Con ở nhà hư hỏng, nhưng ra ngoài mẹ vẫn khoe con ngoan và tài giỏi - Kiểu phụ huynh này thật đáng thương vì họ quá khổ tâm rồi!
Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy có nhiều điều ẩn chứa đằng sau những lời khắt khe đó.
Có một kiểu phụ huynh thường bị hiểu nhầm là "khoe con quá đà". Con mình ở nhà thì bướng bỉnh, cãi lời, học hành chẳng tập trung, nói một câu phải nhắc ba lần, làm gì cũng ẩu. Ấy vậy mà ra ngoài, mẹ vẫn mỉm cười dịu dàng mà bảo với mọi người rằng: "Cháu ngoan lắm, học giỏi lắm, tự lập từ nhỏ luôn". Nghe qua thì tưởng là đang tâng bốc, nhưng nếu lắng lại một chút, mới thấy đó là một kiểu "che đậy" rất đỗi khổ tâm – của những người làm cha làm mẹ.
Không ai hiểu rõ con cái bằng cha mẹ. Cái bướng bỉnh, cái vụng về, cái thiếu chín chắn của một đứa trẻ – cha mẹ thấy hết. Nhưng khi ra ngoài, họ lại chọn cách giấu đi những điều ấy. Không phải vì muốn giả vờ hoàn hảo. Không phải vì muốn biến con thành tấm gương mẫu mực trong mắt người đời. Mà vì sâu trong lòng họ có một thứ cảm xúc vừa mâu thuẫn vừa dai dẳng: tự trách và bảo vệ .
Tự trách vì không thể dạy con tốt như mong đợi. Không ít đêm, người làm cha làm mẹ ấy nằm trằn trọc, nghĩ về những lần quát con, về điểm số trên bài kiểm tra, về ánh mắt thờ ơ hay cộc cằn của đứa trẻ từng rất ngoan hồi nhỏ. "Là do mình quá bận rộn chăng? Là do mình thiếu kiên nhẫn, hay là vì mình không đủ nghiêm khắc từ đầu?" – những câu hỏi không lời đáp cứ lặp đi lặp lại như một hình thức tự vấn.

Phụ huynh kiểu này đang muốn bảo vệ con
Nhưng đồng thời, họ cũng đang bảo vệ con theo cách rất bản năng. Họ không muốn để con mình trở thành đề tài bàn tán của hàng xóm, là "đứa bé lười học", "đứa khó bảo", "con ông A bà B mà vậy đó". Vì họ biết, một lời nói bâng quơ của người ngoài đôi khi đủ để làm tổn thương lòng tự trọng non nớt của một đứa trẻ, khiến nó thu mình lại hoặc phản ứng tiêu cực. Thay vì phơi bày hết những khuyết điểm của con, họ chọn cách giữ lại tất cả ở trong nhà – chấp nhận con "hư với mẹ", miễn là khi bước ra ngoài, con vẫn được tôn trọng.
Người mẹ ấy có thể vừa tức giận con đến phát khóc, vừa quay sang hàng xóm mà cười bảo: "Nó cũng biết giúp mẹ nấu cơm đấy, giỏi lắm!" – chỉ để hàng xóm đừng nhìn con bằng ánh mắt phán xét. Có khi chị lướt Facebook thấy bạn bè khoe con thi học sinh giỏi, lòng chùng xuống vì con mình chẳng có gì để "khoe", nhưng rồi vẫn gắng gõ vài dòng tích cực, để con không thấy mẹ buồn vì mình. Đó là một nỗi cô đơn thầm lặng – khi vừa phải gồng lên làm điểm tựa cho con, vừa che chắn hết mọi va vấp mà con có thể gây ra.
Có người cho rằng đó là ngụy biện, rằng cha mẹ như vậy đang nuôi dưỡng ảo tưởng cho con, không dám đối diện sự thật. Nhưng có lẽ, ai từng làm cha mẹ mới hiểu được, việc luôn phải nhìn thấy phần "chưa tốt" của con trong đời sống thường nhật đã đủ mệt mỏi đến mức, họ cần một niềm tin – dù nhỏ bé – rằng con vẫn còn điểm sáng.
Đôi khi, lời khen kia không hẳn là dành cho con, mà là cho chính bản thân họ: một nỗ lực không bỏ cuộc, một niềm hy vọng rằng con sẽ trưởng thành, rằng rồi một ngày con sẽ "ngoan và giỏi" như chính những gì mẹ từng nói.

Họ luôn cố gắng nhìn nhận những điểm tích cực của con
Tất nhiên, sự che đậy ấy không nên trở thành lối sống phủ nhận thực tế. Một đứa trẻ có hành vi chưa đúng thì cần được điều chỉnh, có vấn đề trong học hành thì cần được hỗ trợ. Nhưng hãy hiểu rằng, trong giai đoạn con cái đang lớn lên – đầy mâu thuẫn và chông chênh – sự kiên nhẫn và bao dung của cha mẹ đôi khi mang hình dạng của những lời khen lặng lẽ. Đó là cách họ giữ cho mối quan hệ với con không bị tổn thương, giữ cho con một cơ hội để tự nhìn lại mình mà không bị áp lực từ ánh nhìn người khác.
Nên nếu bạn từng nghe một người mẹ nói về đứa con "ngoan và tài giỏi" của mình, trong khi bạn biết đứa bé ấy vẫn còn nhiều điều cần uốn nắn thì đừng vội mỉm cười chê bai hay cho rằng đó là "sống ảo". Có thể sau cánh cửa khép kín kia là một người mẹ đang âm thầm học cách đồng hành cùng con, thất vọng có, tức giận có, nhưng chưa bao giờ ngừng thương và chưa từng thôi hy vọng.
Theo 163.com