Con hư tại mẹ?!

HN,
Chia sẻ

Không phải là chị Hạnh không ý thức mà dạy con phải nói năng cho có đầu có cuối, nhưng khổ nỗi, chị đi làm cả ngày, bé Xoài ở nhà với ông bà nội nên mọi tính cách và ngôn ngữ của bé cũng là học từ ông bà mà ra.

Mấy tháng đổ lại đây, chị Hạnh (ở Định Công) đi làm mà chẳng muốn về nhà, vì đi làm thì chớ, cứ về nhà là chị lại nghe được những câu phàn nàn của ông bà nội như: “Mẹ nó chiều quá nên con bé hỗn ấy mà”, hay “mẹ nó có dạy đâu mà con bé chẳng thế”. Con bé là nói bé Xoài nhà chị năm nay mới được 2 tuổi 1 tháng. Sở dĩ ông bà nói bé Xoài hỗn bởi vì bé Xoài hay có kiểu nói trống không với ông bà và mọi người. Mọi người gọi thì bé thưa “Ơi”, hỏi có ăn thứ này thứ kia hay không thì bé đáp lại là “Không ăn”, nếu cứ cố ép bé ăn là bé lại quát lên “Không ăn nữa”.
 
Không phải là chị Hạnh không ý thức mà dạy con phải nói năng cho có đầu có cuối, nhưng khổ nỗi, chị đi làm cả ngày, bé Xoài ở nhà với ông bà nội nên mọi tính cách và ngôn ngữ của bé cũng là học từ ông bà mà ra. Hơn nữa, ở nhà chị Hạnh còn có cô em chồng chuyên nói năng trống không như vậy với người lớn tuổi hơn, mà bé Xoài đang tuổi học nói nên chuyện bé Xoài bắt chước nói như vậy cũng không có gì là lạ.
 
 
Chị Hạnh góp ý nhiều lần nhưng mọi người nhà chị cho rằng bé Xoài còn bé làm sao biết bắt chước được và bé chỉ nghe lời mẹ thì mẹ phải dạy dỗ bé. Cả ngày đi làm, chỉ ở với con buổi tối và một lúc buổi sáng, chị Hạnh vẫn uốn nắn con những lúc con nói trống không như vậy nhưng chỉ được lúc đó, đến hôm sau bé lại quên ngay vì cả ngày ở nhà chẳng có ai nhắc nhở bé. Nhiều lần chị Hạnh cảm thấy bất lực với con.
 
Hoàn cảnh như chị Hạnh không phải là hiếm. Chị Như (ở Cầu Giấy) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Bé Nấm nhà chị cũng đang tuổi học nói và chị Như thường đùa rằng: “Chẳng biết nó giống ai mà nói suốt ngày không biết chán”. Nhưng chị Như cũng rất mệt mỏi với việc uốn nắn câu nói cho con vì bé Nấm rất hay nói “trả treo”. Ví dụ như khi mẹ nhắc cất gọn đồ chơi thì bé bảo “Ờ”, khi muốn xin mẹ thứ gì thì bé lại nói “Đưa đây”.
 
Mỗi lần con nói như vậy, chị Như lại nhắc chủ ngữ cho con để con nói lại. Ví dụ như bé nói “Đưa đây” thì chị Như nhắc: “Mẹ…”, thế là bé nói “Mẹ đưa đây cho con ạ”, hoặc khi chị nhắc “Con” thì con bé lại trả lời lại là: “Con xin mẹ ạ”. Dù là bé Nấm có ý thức được câu nói của mình nhưng có vẻ như lần nào bé cũng… quên và để mẹ phải nhắc. Nếu mẹ nhắc với thái độ nhẹ nhàng thì bé sẽ nói lại cho đúng nhưng nếu mẹ nhắc với thái độ gay gắt là thế nào bé cũng không nhắc lại và thậm chí còn lăn đùng ra khóc.
 
 
Thực ra, ở độ tuổi học nói, đa số các bé thường học cách nói giống như ông bà cha mẹ và những người thân mà bé tiếp xúc nhiều. Ở tuổi này, bé chưa biết lựa chọn từ ngữ chuẩn xác để đối đáp như các bé lớn tuổi hơn, hơn nữa, bé chưa đủ trưởng thành để hiểu được cảm xúc của cha mẹ, bé mới chỉ biết nghĩ đến bản thân mình mà thôi. Chính vì vậy, đôi khi sự “trả treo” của bé làm người lớn bực mình. Nếu người lớn càng tỏ ra khó chịu về thái độ của bé, bé càng trở nên ngỗ ngược, khó bảo hơn. Nhưng thực ra, bé không cố tình muốn vậy, mà bởi vì bé đang muốn chứng tỏ cái tôi của mình mà thôi.
 
Ở tình huống như vậy, người làm cha mẹ cần luôn luôn giữ bình tĩnh và giải thích cho bé. Đừng phản ứng thái quá như quát mắng hay đánh con. Cũng tránh gào lên như những gì bé đã làm với người lớn. Cách tốt nhất để dạy bé nói lễ phép là bản thân cha mẹ phải thực hiện điều đó trước. Vì thế, có thể nói với bé: “Con nói với mẹ như thế là không ngoan. Con nói cách khác cho mẹ nghe nào”. Sau đó, hướng dẫn bé diễn đạt ý kiến theo cách tích cực.
Chia sẻ