Đăng ký khám sức khỏe công ty, nhìn 1 mục phải kiểm tra thì phát hiện đã mang bầu
Các chị em cũng nên cẩn thận, nếu không sẽ gặp phải những rủi ro không đáng có.
Hàng năm vào khoảng tháng 10-12, công ty chúng tôi thường tổ chức lịch khám định kỳ sức khỏe cho cán bộ nhân viên trong văn phòng. Dịp này hầu hết các anh chị em đều tham gia vì được khám tổng quát miễn phí. Công ty đưa ra một list danh sách các gói khám và yêu cầu mọi người đăng ký theo nhu cầu.
Không xem xét nhiều, tôi đăng ký toàn bộ và một sự việc bất ngờ xảy ra. Đến phần chụp X-quang, bác sĩ đưa cho tôi tờ giấy bệnh nhân buộc phải cam kết, chắc chắn bản thân không mang bầu trước khi thực hiện xét nghiệm này. Trong lòng tôi có chút hoài nghi nên đắn đo không kí.
Bác sĩ lúc này hỏi "Em đã xem kĩ các hạng mục và yêu cầu trước khi khám sức khỏe chưa?" rồi đưa cho tôi tài liệu. Lúc này, nhìn vào hạng mục 9, tôi giật mình, có chút ngại ngùng vì bản thân đã không xem xét kĩ trước khi đăng ký toàn bộ gói khám.
Chuyện là khoảng 3 tuần trước, tôi và chồng có quan hệ nên tôi không chắc chắn là bản thân có thai hay không. Khi thuật lại cho bác sĩ, chị yêu cầu tôi đi thử thai trước khi thực hiện xét nghiệm X-quang để đảm bảo an toàn. Quá ngạc nhiên, que thử thai bất ngờ lên 2 vạch.
Tôi quả là may mắn khi đã kịp thời biết được điều này nhờ tư vấn của bác sĩ và đang háo hức chuẩn bị đón em bé Rồng vàng. Qua chuyện lần này của bản thân, tôi khuyên các chị em nghi ngờ có thai, không chắc chắn việc mình có thai hay không đừng nên lơ là sức khỏe của mình. Hãy đảm bảo tuyệt đối bản thân chưa mang bầu trước khi thực hiện các xét nghiệm có thể gây ảnh hưởng tới thai nhi.
Chụp X-quang gây ảnh hưởng tới thai nhi như thế nào?
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu bà bầu tiếp xúc trực tiếp với tia X lên vùng bụng trong một thời gian ngắn, với mức nhiễm phóng xạ lớn hơn 5rad có thể ảnh hưởng đến em bé trong bụng.
Đối với các trường hợp chụp X-quang các bộ phận như cánh tay, chân, đầu hoặc ngực thì hầu như không gây quá nhiều ảnh hưởng cho thai nhi và mẹ. Tuy nhiên, vẫn có có một số ý kiến cho rằng nếu chụp X-quang trong thời gian mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu thì có thể khiến em bé bị nhẹ cân khi sinh ra.
Trường hợp chụp X-quang ở nửa thân dưới của mẹ, tại các vùng như bụng, xương chậu, lưng dưới, thận... thì nguy cơ tác động đến em bé trong bụng sẽ cao hơn.
Mức độ ảnh hưởng của tia X đến thai nhi
Tia X có thể ảnh hưởng đến thai nhi nếu người mẹ tiến hành chụp X-quang các bộ phận thân dưới, đặc biệt là vùng bụng. Nguy cơ gây hại của tia X cho thai nhi sẽ phụ thuộc vào tuổi thai và mức độ phơi nhiễm phóng xạ.
Trường hợp, người mẹ tiếp xúc với bức xạ liều cực cao trong hai tuần đầu sau khi thụ thai có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai.
Nếu tiếp xúc với bức xạ liều cao từ 2 đến 8 tuần sau khi thụ thai có thể gây hạn chế sự tăng trưởng của thai nhi hoặc gây ra dị tật bẩm sinh.
Phơi nhiễm bức xạ từ giữa tuần thứ 8 và 16 có thể làm tăng nguy cơ bị thiểu năng trí tuệ.
Vì thế, trước khi chụp X-quang, hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang hoặc có thể mang thai. Tùy thuộc vào thời điểm, các bác sĩ có thể trì hoãn việc sử dụng tia X hoặc giảm lượng phóng xạ xuống mức an toàn.
Nếu mẹ lỡ chụp X-quang trước khi biết bản thân mang thai thì sao?
Nếu trường hợp không biết mình mang thai mà lại tiếp nhận một số lượng lớn tia X trực tiếp lên vùng bụng trong thời gian ngắn, hoặc tiến hành điều trị bức xạ phía thân dưới, thì bạn nên thông báo ngay cho bác sĩ phụ trách để họ có thể đưa ra những tư vấn cần thiết nhất.