Chuyên đề: Trị rôm sảy mùa nóng

Đầu hè, hãy cùng học cách ngừa rôm sảy cho con nào!

Mai Phương,
Chia sẻ

Có đưa con đi khám, mẹ TitMit mới hiểu ra nhiều điều và không còn coi thường những “con rôm sảy” tưởng như hết sức đơn giản này.

Năm nào cũng vậy, cứ khi thời tiết chuyển sang nóng một chút là bé TitMit lại nổi đầy rôm (mẩn đỏ) ở người và ở đầu. Cả ngày nghịch ngợm, chạy nhảy, mồ hôi ra nhiều nên bé càng khó chịu, càng ngứa và càng gãi. Mà càng gãi thì các nốt rôm càng vỡ ra và đỏ ửng lên, có hôm còn bị nhiễm trùng nữa. Con ngứa gãi rồi không chịu được thì khóc lóc làm mẹ TitMit cũng sốt ruột lắm. Mẹ Titmit mua đủ loại thuốc này thuốc kia để bôi cho con mà cũng không đỡ. Mẹ cũng cho Titmit ăn nhiều hoa quả cho mát trong người nhưng xem ra những nốt rôm cứng đầu cũng không chịu bay đi.

Đưa con đi khám, mẹ TitMit mới biết nhiệt độ nóng làm cơ thể phải tiết ra nhiều mồ hôi để giảm nhiệt độ. Nhưng mồ hôi tiết ra quá nhiều, cộng với việc các lỗ chân lông bị tắc do bụi bẩn hoặc do nhiễm khuẩn làm cho mồ hôi bị ứ đọng trong ống tuyến bài tiết mồ hôi ở da, gây ra rôm sảy. Rôm sảy thường hay xuất hiện vào mùa hè nóng nực, oi bức và ở các vùng da như trán, đầu cổ, ngực lưng...


Có đưa con đi khám, mẹ TitMit mới hiểu ra nhiều điều và không còn coi thường những “con rôm sảy” tưởng như hết sức đơn giản này. Vì nhiều khi, thấy con ngứa gãi, mẹ thường “giết rôm” cho TitMit. Những lúc như thế, TitMit có vẻ dễ chịu hơn nhưng mẹ TitMit không biết rằng gãi hoặc “giết rôm” cho con có thể gây biến chứng là trẻ có thể bị nhiễm trùng, nặng hơn thì có thể bị viêm cầu thận, nhiễm trùng lan rộng. Nay biết rồi, mẹ TitMit chỉ dám xoa nhẹ để con đỡ ngứa và giảm khó chịu đi thôi.

Trẻ bị rôm sảy vào mùa hè như TitMit không phải là ít. Rất nhiều trẻ, dù cha mẹ có ý thức cho con ăn uống đồ mát để không bị rôm nhưng lại có thể mắc phải sai lầm là giữ con quá kĩ, khiến cơ thể con không được thoáng khí, dẫn đến viêm da và nổi mụn như rôm.

Vào hè, để đề phòng rôm sảy cho con, các mẹ cần lưu ý điều quan trọng nhất là luôn để trẻ ở nơi thoáng mát, tránh nóng nực, ngột ngạt, cho trẻ mặc quần áo thoáng khí, thoát mồ hôi… Tránh cho trẻ ra ngoài vào những giờ nắng gắt từ 10h đến 15h, nếu cần ra ngoài vào lúc đó thì phải đội nón mũ rộng vành, mặc áo che kín da của trẻ. Tắm rửa hàng ngày bằng nước mát cho da dẻ luôn sạch sẽ, các lỗ chân lông được thông thoáng. Cho trẻ ăn chế độ ăn uống hợp lý, đủ lượng nước, có nhiều vitamin, hạn chế các đồ ăn có nhiều đường...


Nếu con bị rôm sảy, cha mẹ có thể áp dụng một số cách thức sau để con dễ chịu hơn và các nốt ngứa mau biến mất hơn.

- Tắm hàng ngày cho con bằng một số loại lá hoặc quả như mướp đắng, lá rau má, sài đất, canh giới… vì các loại thảo dược này có tác dụng làm mát da rất tốt. Tránh sử dụng các loại xà phòng hay sữa tắm có độ pH không phù hợp với da của bé. Mẹ cũng có thể cho bé tắm bằng nước trà xanh, hoặc nước chanh.

- Cho trẻ uống đủ nước, có thể uống nước sắn dây, nước sài đất, đỗ đen, quả cam, chanh... Hạn chế các loại nước có nhiều đường.

-  Cho trẻ ăn đủ vitamin.

- Tránh làm trầy xước các vết rôm sảy, bởi lẽ khi bị trầy xước da, dễ dẫn đến nhiễm trùng da.

- Hoặc các mẹ có thể giã nát hạt của cây thì là trộn lẫn với dầu dừa và thoa lên da bé, để trong vòng 1 giờ thì tắm lại với nước. Trộn bột gỗ của cây đàn hương với nước hoa hồng, dùng để thoa lên da bé, cũng sẽ nhanh chóng cải thiện tình hình.

Nếu các mẹ có mẹo hay nào giúp trị rôm sảy hiệu quả cho bé, hãy gửi bài chia sẻ với aFamily và các mẹ khác qua địa chỉ email: nuoidaycon@afamily.vn. Bài viết được chọn đăng sẽ được trả nhuận bút hoặc được một phiếu chụp ảnh bé trị giá 500 nghìn đồng.


Chia sẻ