Con gái 4 tuổi nhưng vẫn chưa biết nói, mẹ bỉm chỉ ra 5 dấu hiệu phát hiện con bị tăng động giảm chú ý và điều đầu tiên bố mẹ phải làm

San San,
Chia sẻ

Phát hiện sớm bệnh lý này sẽ giúp bố mẹ có hướng đi đúng trên hành trình giáo dục con.

Đó là câu chuyện của chị Phạm Thị Hoa (sống tại Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Chị Hoa có con gái tên Cherry, sinh năm 2018. Bà mẹ trẻ phát hiện con bị tăng động (hay còn gọi là rối loạn tăng động giảm chú ý) khi bé được hơn 1 tuổi. Theo chị Hoa, đây là bệnh lý rối loạn phát triển thần kinh, có dấu hiệu đặc trưng là mất tập trung, hiếu động quá mức so với lứa tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ở bé trai thường cao gấp 3 lần so với bé gái ở cùng lứa tuổi. 

5 dấu hiệu trẻ bị tăng động

Theo chị Hoa, khi để ý con có những dấu hiệu dưới đây, bố mẹ có thể suy nghĩ đến việc con mình đang mắc phải bệnh lý này. 

Dấu hiệu của trẻ tăng động giảm chú ý. Nguồn: NVCC

Dấu hiệu đầu tiên để bố mẹ dễ dàng nhận biết là nghịch ngợm và hiếu động thái quá. Trẻ con thường tò mò và thích khám phá, nhưng các bạn nhỏ tăng động thường có nguồn năng lượng vô tận, có thể hoạt động liên tục mà không biết mệt, luôn ngọ nguậy tay chân và không thể nào ngồi yên một chỗ.

Dấu hiệu thứ 2 là khả năng tập trung rất kém vì trẻ thường bị phân tâm bởi mọi thứ xung quanh. Trẻ có thể thích thú với rất nhiều thứ nhưng không được lâu và có xu hướng bỏ dở giữa chừng hoặc chuyển từ việc này sang việc khác. 

Một nét nổi bật chính là dấu hiệu thứ 3 mà trẻ tăng động giảm chú ý hay gặp phải chính là chậm phát triển về ngôn ngữ. Lúc bé Cherry được 12-16 tháng tuổi, con vẫn bi bô tập nói như những đứa trẻ bình thường khác nhưng càng lớn con càng thu mình lại, không nói theo yêu cầu của người khác nữa. Con chỉ tự nói những từ con thích chứ không giao tiếp với mọi người bằng ngôn ngữ hay ánh mắt. 

Tiếp theo, dấu hiệu thứ 4 đó là bé bị rối loạn giấc ngủ. Lúc nhỏ, bé Cherry thức rất khuya, càng về khuya càng khóc nhiều, khoảng 10-11h đêm, có hôm 12h đêm bé vẫn trằn trọc không chịu ngủ. Mẹ vỗ về hay cho con bú, ru thế nào cũng không chịu ngủ cho tới lúc mà bé khóc mệt quá mới chìm vào giấc ngủ. Lúc đó mình nghĩ đó chỉ là biểu hiện bình thường của các bạn nhỏ nhưng thực ra đó là biểu hiện bé bị tăng động, vì năng lượng trong bé còn quá nhiều nên bé không thể tập trung chìm vào giấc ngủ được. 

Dấu hiệu thứ 5 là dễ nổi nóng và khó kìm chế được cảm xúc. Khi mà bé không hài lòng thì con sẽ đánh ba hoặc mẹ, nhưng may mắn là bé Cherry rất thương em. Chị Hoa cho bé đi khám tâm lý thì gặp nhiều bé cũng mắc tình trạng và biểu hiện giống như vậy đặc biệt là các bé sinh năm 2018 do lúc đó chớm dịch, các con đi học được mấy tháng đã phải cách ly. Một khoảng thời gian dài con không được tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên nhiều bé bị bệnh nặng hơn. Vợ chồng chị Hoa cố gắng dành thời gian cho con nhiều hơn với hy vọng bé sớm biết nói và hoà nhập với cộng đồng. 

Chị Hoa và ông xã cố gắng dành nhiều thời gian cho con. 

Một vài lưu ý dành cho ba mẹ nếu có con bị tăng động giảm chú ý

- Đừng bao giờ chê bai hay quát mắng nặng lời với con trước mặt người khác. Mỗi lần như vậy bé rất sợ, gào khóc, thu mình lại hoặc nép vào người bé tin tưởng, như thế bé có cảm giác được bênh vực. 

- Khen và tán dương khi con làm tốt, lúc này bé thường sẽ thấy rất vui. 

- Nên cho con tham gia các hoạt động như chạy xe, bơi lội để tiêu hao bớt năng lượng, giúp con tập trung hơn và ngủ ngon hơn. 

Chia sẻ thêm về con gái, chị Hoa tâm sự: ''Mình phát hiện bé bị tăng động giảm chú ý từ khi con hơn 1 tuổi, vì các em bé trong độ tuổi này biết bập bẹ nhưng Cherry thì ít nói, nhút nhát, muốn ai làm điều gì thì con sẽ kéo tay hoặc ra hiệu chứ không giao tiếp bằng ngôn ngữ hay ánh mắt. Lúc nhỏ bé cũng hay đi nhón chân. Ngoài ra, con khá kén ăn, chỉ ăn những món quen thuộc mà bé thích chứ không ăn món lạ. Con thích nghe các bài nhạc thiếu nhi sôi động chứ không thích phim hoạt hình hay nhạc thiếu nhi thể loại nhẹ nhàng. 

Về đồ chơi thì bé thích các bảng chữ cái, chữ số, xếp hình lego và khi chơi bé thích sắp xếp mọi thứ thành đường thẳng. Bé rất nghịch ngợm nhưng khá nhút nhát, chỉ theo những người chăm sóc con từ nhỏ, còn người khác muốn bế thì bé không theo. Bệnh này không phải là di truyền. Bé chậm nói nên hành động có phần ngây thơ hơn các bạn cùng tuổi. Cherry chưa biết nói nhiều nhưng các video quay con thì bé rất thích và xem đi xem lại nhiều lần. Mình cũng muốn quay lại để giữ làm kỷ niệm cho con. 

Cho con tham gia nhiều hoạt động và dành thời gian quan tâm, nói chuyện với bé. 

Hiện tại mình đang cố gắng giành nhiều thời gian để chơi, nói chuyện cùng con. Hạn chế cho con xem điện thoại, ti vi và cho con tham gia lớp học ở trung tâm giáo dục hoà nhập ở nơi mình sống. Ở đó các cô có chuyên môn, hỗ trợ dạy 1:1 cho con. Hiện tại sau thời gian gần 2 tháng cho con học ở đây thì con đã cải thiện hơn, con đã bắt đầu nói được nhiều từ hơn nhưng vẫn chưa chủ động giao tiếp với mọi người.

Trong xã hội này đồng tiền rất quan trọng nhưng con cái còn quan trọng hơn. Tiền nhiều mà con mình không biết nói thì cũng buồn lắm. Vậy nên mình khuyên những bố mẹ đang có con nhỏ thì hãy dành thời gian cho con nhiều hơn. Đừng uỷ thác hết trách nhiệm cho ông bà bởi vì con cái cần ba mẹ hơn ai khác. Đừng để con chơi 1 mình mà hãy cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý giữa công việc và thời gian dành cho con''.

Chia sẻ