Con quấy khóc không chịu ngủ, mẹ ra sức dỗ dành mà không biết hành động của mình lại khiến con co giật, tím tái
Biết là có hại cho trẻ sơ sinh nhưng mỗi khi bé khóc, người lớn vẫn dỗ dành trẻ bằng cách này.
Sự ra đời của một em bé với mỗi gia đình vừa là khởi đầu hạnh phúc, vừa là gánh nặng ngọt ngào. Đặc biệt trong 1 năm đầu đời, những vất vả khi nuôi dạy con là điều ai đã có con cũng được nếm trải. Nhất là những người lần đầu làm cha mẹ, không hiếm bố mẹ đã phạm phải những sai lầm khi nuôi dạy con. Thậm chí, ngay từ việc bế con, tưởng là bản năng và là việc dễ dàng nhất bố mẹ nào cũng làm được nhưng vẫn có người đã bế con sai cách có hại cho sức khỏe của bé.
Hoàn Hoàn là bà mẹ mới sinh em bé, đứa con bé bỏng đầu lòng của cô mới chỉ vừa đầy tháng. Tuy nhiên, 2 ngày nay bé khóc rất nhiều, đặc biệt là trước khi đi ngủ vào ban đêm. Con quấy khóc quá nhiều khiến cô luôn phải bế con dỗ dành đến 1 - 2 tiếng bé mới dịu đi.
Nhưng khi thấy con đã ngủ ngon, cô nhẹ nhàng đặt bé lên giường, bé liền thức dậy ngay lập tức. Việc này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm khiến cô chẳng còn chút sức lực nào, người mệt mỏi vì thiếu ngủ và vô cùng stress.
Đã mấy ngày trôi qua tình trạng quấy khóc của con không những không thuyên giảm mà còn tăng lên. Mỗi ngày, bà mẹ trẻ Hoàn Hoàn phải bế dỗ con ngủ nhiều hơn, cô rã rời cả cánh tay. Và như biết càng khóc thì càng được mẹ dỗ dành, bế ẵm nên thời gian khóc của đứa trẻ lại tăng lên. Không còn cách nào khác, cô chuyển đổi hết tư thế này đến tư thế khác để dỗ con. Khi thì đứng dậy đi khắp nhà, khi thì bế đứng, khi thì đung đưa và khi quá mệt mỏi, cô sẽ rung lắc mạnh để con mau nín khóc mà ngủ để cô được nghỉ ngơi.
Sợ đặt con xuống sẽ lại thức giấc nên Hoàn Hoàn cứ thế ôm con ngủ trên tay. Rồi như một thói quen cô vừa bế vừa rung lắc con không ngừng. Đứa bé cũng thành quen, hễ mẹ dừng tay lại tỉnh giấc và khóc.
Một ngày, Hoàn Hoàn bế con ngủ như mọi ngày nhưng đột nhiên bé co giật, mặt tím tái và phun hết sữa đã bú ra. Hốt hoảng, cô ôm con đi bệnh viện. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, bác sĩ chẩn đoán em bé bị mắc hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh, điều đó có nghĩa là việc rung lắc dỗ con hàng ngày của Hoàn Hoàn đã vô tình làm hại con mà cô không hay biết.
Bác sĩ cũng nói rằng có chất lỏng trong não cần được dẫn lưu càng sớm càng tốt để bé mau khỏe lại. Nhờ đưa vào viện sớm nên con của Hoàn Hoàn đã hồi phục nhanh chóng mà không gặp nhiều nguy hiểm.
Trên thực tế, hiện nay vẫn có ông bà, cha mẹ mắc phải sai lầm tương tự như bà mẹ Hoàn Hoàn kể trên. Bình thường, họ chỉ bế con đung đưa nhẹ, vỗ về êm ái, nhưng khi con quấy khóc nhiều, một số người chăm sóc trẻ đã không giữ được kiên nhẫn và bình tĩnh, vô tình rung lắc mạnh dần lên.
Trẻ sơ sinh còn non nớt, cơ cổ còn yếu, khi rung lắc mạnh, đầu trẻ sẽ di chuyển không thể kiểm soát, từ đó làm não va đập bên trong hộp sọ dẫn đến bị tổn thương. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó sẽ làm bầm tím, sưng tấy, chảy máu não của bé và thậm chí ảnh hưởng đến trí thông minh của bé sau này.
Vì thế, điều quan trọng khi chăm sóc trẻ sơ sinh là tuyệt đối không bao giờ được rung lắc trẻ.
Nếu trẻ quấy khóc, không ngủ, bố mẹ có thể áp dụng những cách sau:
1. Tìm lý do con khóc
Trẻ thường khóc vì một lý do nào đó. Trước khi tìm cách dỗ bé khóc, bố mẹ nên tìm hiểu xem vì sao con khóc. Nếu khóc vì đói thì bố mẹ nên nhanh chóng cho bé ăn, và nếu là do bỉm ướt, bé cần được thay bỉm ngay. Mặc dù trẻ sơ sinh không thể sử dụng ngôn ngữ để nói cho cha mẹ về sự khó chịu của bản thân, nhưng em bé sẽ sử dụng tiếng khóc để nhắc nhở cha mẹ về nhu cầu mình cần, vì vậy cha mẹ chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của bé mới xoa dịu được tiếng khóc của con.
2. Vỗ lưng
Trong trường hợp bé khóc vì thấy bất an, khóc vì ra tín hiệu muốn đi ngủ... lúc này cha mẹ hãy bế con lên và từ từ vỗ về nhẹ vào lưng bé, kết hợp với ngân nga một số bài hát ru. Hành động này tạo môi trường ngủ ấm áp và thoải mái cho bé, cảm giác bất an của bé có thể từ từ biến mất, cuối cùng, bé sẽ chìm vào giấc ngủ yên bình.
3. Đi đi lại lại
Khi bé khóc, bố mẹ cũng có thể bế con và đi lại trong phòng, nhưng nhớ đừng rung lắc bé.
Phương pháp đi đi lại lại có thể khiến bé cảm thấy rất thư giãn, và bé cũng sẽ nhìn thấy những khung cảnh khác nhau khi chưa ngủ, vì vậy bé sẽ ngừng khóc ngay lập tức. Nếu bé buồn ngủ, ôm bé đi lại nhẹ nhàng cũng là cách ru ngủ hiệu quả.
4. Chuyển hướng sự chú ý
Khi bé khóc, cha mẹ cũng có thể cố gắng chuyển hướng sự chú ý của bé, ví dụ, sử dụng một số đồ chơi âm thanh nhỏ để thu hút bé, bế bé ra không gian khác, đưa cho bé một món đồ bắt mắt, bật cho bé nghe một bài hát thú vị...
Sau khi thay đổi sự chú ý của bé, bé sẽ quên đi tâm trạng không vui và ngừng khóc ngay lập tức.