Con ứ thích "đi lớp" đâu!

,
Chia sẻ

Sáng nào, bị mẹ đánh thức dậy để tới lớp mẫu giáo, bé Mít (hơn 3 tuổi) cũng năn nỉ: ‘Mẹ ơi, con không thích đi học đâu. Con muốn ở nhà với ông bà’

Do ông bà nội khỏe mạnh, chăm cháu tốt nên đợi khi con được 3 tuổi, Ánh (mẹ bé Mít) mới đăng ký cho con đi mẫu giáo. Ánh chi sẻ: “Khoảng đầu tháng 9 năm ngoái, cho con nhập học. Ngày đầu tiên, khi rời tay mẹ sang tay cô giáo, cháu gào khóc lớn, miệng không ngừng van xin: ‘Con ngoan rồi, mẹ đừng bỏ con’ khiến cả buổi đi làm, không thoải mái đầu óc”.

Hôm sau, do không đủ “can đảm”, Ánh trao hẳn quyền đưa – đón con cho ông bà. Có khi bà nội thấy cháu khóc quá, không đành lòng, lại ôm cháu về nhà. Ảnh kể tiếp: “Có tuần nghỉ một buổi, nghỉ hai buổi. Phải cương quyết mãi, mới động viên được bà đưa cháu đi học đầy đủ. Thế mà đã mấy tháng trôi qua, cháu vẫn khóc và muốn ở nhà”.

 


Cùng cảnh ngộ, Minh Anh (mẹ bé Sóc) nhận thấy, con gái cũng không mấy hứng thú sau vài tháng đi mẫu giáo. Nếu mẹ có gặng hỏi: “Ở lớp con chơi với bạn nào? Ăn những món gì? Chơi trò chơi gì” thì bé không chịu nói. Bé Sóc cũng không mấy hòa nhập với các bạn. Khi mẹ hỏi tên các bạn trong lớp, bé không trả lời được.

Minh Anh nghe người hàng xóm (cô thuê để đón con) kể rằng, khi đi đón cháu thì cô giáo bảo, bé không tập trung, không thích chơi chung với các bạn, hay bị bạn khác bắt nạt mà không có phản ứng gì, có khi cô giáo hỏi cũng không buồn trả lời… Bé Sóc hơn 2 tuổi nhưng do bà nội về quê, không ai trông giúp, buộc lòng cô phải gửi con ở một lớp gần nhà. Minh Anh biết, cả lớp của con có trên dưới 20 bạn nhưng chỉ có 3-4 cô giáo trông. Lớp được đóng trên tầng 3 của một nhà dân nên có cảm giác con mình bị “nhốt” như “nhốt vịt”. Các cô hối hả dỗ bé này khóc, cho bé kia ăn thì chẳng còn thời gian mà nói chuyện với từng bé.

Vì thế, bình thường bé Sóc đã chậm nói và nhút nhát thì đi lớp tình hình càng tệ hơn. Ở nhà, Minh Anh có đưa con sang nhà người thân thì bé cũng chỉ quanh quẩn bên mẹ hoặc chơi chung với anh (chị) họ mà thật thân thiết. Minh Anh có trao đổi với cô giáo thì cô bảo, không nên quá lo, có thể do bé Mít hòa nhập yếu, rồi từ từ bé sẽ quen. Tuy nhiên, Minh Anh vẫn không thể yên tâm vì nhận thấy con không mấy hứng thú với lớp mẫu giáo.

Tìm hiểu nguyên nhân bé chán đến lớp

Trước tiên, phụ huynh cần xác định độ tuổi bắt đầu cho con “đi lớp”. Các chuyên gia cho rằng, với bé dưới 3 tuổi, do nhu cầu khám phá thế giới xung quanh cao, khả năng hòa nhập còn yếu nên nếu được tương tác với người lớn, được chỉ bảo, trò chuyện tận tình (như ở cùng ông bà) thì tốt cho nhận thức và sự phát triển của bé.

Cho bé “đi lớp” quá sớm có thể khiến bé bị “khủng hoảng” do chưa biết xây dựng các mối quan hệ, do lo lắng bị bố mẹ bỏ rơi… Khoảng 3 tuổi, cho bé “đi lớp” là hợp lý vì giai đoạn này, nhận thức của bé tốt hơn, ngôn ngữ hoàn thiện, môi trường gia đình là không đủ với bé. Khi “đến lớp”, bé học được nhiều điều hay sẽ giúp ích cho bé.

Nguyên nhân thứ hai là dù đủ 3 tuổi nhưng có thể bé được ông bà chiều khi ở nhà; bị bạn ở lớp bắt nạt; bé nhát quá… nên cũng ngại đến lớp. Sự thay đổi môi trường từ gia đình đến lớp học (từ thân thụôc đến xa lạ) khiến một số bé bất an. Có thể do lo lắng quá nên hay bị nôn (ói), mệt mỏi hoặc bị ốm. Để bé thích nghi được, cha mẹ cần kiên trì và khéo léo. Khi ở nhà, hãy nói với con về những điều vui thích ở lớp học, không được lấy lớp để dọa con như: “Con không ăn là mẹ bắt đi lớp đấy”… Chú ý đến giờ giấc đi ngủ của con để buổi sáng, bé được tỉnh táo.

Cha mẹ không được chiều con và cho con nghỉ nhiều ngày. Cách này sẽ khiến bé càng không muốn đi học hơn. Cần tìm hiểu môi trường học, lịch học, những món con ăn, những hoạt động vui chơi ở lớp để sắp xếp lịch sinh hoạt ở nhà không quá khác với ở lớp.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý đến tình cảm và ấn tượng của bé với cô giáo. Nhiều bé ác cảm với lớp do hay bị cô giáo dọa hoặc có hành vi không phù hợp khác. Phụ huynh cũng có thể trao đổi trực tiếp với cô giáo. Cũng có thể giải thích tại sao cô giáo lại làm thế và động viên con để bé không sợ nữa.

Theo Mẹ và bé

Chia sẻ