Đã có lời giải cho hiện tượng trẻ con "đã ngủ rồi mà cứ đặt xuống là tỉnh như sáo" khiến mẹ nào cũng phát điên

Newben,
Chia sẻ

Trong khoảnh khắc tấm lưng bé bỏng của con vừa chạm chiếc nệm êm ái, đôi mắt con đang mở to tròn nhìn bạn, hệt như đôi mắt của những chú cún ngây thơ.

"Kịch bản" sau đây là một trong những nỗi niềm quen thuộc của bất kì bà mẹ nào: sau những lời hát ầu ơ ngọt ngào, sau những dòng sữa mẹ thơm tho, đứa bé bắt đầu say giấc nồng, ngoan ngoãn nằm trong vòng tay ấm áp của mẹ. Khi đó, mẹ chuẩn bị đặt con xuống nôi để tranh thủ nghỉ ngơi, làm vài việc vặt, hay ít nhất là đi vệ sinh. Mẹ rón rén tiến lại gần nôi, hết sức nhẹ nhàng để không đánh thức con dậy. 

Bằng tốc độ của phim chiếu chậm, chuyển động một cách nhịp nhàng, mẹ cúi sát hơn đến nôi của con, thậm chí không dám thở mạnh. Nhẹ nhàng đặt con xuống, nhưng trong khoảnh khắc tấm lưng bé bỏng của con vừa chạm chiếc nệm êm ái, đôi mắt con đang mở to tròn nhìn bạn, hệt như đôi mắt của những chú cún ngây thơ. Ánh mắt như muốn nói rằng: "Không thể tin được là mẹ đang cố gắng đặt con xuống".

Dat xuong la con thuc 1
Ánh mắt như muốn nói rằng: "Không thể tin được là mẹ đang cố gắng đặt con xuống". (Ảnh: Internet)

Không quan trọng bạn đã cố gắng bao nhiều lần và con ngủ sâu như thế nào, chỉ cần bạn đặt xuống thì con đã mở mắt ra ngây thơ nhìn mẹ. Kịch bản đó cứ lặp đi lặp lại, có khi kéo dài suốt cả buổi.

Đã bao giờ bạn thắc mắc lý do mà bạn và con cứ diễn đi diễn lại "vở kịch" đó chưa? Thực ra, có hai lý do chính dẫn đến việc này.

Đầu tiên, bạn phải hiểu rằng chu kì giấc ngủ của bé hoàn toàn khác với người lớn. Phải mất đến 20 phút trẻ mới đạt được giấc ngủ sâu, nghĩa là chúng hoàn toàn có thể bị đánh thức một cách dễ dàng trước khoảng thời gian này. Nếu bạn cố gắng đặt con xuống quá sớm, đó có thể là một phần của vấn đề. Tuy nhiên, vài bố mẹ cho rằng dù cho họ ôm con trên tay lâu hơn thì tình hình cũng chẳng khá khẩm gì. Vậy thì hãy đến với lý do thứ hai.

Chuyên gia hàng đầu thế giới về việc bố mẹ cùng ngủ với con, Giáo sư James McKenna giải thích: "Trẻ sơ sinh có thiết kế sinh học để cảm nhận được những điều nguy hiểm sẽ xuất hiện như bị tách ra khỏi người chăm sóc. Chúng cảm nhận qua làn da rằng có điều gì đó khác lạ như thiếu mất cái vuốt ve tình cảm của mẹ, nhiệt độ cơ thể mẹ, mùi sữa mẹ, sự dịu dàng trong từng chuyển động của mẹ, ngực mẹ nhấp nhô theo từng hơi thở hay cảm giác được bảo vệ. Trẻ sơ sinh sẽ được cảnh báo rằng mình sắp bị bỏ rơi  và đó là lúc để giữ người chăm sóc lại".

Không giống như não bộ của người lớn, não của trẻ sơ sinh chưa phát triển đủ để nắm bắt rằng chúng là một người độc lập với mẹ (điều này xảy ra đâu đó từ khoảng 6 đến 9 tháng). Chúng chỉ biết rằng cứ khóc thì mẹ sẽ đến và làm an lòng mình. Con bạn không chơi trò nô lệ, dùng chiêu trò hay gì đó để đạt được sự thỏa mãn tạm thời mà đó là trò chơi có tên gọi sống còn. Con vừa đến từ một nơi mà con không bao giờ cảm thấy sợ hãi, đói, lạnh, cảm giác không khí lướt qua cơ thể mình. Đó là một môi trường hoàn hảo, nơi mọi thứ luôn thoải mái. Vì vậy, khi đến nơi lạ lẫm này, phải thay đổi môi trường, con sẽ bị bối rối và sợ hãi với sự thay đổi.

Nếu bạn có đứa con được 2 tháng tuổi, bạn hãy nhớ thật kỹ rằng con mới ra khỏi tử cung được 8 tuần mà thôi. Nhưng không phải chỉ có trẻ sơ sinh mới có cảm giác cần và phải bám lấy mẹ đâu, điều này cũng xảy ra với trẻ chập chững biết đi. Đối với trẻ, chúng sẽ suy nghĩ rằng bạn sẽ rời khỏi và không biết có quay lại hay không, có khi chúng còn cho rằng mẹ sẽ lên tận sao Hỏa.

Dat xuong la con thuc 2
Đối với trẻ, chúng sẽ suy nghĩ rằng bạn sẽ rời khỏi và không biết có quay lại hay không, có khi chúng còn cho rằng mẹ sẽ lên tận sao Hỏa. (Ảnh: Internet)

Não của con chưa đủ phát triển để hiểu cách chúng ta làm. Cho đến lúc đó, bạn cần nhớ rằng, sự đồng cảm, yêu thương và nuôi dưỡng là chìa khóa để giúp con phát triển cảm giác an toàn của sự tự tin, độc lập và lòng tự trọng. 

Đã hiểu được nguyên nhân vậy mẹ nên làm gì khi rơi vào tình huống này?

Rõ ràng bạn không thể thay đổi từ góc độ sinh học nhưng bạn phải hiểu rằng con cần cảm nhận được sự an toàn trong giải đoạn ngắn này của cuộc đời con. Cuộc sống có thể dễ dàng hơn, cả bạn và con sẽ hạnh phúc hơn, khi bạn hiểu được nguyên tắc và tuân theo (không chống lại) rằng trẻ được lập trình cho sự sinh tồn, sống còn của mình. Nếu bạn đặt con xuống và con bắt đầu mở mắt, khóc lóc, bạn sẽ phải an ủi con ngay tại giường của con. 

Nếu điều này vẫn không giúp ích được gì hoặc nếu bé khóc ngày càng to, nghĩa là bé đang rất sợ hãi, cho rằng mình đã bị bỏ rơi hay vào trong tình huống không an toàn. Con cũng sẽ học được rằng điều này có ý nghĩa gì với thế giới hay không. Khóc liệu có kết quả trong việc đảm bảo tình thương của mẹ dành cho mình không? Hay khóc không đem lại kết quả gì vậy thì tại sao phải làm phiền để được giúp đỡ? Bằng cách trao cho con sự thoải mái, bạn đã giúp con học rằng nên trao sự thoải mái, an tâm cho những người đang khóc.

Điều này có thể gây mệt mỏi, áp lực với hàng tá công việc vây quanh nhưng đặt mọi việc trong danh sách phải làm vào trạng thái chờ để ôm ấp con là một giải pháp tốt. Nhận ra con đang sợ hãi chứ không phải "làm trò" là một điều cực kì quan trọng. 

Khi quá áp lực, căng thẳng, bạn hãy tự nhủ rằng đây chỉ là giai đoạn đầu, chỉ là tạm thời và mọi thứ sẽ qua nhanh thôi. Khi con ra khỏi vòng tay an toàn của bạn (điều này sẽ xảy ra nhanh thôi), con sẽ cảm thấy tự tin hơn, có khả năng tự trấn an bản thân. Đây là một bước rất cần thiết. Vài bố mẹ cho rằng họ phát điên lên khi cứ phải ôm con dỗ dành mà không thể làm được gì khác. Nhưng bạn nên hiểu rằng xoa dịu, trấn an bé tức là bạn đã tắt đi hệ thống báo nguy hiểm trong con cả ngày rồi đấy.

(Nguồn: bellybelly)
Chia sẻ