"Con nhà nòi" nứt mắt đã làm kinh doanh
"Bố ơi, tuần này con kiếm được 50 nghìn bố ạ. Khởi đầu thế đã được chưa hả bố?". Anh Mạnh rời mắt khỏi tờ báo, nhìn con gật gù.
Ngay từ nhỏ, Mai đã được bố mẹ giải thích về ý nghĩa đồng tiền, rằng việc kiếm tiền không đơn giản, chỉ có lao động chân chính mới kiếm ra đồng tiền trong sạch, phải biết quý trọng đồng tiền, tôn trọng sức lao động của mình và người khác...
Vốn là dân kinh doanh, vợ chồng anh Mạnh rất giỏi trong việc kiếm tiền, nhưng chưa bao giờ cả hai áp đặt Mai phải theo con đường của mình, cũng không bao giờ cho phép Mai ỉ thế có tiền mà kiêu ngạo.
Khi Mai học lớp 7, một lần, Mai hỏi bố: "Con muốn làm kinh doanh được không bố?". Khi bố hỏi, Mai trả lời rất tự tin: "Con chỉ làm kinh doanh nhỏ từ những gì đã có. Đó là sách, báo, truyện cũ của con. Rất nhiều bạn ở lớp không có những cuốn sách, báo, truyện mà con có nhưng con không thể cho tất cả các bạn mượn được vì các bạn sẽ không có ý thức giữ gìn. Con muốn có tiền để mua sách truyện mới nhưng không muốn xin bố mẹ. Con sẽ bán giá rẻ hoặc cho thuê để các bạn đọc xong lại trả con. Giá rẻ thôi ạ".
Sợ con mải mê kiếm tiền mà quên việc học, mẹ Mai không đồng ý, nhưng anh Mạnh lại khuyến khích con. Anh đặt ra quy định cho con: Việc "kinh doanh" chỉ được thực hiện vào thứ 7 và sáng chủ nhật, thời gian khác còn lo cho việc học. Việc cho bạn mượn, thuê hay bán lại phải có quy định rõ ràng, tránh tranh chấp mất tình đoàn kết bạn bè... Thời gian thử thách cho Mai là 1 tháng, sau 1 tháng nếu tình hình học tập đi xuống, Mai sẽ phải dừng việc “buôn bán” lại và tập trung vào học.
Vợ chồng anh Hoàng có vẻ rất hài lòng vì cho dù bận bịu tính toán sách báo, tiền bạc nhưng mai vẫn không để điểm số tụt lùi chút nào. Trái lại, Mai còn được các bạn rất quý.
Hơn một tháng sau, Mai hùng hồn tuyên bố "chuyển hình thức kinh doanh". Ngạc nhiên vì "công việc làm ăn" đang thuận lợi mà con gái tuyên bố từ bỏ, anh Mạnh chăm chú nghe con gái giải thích: "Việc kinh doanh sách, báo, truyện ngày càng khó khăn vì có nhiều bạn cũng bắt chước làm theo. Con sẽ chuyển sang bán thứ khác".
“Dự án kinh doanh khác” của Mai là chuyển sang bán kẹp tóc cho các bạn. Mai không xin tiền của bố mẹ mà dùng chính tiền thu được từ bán sách, báo cũ để kinh doanh. Mai mua thêm kẹp tóc mới, cộng với số kẹp tóc cũ do bố mẹ mua cho từ những lần đi công tác để bán với giá rất… hữu nghị cho các bạn. Nhưng lần này, mọi việc không thuận lợi như lần trước. Hầu hết kẹp tóc của Mai đều là hàng xịn, đẹp nên giá cũng khá cao so với khả năng của các bạn. “Hàng” bị ế ẩm, Mai có vẻ lúng túng.
Lúc này anh Mạnh mới “vào cuộc”. Anh khuyên con nên giảm giá, kèm khuyến mại đối với chỗ kẹp tóc đang ế ẩm. Và tốt nhất từ lần sau nên chọn những loại kẹp tóc phù hợp với khả năng mua của các bạn, vì muốn kinh doanh thuận lợi phải nắm được đúng đối tượng khách hàng mình hướng tới.
Không phải đứa trẻ nào cũng mạnh bạo, dám nghĩ dám làm như Mai khi mới ở độ tuổi ấy. Nhưng sở dĩ Mai thành công bước đầu như vậy là nhờ sự ủng hộ, khuyến khích và chia sẻ của bố mẹ. Thay vì làm mọi thứ cho con, bố mẹ Mai không can thiệp quá sâu, chỉ đứng ngoài quan sát và giúp đỡ khi cần thiết. Bố mẹ cũng dạy Mai rằng thành công hay thất bại ở giai đoạn này không quan trọng, điều quan trọng là Mai học được nhiều kinh nghiệm, cách tìm kiếm cơ hội, cách ứng biến khi gặp khó khăn… Tuy nhiên nhiệm vụ chính vẫn là học tập.
Dạy con cách tìm kiếm cơ hội và hành động sẽ trực tiếp góp phần vào mức độ thành công của con trong tương lai.