Dạy con kĩ năng ứng phó với nguy hiểm khi đi dã ngoại
Hiện nay, trẻ từ lứa tuổi mẫu giáo đã thường xuyên được đi dã ngoại cùng các bạn, vì thế, càng sớm càng tốt, bố mẹ cần dạy con các kĩ năng ứng phó với nguy hiểm khi đi dã ngoại.
Dã ngoại là một trong những hoạt động quan trọng giúp trẻ có cơ hội hòa nhập, khám phá tự nhiên, học được nhiều kỹ năng thông qua trải nghiệm thực tế. Để chuyến đi an toàn, hoàn hảo, cần lưu tâm đến những nguy hiểm trẻ có thể đối mặt. Ông Nguyễn Văn Quảng - chuyên viên kỹ năng sống, nguyên thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Kỹ năng sống Thành Đoàn TP.HCM - hướng dẫn một số kĩ năng an toàn giúp cha mẹ dạy con cách ứng phó với nguy hiểm khi đi dã ngoại.
Việc đầu tiên, trẻ cần được phụ huynh/ trưởng đoàn trang bị một ba lô cá nhân có chứa các vật dụng y tế cơ bản dành cho việc sơ cấp cứu: thuốc chống ngứa, thuốc sát trùng, bông gòn, băng keo, nước muối đậm đặc... và phải được hướng dẫn chi tiết cách sử dụng, không chỉ cho bản thân mà còn giúp bạn đồng hành trong trường hợp có sự cố.
Côn trùng: Muỗi, rắn, vắt, ong, sâu... là một số loại côn trùng nguy hiểm thường gặp. Trước tiên, trẻ cần quan sát cẩn thận nơi mình dừng chân. Nếu có bụi rậm, dùng cành cây dài khua vào bụi trước khi muốn ngồi gần hoặc thò tay hái trái/ lấy vật lỡ rơi vào bụi rậm. Khi thấy côn trùng, trẻ phải tránh xa. Trường hợp bị cắn, cần rời ngay vị trí có côn trùng; sau đó dùng nước miếng sát trùng nếu quên mang theo thuốc, không gãi vết cắn và lập tức báo cáo ngay cho trưởng đoàn.
Đi lạc: Khi nhận ra mình đi lạc, trẻ cần đứng yên ngay vị trí bị lạc; không khóc và phải tự trấn an mình (trí tưởng tượng thường khiến trẻ sợ hãi sẽ có... “ông kẹ” hay "con gì đó" bắt đi). Nếu hai, ba em tự ý tách nhóm và cùng bị lạc thì phải động viên nhau đứng yên, sẽ có người đến cứu; tránh gây gổ, cãi cọ dẫn đến tách nhóm. Xem xung quanh có lán trại nào không để đến gần nhờ giúp đỡ. Nên chủ động mang theo còi/ kèn trong mỗi chuyến dã ngoại để nếu bị lạc, dùng còi/ kèn thổi báo hiệu.
Người lạ: Linh cảm có người lạ theo dõi, trẻ cần chạy ngay đến đám đông, báo cáo với trưởng đoàn; không nên nhận quà, tiếp xúc, trò chuyện với người lạ. Trường hợp bị bắt, trẻ cần bình tĩnh và tìm cách vùng chạy.
Vật nguy hiểm: Hầu hết phụ huynh thường cấm con em sử dụng những vật dụng có tính sát thương cao như dao, kéo, búa... Tuy nhiên, khi đi dã ngoại, đó lại là những vật dụng không thể thiếu. Do đó, trẻ cần được hướng dẫn và chỉ bảo mức độ nguy hiểm nếu dùng vật dụng đùa giỡn hay sử dụng sai cách.
Ngộ độc thức ăn: Nếu mệt (đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu hoặc nôn ói do ăn phải thức ăn không hợp...), trẻ không nên gắng sức tham gia “cuộc vui” mà cần phải nghỉ ngơi. Trẻ nên báo cáo trưởng đoàn, bạn bè về tình trạng sức khỏe.
Tập thói quen chú ý, quan sát xung quanh: Trước khi nghỉ chân, trẻ nên quan sát chung quanh nơi mình định dừng lại để tránh những nguy hiểm “trời ơi” như cành cây khô trên cao (có thể rơi trúng đầu); cung đường trơn, dốc, nhiều đá sỏi (gây té ngã)...
Tự sơ cứu: Khi chảy máu, trẻ cần rửa sạch vết thương; dùng bông lau nhẹ rồi băng bó lại bằng băng keo cá nhân (nếu vết thương nhỏ) hoặc bông băng y tế (nếu vết thương lớn); không nên quấn băng keo quá chặt. Trường hợp bị bỏng, trẻ cần nhanh chóng xối nước mát lên vết bỏng, giữ nguyên quần áo nơi bị bỏng nếu vết bỏng sâu. Sau đó, dùng bông gạc băng bó lại và lập tức báo cáo trưởng đoàn.
Dựng lều trại: Chọn vùng đất khô, thoáng, bằng phẳng nhất; không dựng lều gần cây cao, to, đề phòng cành khô rơi hay mưa lớn trút nước/sấm sét; tránh vùng cỏ rậm vì nơi đó thường có nhiều côn trùng. Không ăn uống trong lều vì mùi vị/ thức ăn vụn lôi kéo côn trùng “viếng thăm”. Không đốt lửa trong lều hay gần lều.
Thực vật: Tính hiếu động, tò mò thường khiến trẻ thích thú, hiếu kỳ trước nhiều loại cây, trái, nấm... mọc hoang trong rừng. Trẻ cần được nhắc nhở thường xuyên, nghiêm cấm hái các loại trái cây/nấm gặp phải trên hành trình dã ngoại, kể cả những trái cây có hình dạng giống với nhiều loại quả thường dùng ở nhà. Không nên bứt lá, bẻ cành vì nhựa cây có thể chứa độc tố.
Nguy hiểm tự thân: Có nguy hiểm đến từ nỗi sợ hãi vô cớ, do trẻ thiếu tự tin và ám ảnh bởi lời dặn dò/ nghiêm cấm của phụ huynh; trong khi bản thân thì lại rất tò mò, thích khám phá. Đơn cử, trẻ muốn leo cây, đuổi bắt vật gì đó gặp phải trong chuyến đi, nhưng trước đó đã được phụ huynh cảnh báo/nghiêm cấm rằng việc này rất nguy hiểm.
Dù vậy, nhiều trẻ vẫn âm thầm “mạo hiểm”, để rồi chính tâm lý sợ sệt khiến trẻ bất an, lo lắng nên chểnh mảng, thiếu tập trung khi thực hiện hành vi. Do đó, phụ huynh cần động viên, tiếp cho con sự tự tin khám phá, mạnh dạn thể hiện mình với yêu cầu trẻ nên báo cáo mọi ý muốn, việc làm sẽ thực hiện để nhận được sự đồng ý, chỉ dẫn của trưởng đoàn.
Trước những chuyến dã ngoại, phụ huynh thử đặt ra một số tình huống nguy hiểm con có thể gặp phải để nắm bắt cách xử trí của con; qua đó khuyên bảo con nên và không nên làm gì trong từng trường hợp cụ thể.