Con ơi, kiếm tiền đi!

HN,
Chia sẻ

Hai năm trôi qua, Bí đỏ đã 11 tuổi. Công việc dành cho cậu bé 11 tuổi cũng nhiều hơn so với hồi 9 tuổi và đòi hỏi cũng cao hơn, nhưng Bí đỏ không lấy làm khó chịu.

Sau 3 năm đi công tác nước ngoài về, anh Thành quá ngỡ ngàng về cậu con trai 8 tuổi của mình. Không phải anh ngạc nhiên vì con quá lớn so với hồi anh đi, hay anh ngạc nhiên về sự thông minh của con mà anh không thể ngờ đến cái kiểu mè nheo của con và cái cách mà vợ anh chiều con, đáp ứng những đòi hỏi của nó.

Ra nước ngoài làm việc theo sự chỉ định của cấp trên, anh Thành đi từ khi Bí đỏ mới 5 tuổi. Anh biết đi lúc này tức là để lại gánh nặng nuôi con lên vai vợ anh, thằng bé sắp vào lớp 1, tức là ccos bao điều phải lo lắng và quan tâm. Nhưng vì công việc, vì cả gia đình, lại được sự động viên của vợ, anh không thể không đi. Anh đi với lời nhắn nhủ vợ chăm sóc con thật tốt, bù đắp cho con khi con thiếu bố và lời hứa khi nào về sẽ bù đắp cho cả hai mẹ con.

Ba năm, anh chỉ về thăm nhà có 2 lần, mỗi lần nửa tháng, chưa đủ để anh quen lại với cuộc sống đang chỉ có hai mẹ con. Nay về hẳn nhà, anh lại dần làm quen với cuộc sống mới, nhất là cuộc sống của con trai anh.
 
 
 
Đúng là vợ anh chăm con rất khéo, thằng bé bụ bẫm, nhìn rất đáng yêu và có vẻ rất ngoan. Nhưng anh Thành không thể ngờ rằng, cái mà vợ anh gọi là bù đắp cho con khi thiếu bố chính là đáp ứng mọi yêu cầu, đòi hỏi của con, cho dù chị thấy rõ ràng những thứ con đòi là không cần thiết.

- Mẹ ơi, con muốn mua bộ đồ chơi điện tử mới, mẹ mua cho con nhé.
 
- Mẹ mới mua cho con hôm trước một bộ rồi, sao giờ còn đòi mua nữa?

- Con chơi hỏng rồi ạ. Mai mẹ mua cho con nhé.

- Mẹ chưa có lương, mấy hôm nữa mẹ mua.


- Mẹ ơi mẹ có lương chưa?

- Mẹ có rồi.

- Mẹ mua bộ đồ chơi điện tử cho con chưa?

- Mẹ quên mất rồi. Để mẹ đưa con đi mua nào.

Nói rồi hai mẹ con chở nhau đi mua đồ chơi, anh Thành đứng nhìn theo mà không hiểu tại sao vợ lại dễ dàng chấp thuận đề nghị của con trai đến vậy. Anh nhớ, ba năm làm việc bên nước bạn, anh được tiếp xúc với trẻ con nước ngoài cũng nhiều, và anh không thấy đứa nào cứ hỏng đồ chơi là lại đòi mua đồ chơi mới như Bí đỏ nhà anh. Anh cũng không thấy các ông bố bà mẹ bên đó đồng ý mua ngay cho con một món đồ nào đó mà không hỏi rõ xem mục đích dùng là gì, có cần thiết không, tại sao bố mẹ phải mua cho… Chỉ trừ những dịp đặc biệt bọn trẻ con bên đó mới được nhận quà từ bố mẹ một cách vô điều kiện. Anh cũng thấy trẻ con bên đó được “huấn luyện” biết làm nhiều việc và có ý thức tự giác ngay từ nhỏ, chứ không phải suốt ngày chỉ chơi trò chơi điện tử hay xem tivi... Việc gì cũng phải có giờ giấc.
 
 
Đem chuyện này nói với vợ, vợ anh cho rằng bên nước ngoài họ có điều kiện nên họ làm vậy chứ nước mình, cứ áp dụng những cách đó sẽ vô hiệu thôi, sai chúng nó làm việc gì thì thà mình tự làm cho nhanh.

Không đồng ý với cách suy nghĩ của vợ, anh Thành nghĩ, ở đâu cũng thế, trẻ con nào cũng vậy, có dạy chúng mới biết làm. Các ông bố bà mẹ khác làm được, sao mình lại không. Vậy là anh quyết định sẽ học tập các bạn nước ngoài trong các giáo dục con xem sao.

Trước tiên, anh nói chuyện với con, kể cho con nghe những câu chuyện về trẻ em bên đất nước mà anh làm việc. Cậu bé cũng có vẻ hứng khởi lắm, đôi lúc còn hào hứng trả lời: “Con cũng làm được” mỗi khi được bố hỏi: “Con có làm được như vậy không?”.

Sau một tuần, anh bắt đầu họp gia đình và đưa ra những quy định mới. Trước tiên, anh nói cho con hiểu rằng ai cũng phải làm việc, và để mua được những thứ mình muốn thì phải làm việc, kể cả trẻ con. Và từ giờ, ngoài những thứ bố mẹ tặng, nếu Bí đỏ muốn mua bất cứ thứ gì thì phải tự kiếm tiền mua. Bố mẹ là người sẽ cho Bí đỏ tiền, nhưng để có tiền, Bí đỏ sẽ phải làm theo quy định, đó là: phải học tốt để điểm số không bị tụt, giữ gìn phòng riêng ngăn nắp, sạch sẽ, quét nhà giúp bố mẹ, ăn xong dọn bát đĩa giúp bố mẹ, quy định giờ xem tivi và giờ chơi trò chơi điện tử... và có thể có thêm một số công việc phát sinh khác. Công việc không nhiều và rất dễ làm, vừa với sức của Bí đỏ. Nhưng nếu Bí đỏ phạm lỗi ở trường hay ở nhà thì sẽ bị phạt và không nhận được tiền công của tuần đó. Số tiền Bí đỏ nhận được sẽ cất vào lợn và khi muốn mua gì thì nói với bố mẹ để bố mẹ xem xét. Nếu không đủ tiền mua thì sẽ phải chờ đến khi đủ tiền thì mua.
 
 
Những tuần đầu cũng tương đối khó khăn với Bí đỏ. Cậu bé vốn đang được chơi thoải mái, nay lại phải làm việc nọ việc kia nên nhiều khi quên hoặc làm chưa tốt. Tất nhiên, những tuần đó Bí đỏ không được “trả công”. Tuần đầu tiên được nhận tiền công, Bí đỏ vui mừng vô cùng. Lúc này anh Thành lại nói chuyện với con về cách tiêu tiền và tiết kiệm tiền sao cho hợp lý…

Cho đến nay, hai năm trôi qua, Bí đỏ đã 11 tuổi và đã quen với cuộc sống như vậy. Công việc dành cho cậu bé 11 tuổi cũng nhiều hơn so với hồi 9 tuổi và đòi hỏi cũng cao hơn, nhưng Bí đỏ không lấy làm khó chịu. Trái lại, cậu bé tỏ ra rất chững chạc và có trách nhiệm với những việc mình làm, với cả những đồng tiền mình kiếm được và sống rất có tình nghĩa. Có tiền riêng, đôi khi cậu bé còn mua cái này cái kia để tặng bố mẹ mà không cần phải xin ai tiền. Đặc biệt, cậu bé cũng học rất giỏi, vì Bí đỏ được giáo dục học hành cũng là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Mỗi lần nhìn con, vợ chồng anh Thành mỉm cười khi thấy mình đã phần nào thành công, ít ra cũng là chọn được một cách dạy con phù hợp.
 
 


 
Nhanh tay khoe những bức ảnh cưới tuyệt đẹp và hạnh phúc ngọt ngào của bạn được chụp tại khắp các vùng miền tại www.anhcuoi.afamily.vn. Xem hướng dẫn chi tiết về thể lệ cuộc thicách up hình tại đây. Bật mí: giải thưởng cực hot đấy nhé!

Chia sẻ