Những việc cha mẹ cần làm gì khi trẻ có dấu hiệu thay răng sữa

Hướng Dương HT,
Chia sẻ

Để con có hàm răng đều và sở hữu nụ cười "tỏa nắng", cha mẹ cần theo dõi sát sao quá trình trẻ thay răng sữa.

Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, Tăng Thanh Hà gây chú ý khi chia sẻ đoạn hội thoại giữa cô với con trai. Theo đó, cậu bé hoang mang nói với mẹ về dịch bệnh ở trường. Nhưng khi nghe xong, Tăng Thanh Hà phải phì cười:

"Sáng thứ 7:

Riki: Mẹ ơi lớp 2 trường con đang có dịch bệnh đó mẹ.

Mẹ: Dịch bệnh gì?

Riki: Bệnh sún răng, đứa nào cũng sún răng hết. Đứa nào cũng vừa học vừa lung lay cái răng hết đó mẹ.

Mẹ: uhm hồi xưa mẹ học lớp 2 trường mẹ cũng có dịch sún răng".

Con trai thông báo trường có dịch lạ, Tăng Thanh Hà nghe xong thì phì cười - Ảnh 1.

Hóa ra dịch bệnh khiến cho con trai đầu lòng của Tăng Thanh Hà - Richard Nguyễn lo lắng lại là sún răng. Thấy bạn bè xung quanh ai cũng bị rụng răng, hoặc răng lung lay (đây là quá trình hết sức bình thường khi trẻ thay răng), cậu bé hiểu lầm đó là dịch bệnh và vội vàng thông báo cho mẹ. Trẻ con ngây thơ và những lầm tưởng của chúng thật dễ thương khiến người lớn không thể không cười.

Được biết con trai đầu lòng của Hà Tăng rất giàu tình cảm và hài hước. Đây không phải lần đầu cậu có những thông báo hay câu hỏi ngô nghê dành cho mẹ. Những lúc này bà mẹ 3 con thường nhẹ nhàng chỉ cho cậu bé những kiến thức bổ ích để con mở rộng vốn hiểu biết của mình.

Con trai thông báo trường có dịch lạ, Tăng Thanh Hà nghe xong thì phì cười - Ảnh 2.

Để con có hàm răng đều và sở hữu nụ cười "tỏa nắng", cha mẹ cần theo dõi sát sao quá trình trẻ thay răng sữa, từ đó có biện pháp can thiệp đúng cách và kịp thời. Nếu bé có những hiểu lầm giống như con trai Tăng Thanh Hà, mẹ hãy giải thích để bé biết và có ý thức bảo vệ hàm răng của mình.

Con bắt đầu mọc răng sữa vào khoảng 6 tháng tuổi. Đến khoảng 3 tuổi, bé sẽ có đủ 20 chiếc răng sữa gồm: 4 răng cửa giữa, 4 răng cửa bên, 4 răng nanh và 8 răng hàm. Khi bước sang tuổi thứ 6, hoặc sớm hơn 1 chút, con bắt đầu thay răng sữa thành răng vĩnh viễn. Đa phần, các bé gái sẽ thay răng sớm hơn các bé trai và chiếc răng đầu tiên được thay thường là răng cửa hàm dưới.

Trẻ em sẽ thay hết 20 chiếc răng sữa theo thứ tự sau:

- 2 răng cửa giữa hàm dưới: 6 đến 7 tuổi.

- 2 răng cửa giữa hàm trên: 6 đến 7 tuổi.

- 2 răng cửa bên hàm trên: 7 đến 8 tuổi.

- 2 răng cửa bên hàm dưới: 7 đến 8 tuổi.

- 2 răng hàm trên thứ nhất: 9 đến 11 tuổi.

- 2 răng hàm dưới thứ nhất: 9 đến 11 tuổi.

- 2 răng nanh trên: 10 đến 12 tuổi.

- 2 răng nanh dưới: 9 đến 12 tuổi.

- 2 răng hàm dưới thứ hai: 10 đến 12 tuổi.

- 2 răng hàm trên thứ hai: 10 đến 12 tuổi.

Mẹ cần làm gì khi trẻ có dấu hiệu thay răng sữa?

Không nên nhổ răng sữa quá sớm hoặc quá muộn. Khi răng trẻ lung lay, mẹ cần đợi thời điểm thích hợp. Bởi:

- Nhổ răng sữa quá sớm: ảnh hưởng đến khả năng nhai của bé, làm mềm xương hàm, khiến lợi không phát triển, làm cho trẻ chậm mọc răng vĩnh viễn.

- Nhổ răng sữa quá trễ: răng vĩnh viễn sẽ không có chỗ để phát triển, có thể dẫn đến tình trạng răng mọc lệch, chen chúc.

Đa phần, sau một thời gian lung lay, răng sữa sẽ dễ dàng rụng khi có tác động nhẹ. Khi đó, cha mẹ có thể tự nhổ răng sữa cho bé tại nhà bằng cách áp dụng những phương pháp nhổ răng sữa đúng đắn. Với những chiếc răng "cứng đầu", lung lay mãi không chịu rụng mẹ cần cho con đến nha khoa để bác sĩ can thiệp.

Con trai thông báo trường có dịch lạ, Tăng Thanh Hà nghe xong thì phì cười - Ảnh 3.

Tăng Thanh Hà luôn vui vẻ dạy con trai những điều mới mẻ để bé tăng vốn sống.

Chăm sóc trẻ ở độ tuổi thay răng như thế nào?

- Cha mẹ cần hướng dẫn, nhắc nhở trẻ vệ sinh răng miệng cẩn thận 2 lần mỗi ngày. Hướng dẫn trẻ dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa dính vào kẽ răng, ngăn ngừa các bệnh về nướu.

- Cho trẻ đi khám răng định kỳ theo lịch hẹn của nha sĩ.

- Chườm lạnh hoặc dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ để giảm đau cho bé khi răng lung lay gây đau.

- Tránh cho trẻ ăn những món không tốt cho răng như thức ăn có kết cấu cứng, lạnh, nóng… những món có nhiều đường, nước ngọt có ga… Hạn chế cho trẻ nô nghịch quá đà, tránh việc con ngã làm hàm răng va chạm mạnh xuống nền đất, gây hiện tượng mẻ răng, gãy răng...

- Quan sát và loại bỏ một số thói quen có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của răng như mút tay, nghiến răng, lấy lưỡi đẩy vào răng, chống cằm… Những thói quen này có thể khiến răng hô, răng mọc lệch, răng mọc chen chúc hoặc quá thưa, răng hàm trên không khớp với hàm dưới.

Chia sẻ