"Chạy đua" sinh con năm rồng
Thông tin từ một số cơ sở y tế, từ đầu năm đến nay, số cặp vợ chồng đến khám và can thiệp y tế để sinh con năm Giáp Thìn 2024 tăng vọt. Thậm chí, có cặp vợ chồng hiếm muộn đã lâu nhưng vẫn quyết đợi đúng năm “rồng” mới điều trị, can thiệp.
Đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh để khám, một cặp vợ chồng sinh năm 1992 bày tỏ mong muốn được áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để sinh con vào năm Giáp Thìn 2024.
Theo bác sĩ tại bệnh viện này, người vợ đã trải qua 2 lần sinh mổ vào năm 2018 và năm 2022, sinh một bé trai và một bé gái khỏe mạnh. Nhưng sau khi đi xem bói thì hai vợ chồng này quyết định sinh thêm con vào năm "rồng" để tốt cho công việc làm ăn.
Bác sĩ Trần Thu Thủy (Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, ước tính, số ca đến khám tại trung tâm có thời điểm cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói là có những cặp vợ chồng không bị vô sinh, hiếm muộn nhưng vẫn muốn áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản để kịp có con trong năm "rồng".
Ngoài ra, còn có những cặp vợ chồng trẻ có kế hoạch can thiệp hỗ trợ sinh sản để sinh con theo nguyện vọng của gia đình. Những trường hợp này các bác sĩ của trung tâm thường khuyên gia đình để thụ thai tự nhiên trước khi dùng các phương pháp hỗ trợ sinh sản, tránh gây tốn kém.
Bác sĩ Trương Thị Hoàn (Khoa Sản phụ Hiếm muộn, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Việt - Bỉ) cho biết, nếu 2 vợ chồng hoàn toàn bình thường, họ có thể sinh con tự nhiên theo kế hoạch mà không nhất thiết phải can thiệp y tế.
Đối với các cặp chồng vô sinh, hiếm muộn thì việc có một đứa con là niềm hạnh phúc nên sinh được con năm "rồng" hay năm khác cũng không quá quan trọng. Với phụ nữ sau 35 tuổi, khả năng sinh sản giảm đi, tỉ lệ sinh con bị dị tật tăng. Vì vậy, các cặp vợ chồng hiếm muộn cần đi khám sớm để các bác sĩ có thể đưa ra phương án điều trị kịp thời, can thiệp y tế hỗ trợ các cặp đôi sớm đón được con.
"Các cặp vợ chồng cũng nên lưu ý, để làm thụ tinh trong ống nghiệm thì phải có tiêu chuẩn chứ không phải ai cũng được chỉ định làm. Để có một đứa con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, thông thường phải kéo dài hơn 1 tháng so với việc mang thai tự nhiên hay bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Tại thời điểm này, nếu muốn sinh con rồng thì làm thụ tinh trong ống nghiệm cũng không kịp", bác sĩ Trương Thị Hoàn cho biết.
Còn theo bác sĩ Trần Thu Thủy, việc bằng mọi giá để sinh con vào năm "rồng" là không nên. Có con là niềm hạnh phúc của các cặp vợ chồng, cần tuân theo các chỉ định về y tế để đảm bảo sức khỏe của cả người mẹ và em bé trong thai kỳ.
Những cặp vợ chồng chưa có chỉ định thì chưa vội can thiệp sớm. Tốt nhất là có sự chuẩn bị về sức khỏe, kinh tế và tâm lý, thay vì chỉ chọn năm đẹp, ngày đẹp để sinh con. Điều đó có thể gây áp lực rủi ro về sức khỏe, gánh nặng về kinh tế cho bản thân.
Bác sĩ Trần Thu Thủy cho biết, thực tế, có nhiều trường hợp có nhu cầu chọn năm sinh con. Thậm chí, có cặp vợ chồng hiếm muộn đã lâu nhưng vẫn quyết đợi đúng năm "rồng" mới điều trị, can thiệp.
Việc chạy đua sinh con năm "rồng" có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như nhu cầu về tầm soát trước sinh và sau sinh tăng. Quá nhiều đứa trẻ được sinh ra trong một năm cũng khiến nhu cầu nhà trẻ, trường mẫu giáo tăng, gây áp lực cho hệ thống giáo dục ở cả những bậc học sau.