho sự phát triển về sau.
Những nguyên tắc ứng xử mà bố mẹ và người lớn trong nhà tập cho trẻ chính là cơ sở để nuôi dưỡng những phẩm chất lẫn thói quen tích cực khi trẻ trưởng thành. Tuy vậy, những quy tắc sống và cách ứng xử còn phải căn cứ theo độ tuổi của trẻ. Nếu bạn áp đặt tùy tiện không những không đạt hiệu quả mà còn có thể phản tác dụng, khiến trẻ khó tiếp thu và sinh ra tâm lý phản kháng.
Giai đoạn trước 10 tuổi, bạn nhất định phải tập cho trẻ 5 nguyên tắc ứng xử này để tạo nền tảng tốt cho sự phát triển về sau (Ảnh minh họa).
Chọn độ tuổi thích hợp để tạo cho trẻ thói quen tốt là một trong những cách giáo dục gia đình khôn ngoan nhất. Đối với giai đoạn khi trẻ dưới 10 tuổi, bạn nên tập cho trẻ 5 nguyên tắc ứng xử sau đây, bởi vì chúng vừa phù hợp, vừa giúp ích không nhỏ đối với sự trưởng thành và phát triển của trẻ về sau.
1. Dạy trẻ gặp ai cũng phải biết chào hỏi
Chỉ cần mỗi khi đưa trẻ ra ngoài hay gặp ai đó, bạn làm gương chào hỏi trước, sau đó nhẹ nhàng khuyến khích trẻ cũng chào hỏi đối phương như bạn (Ảnh minh họa).
Không ít phụ huynh đều có thói quen nhắc nhở con mình phải chào hỏi khi gặp người khác. Nhưng có điều, đôi khi bạn chỉ tập cho trẻ thói quen chào người lạ mà cảm thấy không cần thiết với những người đã quá thân quen. Điều này là một thiếu sót không nhỏ.
Khi bạn không để trẻ tập được thói quen chào hỏi khi gặp người quen, dần dần khi lớn lên có thể khiến trẻ thiếu sự tôn trọng với họ. Trẻ sẽ có tâm lý người đó đã quá quen thuộc rồi thì muốn làm sao cũng được. Chính vì vậy, bạn nên giúp trẻ hình thành phép lịch sự chào hỏi bất cứ ai mà trẻ gặp. Hãy nói với trẻ hành động đó là sự lễ phép và trẻ sẽ được hoan hô, khen ngợi.
Nếu con của bạn bình thường ở nhà đã khá nhút nhát và có phần hướng nội thì bạn đừng quá vội ép trẻ phải vào nề nếp. Chỉ cần mỗi khi đưa trẻ ra ngoài hay gặp ai đó, bạn làm gương chào hỏi trước, sau đó nhẹ nhàng khuyến khích trẻ cũng chào hỏi đối phương như bạn. Dần dần tự nhiên trẻ sẽ biết phải làm thế nào dù trong tình huống trẻ gặp người khác mà không hề có mặt bạn.
2. Dạy trẻ chú ý lời nói và hành động ở nơi công cộng
Nên bắt đầu rèn cho trẻ cách cư xử văn minh khi ở nơi công cộng từ sớm (Ảnh minh họa).
Nhiều phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ với tâm lý cưng chiều con mà để trẻ vô tư có những hành động thái quá, ảnh hưởng đến người xung quanh ở nơi công cộng. Bạn cho rằng trẻ con thì được phép nghịch ngợm và đáng được bao dung? Đừng để cách nghĩ này khiến con bạn trở thành kẻ tự cao, tự đại và thiếu tôn trọng mọi người khi trưởng thành!
Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, thậm chí là chưa đến 10 tuổi, bạn đã nên bắt đầu rèn cho trẻ cách cư xử văn minh khi ở nơi công cộng. Khi thấy trẻ có lời nói hay hành động không đúng đắn, thậm chí gây phiền hà cho người khác, bạn nên giữ trẻ bên mình và nhẹ nhàng giải thích với trẻ rằng điều đó là không tốt, là không ngoan và sẽ bị chê cười.
Những chú ý và răn dạy kịp thời, kiên nhẫn của bạn sẽ giúp trẻ ngày càng nhận thức được lời ăn tiếng nói và cử chỉ của mình. Trẻ sẽ biết điều gì nên làm để trở thành một đứa trẻ ngoan và được khen ngợi.
3. Dạy trẻ khi đến nhà người khác không được nghịch ngợm và tùy tiện lấy đồ
Nên ngăn hành động của trẻ lại, và giải thích cho trẻ biết đồ vật đó là của ai, và trẻ cần xin phép khi muốn làm bất cứ điều gì (Ảnh minh họa).
Trẻ con vốn rất nghịch ngợm và hiếu kỳ đối với mọi đồ vật hay sự việc xung quanh. Nhưng không vì thế mà bạn để trẻ vô tư chạy lung tung hay sờ nắm, thậm chí làm hỏng đồ đạc nhà người khác, bất kể đó là nhà người lạ hay người thân quen.
Trong giai đoạn trước 10 tuổi, có thể ý thức về quyền sở hữu ở trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Trẻ thường cảm thấy rằng đồ của người khác đều là của nhà mình, mình thích thì mình lấy và chơi thôi. Những lúc này, bạn nên ngăn hành động của trẻ lại, và giải thích cho trẻ biết đồ vật đó là của ai, và trẻ cần xin phép khi muốn làm bất cứ điều gì.
Không chỉ là ở nhà người khác, ngay cả trong gia đình, bạn cũng nên thường xuyên nhắc nhở trẻ có thói quen "hỏi" người lớn trước khi muốn lấy thứ gì.
4. Dạy trẻ không nên chỉ nhìn vào khuyết điểm của người khác
Khuyến khích trẻ tìm thấy những ưu điểm của người khác, lấy đó làm gương học tập (Ảnh minh họa).
Nói xấu sau lưng người khác hoặc kể lể khiếm khuyết hay bí mật của ai đó có thể khiến trẻ thành thói quen. Sau khi trưởng thành, trẻ sẽ trở thành người chỉ biết nhìn vào khuyết điểm của người xung quanh, thậm chí có tư tưởng khinh khi, đố kỵ.
Vì vậy, ngay khi trẻ còn nhỏ, bạn nên nhẫn nại giảng giải để trẻ hiểu hành động đó là không tốt. Bạn có thể khuyến khích trẻ tìm thấy những ưu điểm của người khác, lấy đó làm gương học tập.
Đặc biệt, bố mẹ và người trong nhà phải làm gương trước, không nên cãi vã, đả kích nhau hoặc xúm lại nói điều không hay về ai đó trước mặt con trẻ. Khi bạn còn làm chưa tốt thói quen này thì rất khó để trẻ nghe theo lời dạy của bạn.
5. Dạy trẻ làm sai phải xin lỗi, hoặc nếu bị phạm lỗi cũng có quyền yêu cầu người khác xin lỗi mình
Phải cho trẻ hiểu rằng trẻ cũng có quyền được người khác xin lỗi nếu trẻ bị ức hiếp hay ngược đãi (Ảnh minh họa).
Người lớn còn không tránh khỏi lúc phạm sai lầm, huống chi là con trẻ. Cho nên, khi trẻ phạm lỗi, bạn cần dạy trẻ thói quen dũng cảm nhận lỗi và thành khẩn cải thiện. Ngược lại, bạn cũng phải cho trẻ hiểu rằng trẻ cũng có quyền được người khác xin lỗi nếu trẻ bị ức hiếp hay ngược đãi.
Muốn tập cho trẻ nguyên tắc ứng xử lành mạnh này, trước hết bạn phải là người làm gương thật tốt. Cho dù bạn là người trưởng bối nhưng nếu bạn trách lầm trẻ hoặc làm gì không đúng, bạn vẫn phải xin trẻ một cách nghiêm túc, chân thành.
Nguồn: Sohu