Đang chuyển dạ, sản phụ bất ngờ đau vật vã, bác sĩ vội vã mổ cấp cứu thấy máu tràn khắp ổ bụng
Đang trong quá trình chuyển dạ sinh con, sản phụ bất ngờ bị vỡ gan không rõ nguyên nhân và mất máu quá nhiều khiến thai nhi có dấu hiệu tổn thương não vì thiếu oxy kéo dài.
Trong quá trình chuyển dạ sinh con, các sản phụ phải đối mặt với không ít "cửa tử", đó là những tai biến có thể xảy ra khi sinh nở. Với thai phụ N.T.T (27 tuổi, quê Bình Dương), chị đã thực sự phải đối mặt với một "cửa tử" khi sinh con.
Chuyển dạ khi thai nhi mới được 35,5 tuần tuổi song đó vẫn chưa phải khó khăn nhất sản phụ này phải đối mặt. Khi đang nằm ở khoa Sinh, BV Từ Dũ, sản phụ bất ngờ vật vã, đổ nhiều mồ hôi, than đau bụng, da chuyển sang xanh, nhợt nhạt, tình trạng vô cùng nguy kịch. Sau khi kích hoạt báo động đỏ, BV Từ Dũ phối hợp với các BS từ BV Bình Dân đã cùng cấp cứu thai phụ.
Bệnh viện Từ Dũ, nơi cấp cứu đầu tiên cho sản phụ.
"Khi mở ổ bụng thai phụ, máu tràn khắp nơi. Đây là tình huống chúng tôi chưa bao giờ gặp. Người mẹ lúc này đã rơi vào hôn mê bất tỉnh vì mất một lượng máu rất lớn. Sau khi đưa em bé ra ngoài, thám sát ổ bụng, chúng tôi phát hiện thai phụ vỡ gan khá lớn, diện tích đến 1/3 lá gan" - BS ở BV Từ Dũ kể.
Các bác sĩ vừa khẩn trương khâu gan, vừa bắt em bé từ bụng người mẹ đã ngất đi vì mất 3 lít máu.
Đứa bé ra khỏi bụng mẹ nhưng có dấu hiệu tổn thương não vì thiếu oxy quá lâu.
Ngay sau sinh, em bé có biểu hiện tổn thương não do thiếu oxy kéo dài. Toàn thân tím và co giật liên tục nên đã được hồi sức giúp thở. Cũng từ đây, BS bắt đầu chạy đua với thời gian để chữa trị. Nhận được điện thoại cần hỗ trợ từ BV Từ Dũ, các bác sĩ và điều dưỡng tại khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả trang thiết bị cũng như lên phương án cụ thể.
BS Phan Thị Hồng Phúc, Khoa Hồi sức sơ sinh, cho biết: "Chỉ có một phương pháp duy nhất đó là phương pháp làm lạnh, đây là phương pháp giảm chuyển hóa não giúp não tổn thương phục hồi. Thời gian vàng là ngay trong 6 giờ đầu tiên". Thế là các bác sĩ quyết định liều một phen.
Các bác sĩ dùng phương pháp làm lạnh để cứu bé.
Quá trình làm lạnh bắt đầu chỉ sau vài phút nhập viện, lúc bé mới 2,5 giờ tuổi, cân nặng 2.650 gram. Đây là ca làm lạnh đầu tiên tại bệnh viện Nhi Đồng 2 và đã thành công. Quá trình hạ thân nhiệt và làm ấm trở lại, bệnh nhi được theo dõi liên tục 24/24 từ các bác sĩ và điều dưỡng.
Sau gần 2 tuần, bé đã cử động linh hoạt, bú giỏi, ngủ ngoan và xuất viện trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cha mẹ. Tuy nhiên theo BS Phan Thị Hồng Phúc, quá trình theo dõi đánh giá phát triển tâm thần - vận động cần được tiếp tục trong 5 năm đầu đời.
Bệnh nhi khỏe mạnh trong niềm hân hoan của gia đình và y bác sĩ.
Nhờ sự tận tâm và tinh thần cứu bệnh nhân đến hi vọng cuối cùng, các BS của BV Nhi Đồng 2, BV Từ Dũ và BV Bình Dân đã giúp mẹ con sản phụ vỡ gan qua cơn thập tử nhất sinh kỳ diệu.