Con gái - quả bom nổ chậm của mọi nhà

,
Chia sẻ

Mỗi năm, tại 28 quốc gia phát triển trên thế giới, có ít nhất 1,25 triệu các em gái trong độ tuổi teen (từ 13 đến 19 tuổi) mang thai ngoài ý muốn.

Trong số đó, xấp xỉ nửa triệu em tìm đến giải pháp nạo phá thai, số còn lại bất đắc dĩ trở thành các bà mẹ trẻ và đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe và tinh thần.

“Quả bom nổ chậm” của cả thế giới

Tháng 7/2001, trang đầu của bản báo cáo “Innocent Report Card” của UNESCO in lời cảnh báo: “Trong vòng 12 tháng tới, các quốc gia giàu có trên thế giới sẽ có trên 750.000 bé gái phải làm mẹ ở tuổi vị thành niên”. Kể từ sau bản báo cáo này, mang thai ở tuổi vị thành niên luôn được coi là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất, gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội về vai trò của gia đình, giáo dục và nền tảng đạo đức của thế hệ trẻ.

Càng ở những quốc gia có tư tưởng cởi mở về giới tính, lứa tuổi teen càng phải đối mặt với nhiều thách thức. Ở Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Iceland, Na Uy, 80% giới trẻ biết đến quan hệ tình dục khi mới 13, 14 tuổi. Đặc biệt ở Australia, Anh và Mỹ, tỉ lệ này còn cao hơn gấp nhiều lần. Ngay cả những quốc gia châu Á có quan điểm khắt khe vấn đề giới tính như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã lọt vào danh sách các quốc gia có tỉ lệ trẻ vị thành niên mang thai có nguy cơ tăng cao.

Gần đây, vấn nạn này thậm chí còn được Chính phủ Anh đưa ra bàn thảo để tìm ra các biện pháp hiệu quả nhất, ngăn chặn tỉ lệ các em gái tuổi teen mang thai ngoài ý muốn. Một số ý kiến như cung cấp dịch vụ bán thuốc tránh thai khẩn cấp trong trường học, các dụng cụ phòng tránh thai, tăng cường quảng cáo về giới tính giúp các em trang bị kĩ năng bảo vệ mình... đã được đưa ra, tuy vẫn còn gây nhiều tranh cãi và tỏ ra “bất lực” trước sự gia tăng chóng mặt của tình trạng này.
 
Nạn nhân của những bê bối

Tiến sỹ Edward J. Sondik, Giám đốc Trung tâm Thống kê Y tế quốc gia (Mỹ) nói: “Tôi thực sự cảm thấy lo ngại sau một loạt những vụ bê bối liên quan đến các em gái tuổi teen mang thai xảy ra trong thời gian qua. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập, khả năng hòa đồng xã hội của các em vào thời điểm hiện tại, mà còn tác động tệ hại đến tương lai của các em trong vòng 20- 40 năm tới”.

Điển hình cho những vụ bê bối gây xôn xao nước Mỹ mà tiến sỹ Sondik nhắc đến là vụ “cơn sốt nữ sinh mang bầu” xảy ra tại trường Trung học Gloucester, Massachusetts (Mỹ) năm 2008: 17 nữ sinh của trường này sẽ cùng bước vào kỳ sinh nở trong dịp nghỉ hè. Đáng suy nghĩ là chưa em nào bước sang tuổi 16, các em đã âm thầm tự lập nhóm “Hội bà bầu” để giúp nhau chăm sóc các em bé sắp chào đời.
 
Amanda Ireland (18 tuổi), cựu học sinh trường Gloucester, sinh con lúc 17 tuổi cho rằng, mình và các bạn đã không được giáo dục đầy đủ về những hệ lụy của việc mang thai quá sớm, mọi thứ trở nên thật mù mịt và tẻ nhạt khi một cô bé 17 tuổi chăm sóc một em bé có khi chỉ đáng tuổi em mình. Thậm chí một thời gian dài Amanda ở lì trong nhà, trải qua cảm giác thèm khát một cuộc sống vô tư và để né tránh những mặc cảm về hình thể và sắc đẹp sau khi sinh con.

Theo nhà báo Stephan J. Dubner của tờ The New York Times (Mỹ): “Các bà mẹ tuổi teen có ít cơ hội thành đạt, có nguy cơ đổ vỡ hôn nhân cao hơn những phụ nữ khác. Khoảng 50% phụ nữ kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi li hôn sau 10 năm, cao gấp 2,5 lần so với những phụ nữ kết hôn khi trên 25 tuổi. 80% các bà mẹ tuổi teen độc thân nuôi con rơi vào cảnh túng quẫn hoặc khó khăn về kinh tế; 60% số trẻ em được các bà mẹ tuổi teen sinh ra sống trong điều kiện nghèo đói”.

Những con số đáng buồn và những lời cảnh báo liệu có đủ sức thuyết phục để chính các em gái trong độ tuổi teen ý thức hơn trong việc bảo vệ mình, hoặc đủ quyết liệt để các bậc phụ huynh và chính phủ các nước quyết tâm tìm ra những giải pháp thực sự hiệu quả để ngăn chặn tình trạng này?     

Theo Nhi Anh

GĐ&XH

Chia sẻ