Con nổi chấm xuất huyết trên da, tưởng do trời nóng nhưng mẹ choáng khi nhận kết quả sau khi khám
Đưa con đi xét nghiệm máu sau khi cơ thể bé nổi những nốt li ti, bà mẹ trẻ choáng vì kết quả.
Chị Thu Hương (sống tại Hà Nội) luôn có thói quen kiểm tra toàn bộ cơ thể con trước khi đi ngủ để xem bé có mọc nốt gì bất thường hay không. Vào một hôm, khi thay đồ cho con, chị phát hiện trên tay, bàn chân bé có những chấm xuất huyết bé như đầu kim lấm tấm trên da. Bé không sốt, không quấy khóc, ngủ ngoan như bình thường và mọi người bảo rằng do con nóng quá nên nổi nốt thôi.
Tuy nhiên, do lo lắng nên chị Hương vẫn quyết định đưa bé đi khám. Kết quả xét nghiệm máu chỉ số tiểu cầu của bé về ngưỡng khá thấp là 26 (mức chuẩn của em bé thông thường là 150 - 450). Lúc này, bà mẹ 3 con quá ngỡ ngàng, không thể tin vào mắt mình. Ngay lập tức, chị cho con nhập viện, tiêm mũi tăng tiểu cầu, 4 ngày sau khi xét nghiệm lại, chỉ số tiểu cầu của con đã lên 190.
Nhưng chỉ 4 ngày sau, bé bị xuất huyết lại, tiểu cầu giảm chỉ còn mức 11. Sau nhiều xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán con chị Hương bị nhiễm CMV suy giảm miễn dịch (một loại bệnh truyền nhiễm), phác đồ điều trị kháng virus từ 14-21 ngày.
Lúc này, bác sĩ có gợi ý về mũi tiêm IVIg (Liệu pháp IVIg có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch, giúp các bệnh nhân mắc các bệnh thần kinh, tự miễn do vi rút, vi khuẩn có khả năng xâm nhập vào hệ thần kinh chống lại bệnh tật, duy trì sức khỏe ổn định) có giá tùy thuộc vào cân nặng của bé.
Sau khi tiêm, con trai chị Hương hồng hào hơn, vết xuất huyết cơ bản hết và mờ dần. Sau 2 ngày xét nghiệm, chỉ số tiểu cầu lên 280 và được về nhà. Tiếp tục theo dõi 2 tháng thì tiểu cầu của con tăng dần dần và giờ con gần 15 tháng thì trộm vía gần đây nhất mẹ kiểm tra là 380.
2 mẹ con cùng nhau "chiến đấu" trong bệnh viện.
Qua sự việc của con, chị Hương chia sẻ: "Con mình được chẩn đoán là mắc xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Bệnh này rất nguy hiểm, có khả năng dẫn tới xuất huyết não, phù nách, men gan cao bất thường, nếu bị chảy máu rất khó cầm máu và rất nhiều biến chứng khác nữa, thế nên khi con có dấu hiệu xuất huyết bố mẹ đừng chủ quan. Phát hiện càng sớm thì điều trị càng thuận lợi.
Hiện tại, sau gần 1 năm, tiểu cầu của em bé đã ở mức ổn định.
Hy vọng chút chia sẻ của mình có thể giúp các mẹ có thêm một chút hiểu biết về bệnh này, mong các con không bé nào mắc phải. Nếu bệnh này chỉ cấp tính là may chứ không may thể mãn tính thì việc chữa trị sẽ rất mệt. Nếu có nghi ngờ con bị giống bé nhà mình hy vọng các mẹ bình tĩnh, việc cần thiết nhất là hạn chế vận động, tránh rung lắc nhiều vì nếu tiểu cầu xuống thấp quá, rung lắc hay để con vận động mạnh quá nguy cơ xuất huyết não rất cao, xét nghiệm máu cho con và theo dõi con theo đúng chỉ định".
Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh gì?
Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ 2-9 tuổi. Các trạng thái biểu hiện xuất huyết giảm tiểu cầu như xuất huyết da, niêm mạc, nội tạng, xuất huyết não.
Biểu hiện thường gặp của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em
- Xuất huyết dưới da: Khi trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu da sẽ có dạng chấm nhỏ li ti như muỗi đốt, hoặc thành từng đám hay các mảng bầm có thể xuất hiện rải rác ở tay, chân hoặc lan rộng khắp cơ thể trẻ.
- Xuất huyết niêm mạc: Trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu sẽ khiến lớp niêm mạc mũi, miệng bị tổn thương, do đó gây tình trạng chảy máu mũi, chảy máu chân răng.
- Xuất huyết nội tạng: Trẻ bị đi ngoài ra máu có thể là biểu hiện của xuất huyết nội tạng do bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu gây ra. Khi đó trẻ đã bị xuất huyết giảm tiểu cầu ở mức độ nặng.
- Xuất huyết não: Đây là tình trạng nguy hiểm nhất của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu với biểu hiện xuất huyết ở não. Tuy nhiên trường hợp này chiếm tỷ lệ thấp chỉ khoảng 1.00% trong các biểu hiện của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu.
Nguyên nhân trẻ mắc bệnh
- Do yếu tố bẩm sinh, di truyền hoặc trẻ đang mắc phải các bệnh như suy tủy, xâm lấn tủy. Để có thể xác định chính xác nguyên nhân này cần xét nghiệm tủy đồ.
- Trẻ bị nhiễm virus, vi trùng: các bệnh nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng huyết, nhiễm ký sinh trùng (sốt rét, …), nhiễm siêu vi trùng (cúm, sởi, quai bị...) có thể gây xuất huyết giảm tiểu cầu với biểu hiện phổ biến nhất là xuất huyết da.
- Trẻ bị nhiễm các bệnh tự miễn tăng hủy tiểu cầu như: viêm nút động mạch, viêm đa khớp dạng thấp, bướu máu, …
- Ngoài ra bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ nhỏ có thể do sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm sau chủng ngừa.
- Bên cạnh đó cũng có rất nhiều trường hợp xuất huyết giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân. Hay còn gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
Ba mẹ cần nhận biết các dấu hiệu của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu và sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chẩn đoán và có biện pháp điều trị tốt nhất.