Dạy con bảo vệ bản thân bằng QUY TẮC MẬT MÃ với người lạ, chỉ nói 1 từ tưởng đơn giản nhưng lại hiệu quả không ngờ
Trẻ cần phải được dạy kĩ năng bảo vệ bản thân trước những tình huống xấu có thể xảy ra.
Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh có xu hướng giáo dục sớm cho trẻ, các bé bước vào độ tuổi 2-4 đã có thể hoàn toàn học các kĩ năng cần thiết trong cuộc sống. Một trong số đó chính là cách bảo vệ bản thân trước nguy hiểm rình rập từ bên ngoài như người xấu, bắt cóc, lạc đường... Việc tiếp xúc sớm với các kiến thức như thế này được cho rằng hoàn toàn cần thiết và có ích, giúp trẻ bảo vệ bản thân nếu rơi vào các tình huống nguy hiểm. Dưới đây là 4 quy tắc bố mẹ nên dạy cho con:
1. Không ai được phép chạm vào vùng kín cơ thể
Đó là 4 bộ phận trên cơ thể: Miệng, Ngực, Phần giữa 2 đùi và Mông. Trong đó có "3 Vùng Kín" (hay còn gọi là vùng đồ bơi, vùng đồ lót) là Ngực, Phần giữa 2 đùi và Mông. Mẹ cần dạy bé tuyệt đối không để ai được phép chạm vào những vùng nhạy cảm này.
Mẹ có thể giải thích với con đó là những bộ phận riêng tư và bí mật không phải ai cũng có quyền xem. Giải thích với con rằng ba mẹ có thể thấy con ở trần, còn những người khác thì không. Nếu trẻ còn nhỏ, cần mẹ hỗ trợ tắm mỗi ngày, nhân dịp chỉ có hai mẹ con, mẹ có thể thủ thỉ: ''Mẹ có thể chạm vào vùng kín của con. Ngoài mẹ ra không ai được phép sờ. Bất cứ ai sờ vào vùng kín của con như vậy đều là người xấu''. Khi con thấy người lạ có ý định chạm vào, con phải hét lên hoặc đẩy người xấu ra.
2. Quy tắc mật mã với người lạ
Ngoài ông bà, bố mẹ và những người mà bố mẹ cho phép, con tuyệt đối không được phép đi theo ai khác. Thông thường, những người bắt cóc sẽ có những chiêu trò khiến trẻ tin như ''chú đưa con đi gặp mẹ'', ''cô mua kẹo cho con nhé'', ''ở đây nguy hiểm lắm phải đi với chú, chú sẽ tìm mẹ cho''... Những lời này sẽ khiến bé tin tưởng và đi theo. Tuy nhiên, trong mọi tình huống mẹ buộc phải dặn con không được đi theo.
Quy tắc chính là nói từ ''KHÔNG'' với mọi người lạ. Khi người ta nói bất kì điều gì, trẻ nên nói Không. Ngoài ra, con cũng nên từ chối những món đồ hay lời dụ dỗ của bất kì người nào không phải người quen của mình.
Khi trẻ bắt đầu có thể ghi nhớ các cụm từ dài hơn, mẹ có thể thống nhất với con một mật mã hoặc mật khẩu riêng để bé có thể dùng trong tình huống cảm thấy bất an, nguy hiểm. Mật mã này có thể áp dụng khi bé ở nhà một mình và có người lạ tới gọi cổng. Ví dụ như cả nhà thống nhất câu hỏi là ''con thích món đồ chơi nào nhất'', và đáp án sẽ là ''ô tô màu vàng''. Trong một số trường hợp, bé ở nhà một mình mà có người tự nhận là bố mẹ, con có thể hỏi câu này để xác nhận.
3. Làm gì khi bị lạc đường
Cảm giác bị lạc mất con thực sự rất đáng sợ, và chỉ bố mẹ nào đã rơi vào tình huống này mới có thể cảm nhận được. Để phòng tránh, phụ huynh nên có những phương pháp cụ thể để giúp con. Biện pháp chủ động có thể kể đến như quan sát con mọi lúc mọi nơi đặc biệt ở nơi đông người, mua đồng hồ định vị, dạy con biết nghe, gọi bố mẹ khi bị lạc. Nên nhớ là pin đồng hồ cần đầy và con phải biết thao tác gọi điện thoại trên đó.
Ngoài ra, cần dạy bé một số kĩ năng khi đi lạc. Đầu tiên là nhớ thông tin về địa chỉ, tên tuổi, số điện thoại của bố mẹ. Ít nhất là con có thể nhớ nơi mình sinh sống, số điện thoại của 1 trong 2 bố mẹ. Khi bị lạc, phải thật bình tĩnh tìm ngay bảo vệ hoặc công an nhờ liên lạc với bố mẹ mình.
4. Quy tắc 5 ngón tay
Một trong những quy tắc an toàn cơ bản nhất, dễ nhớ nhất để bảo vệ trẻ là QUY TẮC 5 NGÓN TAY. Quy tắc này sẽ giúp trẻ xác định được 5 nhóm người thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, từ đó đưa ra định hướng giao tiếp phù hợp, tránh bị lạm dụng, mua chuộc. Mẹ hãy cố gắng dành ít nhất 5 phút mỗi ngày để dạy con điều này.
- Ngón cái - gần mình nhất - tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột: Những người này có thể ôm hôn, tắm, ngủ chung hay làm vệ sinh giúp bé khi còn nhỏ. Nhưng khi đã lớn, bé sẽ tự tắm và thay quần áo trong phòng kín mà không cần sự trợ giúp nữa.
- Ngón trỏ - tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình: Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa. Nhưng chỉ dừng lại ở đó! Còn nếu ai chạm vào “vùng đồ bơi”, bé sẽ hét to và gọi mẹ.
- Ngón giữa - người quen biết nhưng ít khi gặp như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ: bé chỉ nên bắt tay, cười và chào hỏi. Ngoài ra, không được phép cho họ chạm vào mình.
- Ngón áp út – người quen của gia đình mà bé mới gặp lần đầu: bé chỉ nên dừng lại ở mức vẫy tay chào.
- Ngón út - ngón tay xa bé nhất - thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an, bé hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to hoặc phản kháng quyết liệt để thông báo với mọi người xung quanh.
Ngoài ra, khi bé đi khám bệnh, bác sĩ có thể khám cho bé nhưng chỉ khi có sự đồng ý của mẹ và bé. Còn khi bé đi chơi mà không có mẹ bên cạnh thì bé không đồng ý cho ai đụng vào người mình. Và tuyệt đối không nhận quà từ người lạ, không đồng ý cho người lạ chụp hình nếu chưa xin phép mẹ. Những kỹ năng này sẽ giúp cho bé có sự hiểu biết nhất định về việc cần phải bảo vệ bản thân khỏi những nguy hiểm ngoài xã hội.
Để dạy kĩ năng sống cho trẻ hiệu quả, bố mẹ cần làm gì?
1. Giải thích nhiều lần
Trẻ hoàn toàn có thể hiểu những điều bố mẹ nói bằng cách giải thích lại nhiều lần hoặc sử dụng tranh/ ảnh/ sách minh hoạ tình huống cụ thể cho bé. Khi nội dung gì đó tái hiện nhiều lần sẽ tự động lưu vào trí nhớ của trẻ. Hãy cố gắng dùng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu để trẻ có thể biết bố mẹ đang muốn nói điều gì. Ngoài ra, nên cho trẻ đọc sách, kể chuyện hoặc xem những chương trình bổ ích liên quan giúp con ghi nhớ dễ dàng hơn.
Ví dụ đơn giản như việc dạy trẻ nói cảm ơn, mẹ có thể giải thích: ''Mọi người sẽ yêu mến trẻ hơn nếu bé nói cảm ơn khi được cho quà hoặc được giúp đỡ''. Nếu bé thường hay đánh bạn bè thì nên nói với con rằng: ''Bạn bè sẽ không muốn chơi chung nếu con tiếp tục đánh và không chia sẻ đồ chơi cho bạn'', hoặc nếu con xem phim hoạt hình nào đó, hãy lấy luôn tình huống trong phim để áp dụng ra ngoài đời thực ''Con có nhớ bạn Thỏ đã nói gì khi bị lạc mất mẹ không''...
2. Hãy gương mẫu
Trẻ con bắt chước rất nhanh, đặc biệt là lời nói, cử chỉ và thái độ từ bố mẹ. Con chính là tấm gương phản chiếu quan điểm giáo dục trong gia đình. Mỗi hành vi của trẻ có thể đang sao chép nguyên bản từ chính những ứng xử hàng ngày của cha mẹ. Nếu muốn dạy con ngoan và hình thành tính cách của một thiên tài thì bố mẹ cần là tấm gương sáng.
Để con học được các kĩ năng mềm trên, bố mẹ cũng có thể nói: ''Khi ra ngoài, con sẽ đi cùng bà nội, ngoài bà ra không được phép đi theo người lạ, những cô chú ở ngoài đường có hỏi con nhất định nói Không nhé'', hoặc không nên lấy bộ phận nhạy cảm, riêng tư của bé ra trêu đùa hay nói chuyện trước mặt người khác làm con bị xấu hổ.
3. Khen ngợi và động viên khi con làm tốt
Nếu con nghe lời và hoàn thành những điều bố mẹ dạy thì đừng tiếc lời khen cho con. Nếu bé chưa làm đúng thì cũng không nên trách phạt hay nặng lời mà nhẹ nhàng khuyên bảo, mong con rút kinh nghiệm cho lần sau. Như thế, bé sẽ biết ơn và học được kĩ năng mới nhanh chóng hơn.