"Con tự hào vì ba làm nghề xe ôm"
Không biết con đã bao nhiêu lần xấu hổ, không dám nhận ba. Chỉ vì ba làm nghề xe ôm.
Hồi con còn bé tí, con chẳng nhớ rõ ba làm nghề gì. Chỉ biết rằng ba làm nhà máy dệt, to lắm ấy. Mỗi khi có ai hỏi, con lại tự hào mà khoe rằng: “Ba tớ làm ở cái nhà máy to nhất thành phố này”.
Nhà mình nghèo quá, con chả có quần áo, búp bê đẹp để khoe với bạn bè. Niềm tự hào duy nhất để con lên mặt với bạn bè chỉ có ba mà thôi. Con vẫn thường nói với mấy đứa bạn cùng khu: “Ba tớ có phòng làm việc to lắm, nên hỏi gì ba tớ cũng biết”. Mà đúng thật, con hỏi gì ba cũng biết. Từ việc giải bài toán sao đến chuyện chành choẹ với mấy đứa con nít.
Nhưng rồi nhà máy của ba sản xuất trì trệ. Con nhớ mang máng hình như ba là công nhân, phải nghỉ hưu sớm. Với dáng dấp hiền lành, đáng tin cậy, mẹ xui ba làm xe ôm. Chẳng gì cũng kiếm được tiền, nhanh và nhiều, không phải học nghề khác. Tuổi của ba liệu có học nổi không, còn lấy đâu ra tiền mà học.
Thế là ba chính thức chuyển sang nghề xe ôm. Đó cũng là lúc con bắt đầu xấu hổ, ít giao tiếp với bạn bè, cũng ít dám lên mặt với chúng bạn hơn, không còn khoe cái điệp khúc: “Ba tớ có cái phòng làm việc to lắm...”.
Con học ngành báo chí. Được đăng nhiều bài báo. Cũng là nhờ những câu chuyện, những điều ba kể khi làm xe ôm. Con tự hào với bạn bè về những bài báo được đăng. Nhưng vẫn phủ nhận về nghề xe ôm của ba.
Một lần ở nhà buổi sáng, con thấy một bác đi xe ô tô, mang rất nhiều quà đến nhà mình. Lại gần, con biết bác đó là một giám đốc công ty tầm cỡ mà đã có lần con phỏng vấn. Con ngạc nhiên lắm.
Chỉ thấy bác mừng mừng, chạy lại phía ba, chỉ kịp nói: “Cám ơn ông. Ông chính là ân nhân đã cứu mạng vợ tôi. Nếu hôm qua ông không chở vợ tôi đi viện kịp thời, thì chắc đã muộn...”.
Lúc này, con thật sự giận mình. Vì những suy nghĩ nông cạn, vì những suy nghĩ và hành động sai lầm với ba. Con bật khóc và nhận ra rằng: "Nghề nào cũng đáng quý và trân trọng. Chỉ cần đó là nghề lương thiện".