Con "gặp họa" vì mẹ cho ăn nhiều váng sữa

Theo Thế giới phụ nữ,
Chia sẻ

Nhiều bậc phụ huynh quan niệm, váng sữa là thức ăn bổ dưỡng nên tăng cường cho con sử dụng mà không biết, nếu lạm dụng món này, trẻ có thể bị bép phì và mắc các bệnh liên quan.

Chỉ là thực phẩm bổ sung

Bé Bim con chị Nguyễn Thu Phương, ở khu đô thị Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy (Hà Nội), đến tuổi ăn dặm nhưng khá lười ăn cháo. Song, Bim lại khá thích món váng sữa. Cứ đến bữa ăn, chị Phương lại phải dùng váng sữa để "mồi" cháo cho con. Nhưng chỉ ăn cháo được mấy bữa, Bim lại chán, chỉ thích ăn váng sữa. Vì thế, có hôm chị Phương đành cho con ăn váng sữa thay cháo. “Cháu lười ăn quá nên cứ cho được gì vào bụng con là mình làm liền, vì có còn hơn không, Song, chẳng biết ăn nhiều váng sữa có thực sự tốt?”, chị Phương băn khoăn.

Thực tế, không ít bậc phụ huynh nghĩ giống chị Phương, rằng váng sữa rất bổ dưỡng nên tăng cường cho con sử dụng. Nhiều ông bố, bà mẹ, thường "nhồi" cho con ăn 2-3 hộp váng sữa/ngày, thậm chí để con ăn theo sở thích, khi trẻ mới hơn 1 tuổi.

Váng sữa là món ăn mới, xuất hiện trên thị trường từ vài năm gần đây nhưng nó đang trở thành món khoái khẩu của nhiều trẻ nhỏ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, váng sữa là chế phẩm của sữa, không phải là thực phẩm chính cho bé mà chỉ là thực phẩm bổ sung. Váng sữa cung cấp nhiều canxi và chất béo, có tác dụng hỗ trợ phát triển chiều cao cho bé. Mỗi lứa tuổi có chế độ ăn riêng nên các bậc phụ huynh cần nắm rõ để bổ sung dinh dưỡng cho con.

Con

Không lạm dụng

Theo bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), váng sữa là thực phẩm được làm từ kem sữa cho lên men lactic. Váng sữa được chế biến công nghiệp: Đầu tiên, người ta tách sữa ra thành kem và bơ. Tiếp đó, phần kem sẽ trải qua quy trình chuẩn hóa để đảm bảo độ béo cần thiết. Nhằm loại trừ các vi khuẩn gây bệnh, kem này sẽ được tiệt trùng. Sau đó kem được cho vào thùng, trộn men và ủ chua... Váng sữa có độ béo từ 10% (lỏng) đến 70% (rất đặc) nhưng loại thường được dùng là từ 15 đến 40%. Smetana trong váng sữa chứa các vitamin (A, E, B2, B12, C, PP, beta-carotene), các acid hữu cơ và một số khoáng chất: Canxi, phốt pho, magiê…
 
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, cha mẹ không nên cho con sử dụng quá nhiều váng sữa, vì sẽ dễ khiến trẻ đầy bụng, khó tiêu, dẫn đến tiêu chảy. Do váng sữa vừa chứa nhiều chất đạm, chất béo, trong khi đó, chất béo chủ yếu là từ nguồn bơ trong sữa. Hơn nữa, nếu thường xuyên cho con sử dụng váng sữa, nhất là ở những trẻ hấp thụ tốt thức ăn và khá mập, trẻ dễ bị béo phì, dẫn đến mắc các bệnh liên quan đến chứng bép phì khi trẻ lớn lên như tiểu đường, huyết áp... Còn với trẻ khác, nếu lạm dụng món này có thể mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Dù váng sữa giàu dưỡng chất cũng không thể cung cấp hết chất dinh dưỡng cho cơ thể. Do đó, cha mẹ nên bổ sung đa dạng thực phẩm gồm cả chất đạm, béo, chất xơ... cho con, giúp trẻ được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ.



Chia sẻ