Con ''đóng cửa trái tim'' vì bị chỉ trích, phạt đòn, bố mẹ nhận ra sai lầm nhưng phải làm sao để trẻ tha thứ?
Đôi khi vì quá nóng giận, nhiều bậc phụ huynh đã không kiểm soát được lời nói của mình. Tuy nhiên, sau những lần đó, liệu trái tim con có ''đóng lại'' khi cha mẹ xin lỗi?
Hối hận vì đã chỉ trích, lăng mạ con và muốn xin lỗi?
Chị Kiều Quyên (sống tại Phủ Lý, Hà Nam) mới đây đã chia sẻ câu chuyện của gia đình khiến bản thân rơi vào bế tắc. Là một người yêu con vô vàn, luôn hết lòng và chưa bao giờ quát mắng con nhưng gần đây chị đã sỉ nhục, lăng mạ, thậm chí là đánh con nhiều lần. Con trai chị bước vào độ tuổi dậy thì, cậu bé thể hiện rõ sự thái độ chán học, thích đua đòi, ăn chơi với bạn bè, dù đã được gia đình khuyên bảo nhiều lần nhưng không được.
Chị Quyên bị sốc. Bản thân bà mẹ trẻ chưa từng nghĩ đến việc con trai sẽ thành ra như thế này. Sợ con ngày một lún sâu, thành vì ngồi xuống cùng con nói chuyện, bà mẹ trẻ đi tham khảo ý kiến của mọi người. Nhiều hàng xóm khuyên chị phải nghiêm lại, do chị hiền quá nên con mới hư. Chị Quyên tin rằng lỗi phần nhiều là do chị nên quyết định thay đổi cách giáo dục. Thay vì chiều chuộng, chị chuyển sang lăng mạ, đánh đập.
Nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược, cậu bé Thắng không những không tốt lên mà còn có những hành động khó chấp nhận hơn như bỏ học, ngồi im hứng chịu đòn roi từ mẹ, trở nên lầm lì và mặc cảm, tự ti. Một lần, chị đọc được những bình luận của con với một người bạn trên mạng xã hội với nội dung: ''Tao chán cái nhà này, mẹ tao chỉ biết đi kiếm tiền, không quan tâm, không biết tao đang áp lực thế nào. Mà giờ còn đánh đập, chửi mắng tao nữa''.
Giật mình vì nhận ra bản thân đã sai lầm trong cách dạy con, chị Quyên bình tĩnh lại, lựa chọn cách đối mặt bằng việc xin lỗi và cố gắng cùng con giải quyết vấn đề. Thế nhưng lúc này bà mẹ trẻ lại lo lắng: Liệu con trai mình có chấp nhận tha thứ và cả hai mẹ con cùng sửa đổi hay không?
Khoảng 1 vài tháng sau đó, chị Quyên thay đổi cách giáo dục con, chị không vùi đầu vào công việc như trước mà dành thời gian ở bên bé. Chị đồng hành, cùng con sửa đổi, hai mẹ con cùng lập mục tiêu cho kế hoạch trước mắt, tuyệt nhiên không một lời quát mắng, đánh đập. Nhận ra sự chân thành và cố gắng của mẹ, cậu bé Thắng cũng thay đổi, hạn chế chơi bời mà tập trung hơn vào việc học tập. Chị Quyên chia sẻ: ''Yêu con thôi chưa đủ. Để giáo dục con, cha mẹ cần có kỹ năng, phương pháp''.
Quát mắng, đòn roi thể hiện sự bất lực trong cách giáo dục
Là cha mẹ, ai cũng mong con mình một đời an yên, thành đạt, hạnh phúc. Thế nhưng trên đường đời, những lần vấp ngã, gặp phải khó khăn, thậm chí cả sai lầm... là những điều không thể tránh khỏi. Trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy con, bố mẹ nào cũng ít nhất đôi lần cảm thấy bất lực vì con đến tuổi ương bướng, bất trị, nói mãi không nghe.
Và khi đó, họ quyết định trút nỗi tức giận, bực dọc trong người bằng những lời mắng nhiếc, thoá mạ, mỉa mai, hay kinh khủng hơn là đánh đập, dùng đòn roi với con cái. Nhiều người cho rằng đó là cách để bản thân hạ hoả, giải toả nỗi ấm ức trong người, mong con sẽ hiểu ra sai lầm mà sửa chữa. Thế nhưng, trên thực tế, kết quả đều khác hoàn toàn.
Chuyên gia cho rằng, nhiều người nghĩ khi buông những lời cay độc, mắng chửi thậm tệ con sẽ thấy xấu hổ mà tự thay đổi. Đó là suy nghĩ sai lầm, thiếu hiểu biết. Khi một đứa trẻ phải liên tục nghe những lời cay nghiệt từ cha mẹ mình, chúng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, khó phát triển trí tuệ một cách toàn diện. Chúng luôn mang trong mình mặc cảm vì nghĩ rằng mình là một đứa trẻ tồi tệ, hư hỏng, mất dạy.
Trong mắt các con, đòn roi hay lời miệt thị không khiến chúng nhận ra lỗi lầm mà chỉ càng thêm căm hận và thù ghét bố mẹ vì đã hành xử như thế. Thế nhưng, không phải là bố mẹ không yêu con, mà là yêu theo cách không đúng. Sự thiếu hiểu biết về giáo dục con cái có thể mang lại những hậu quả lâu dài khó lường.
Lý do khiến cha mẹ dùng cách quát mắng, đòn roi thể hiện sự bất lực trong giáo dục con cái. Khi con có lỗi, cha mẹ thường dọa nạt, trừng phạt bằng đòn roi. Thấy không còn hiệu quả, họ lại chuyển sang dùng những lời nhẹ nhàng, nhưng mang nặng tính giáo huấn. Thấy con không chuyển biến, cha mẹ đành dùng đến những lời cay độc. Cứ như vậy tạo thành cái vòng luẩn quẩn, không giúp con tiến bộ, mà chỉ khắc sâu thêm oán thù đối với trẻ.
Con có đủ vị tha để tha thứ cho bố mẹ hay không?
Nhiều cha mẹ nuông chiều con từ khi còn nhỏ. Đến khi con hư, họ lại trừng phạt bằng đòn roi nhưng con vẫn tiếp tục tái phạm. Nhiều lần như vậy, bố mẹ cũng bất lực và họ không còn cách nào khác là buông ra những lời cay độc. Sự nuông chiều hay buông lỏng con cái ngay từ khi còn nhỏ đã khiến việc dạy bảo trở nên khó khăn, bế tắc.
Lúc này, khi cha mẹ nhận ra đây không phải là cách giáo dục con đúng thì những đứa trẻ có tha thứ cho bố mẹ không? Trong lòng con, bố mẹ luôn có vị trí đặc biệt, dù có khó chịu hay giận dữ thế nào thì chỉ cần bố mẹ thay đổi, chúng sẽ đủ độ vị tha để không bùng phát những thái độ phản ứng tiêu cực. Hãy xin lỗi con và cho chúng một cái ôm thật nhẹ nhàng.
Vậy phải làm gì khi con chưa ngoan:
- Hãy tìm cách phê bình thật nhẹ nhàng, vừa đủ để không làm tổn thương lòng tự trọng của con, đặc biệt là liên quan đến chuyện học hành. Ví dụ như: ''Mẹ thấy hơi buồn vì con đã làm thế, mẹ nghĩ là con có thể làm tốt hơn'', hay ''Con không cần phải quá xuất sắc, chỉ cần tốt hơn con của ngày hôm qua là đã đủ rồi''...
- Bố mẹ nên có hành động cụ thể, đồng hành cùng con để thay đổi. Tránh việc bỏ bê và quát mắng con, thay vào đó hãy cùng nhau lên kế hoạch và trực tiếp thực hiện.
Tóm lại, phụ huynh nên có hành động cụ thể, cùng đồng hành với con thay vì chỉ đứng ở ngoài gào thét, hô hào. Khi đặt mình vào vị trí của con trẻ và ngược lại, việc dạy con sẽ trở nên hiệu quả hơn.