Con bắt chước bố mẹ làm điều "hư"
(aFamily) - Đã bao lần chị “dằn mặt” chồng vì những hành động quá khích nhưng anh cứ chứng nào tật nấy. Rồi một ngày tồi tệ, trước mặt bố mẹ, bé hí hửng lon ton chạy ra trêu cô hàng xóm với động tác tương tự.
Nhìn con khôn lớn, ai cũng thích, tuy nhiên để con có thể trưởng thành toàn diện nhưng vẫn phù hợp với lứa tuổi là điều không đơn giản. Có rất nhiều bậc phụ huynh vô tình có những lời nói, hành động ảnh hưởng xấu tới con, khiến con bắt chước mà họ không hề hay biết.
Sượng sùng vì con thích bắt chước người lớn
Đang ngồi làm việc, chị Hòa (Tân Ấp, Hà Nội) giật nảy mình khi nghe thấy bé Hun - cậu con trai (5 tuổi) của mình ngồi ở phòng khách vỗ đùi đen đét khen một cô đào trong Victoria's Secret Fashion Show: “Người ngợm phải thế này mới đẹp chứ”.
Lúc đó, chị chỉ nhắc nhở con khe khẽ: “Bé tí tuổi đầu sao ăn nói kỳ cục, hàm hồ vậy con?” rồi chị quay ra làm việc của mình.
Rồi có một lần, cả nhà đang ngồi trên xe đi về quê, khi đứng lại chờ đèn đỏ, bé Hun nhìn thấy một cô gái váy ngắn cũn đi bộ sang đường, bé cười sằng sặc lên chỉ cho cả nhà: “Váy ngắn quá bố nhờ, lộ hàng mất”.
Thấy con ăn nói phản cảm, chị quay sang phát một cái mạnh vào mông con. Thằng bé ôm mặt khóc rưng rức trình bày: “Con bắt chước bố thôi mà. Bố nói suốt sao mẹ không đánh bố chứ?”
Bố, mẹ, cô hàng xóm nhìn nhau, ai cũng xấu hổ, cười ngượng bỏ ra chỗ khác,
chỉ mỗi bé là cười toe toét vì không hay biết gì (Ảnh minh họa)
Anh xã nhà chị im thin thít không dám ho he lời gì, chị chỉ còn biết lắc đầu. Hóa ra đúng là có lần anh Tấn – chồng chị, cũng hay khen mấy cô người mẫu trên tivi, hay mấy cô gái ăn mặc sexy ngoài đường thật.
Chị tâm sự: "Thì đúng là có đôi lúc, hai vợ chồng mình cùng nhau xem tivi thì cũng có chỉ trỏ, bàn luận bạn này bạn kia. Ai nghĩ rằng lúc đó thằng 'ranh con' đang vểnh tai lên nghe lỏm đâu".
Không chỉ sao chép lời nói mà trẻ con bắt chước người lớn cả những hành động.
Chị Linh (Láng Hạ, Hà Nội) phát ngượng vì mấy lần bị đứa con gái 4 tuổi ra “sờ mông”. Có hôm, trước mặt bố mẹ chồng, bé cũng lon ton ra trêu mẹ. Chị nhất quyết nghiêm mặt dạy con "không được thế" nhưng vì trước đó, thấy bố hay ra trêu mẹ, mẹ mặc dù quát xong sau lại cười rũ ra thế là bé nghĩ "mẹ thích". Bởi vậy cho dù mẹ nghiêm mặt quát thì bé vẫn hí hửng coi như không có sự ngăn cấm đó.
Đã bao lần chị “dằn mặt” chồng vì những hành động quá khích nhưng anh cứ chứng nào tật nấy. Rồi một ngày tồi tệ xảy ra, trước mặt bố mẹ, bé hí hửng lon ton chạy ra trêu cô hàng xóm với động tác tương tự.
Bố, mẹ, cô hàng xóm nhìn nhau, ai cũng xấu hổ, cười ngượng bỏ ra chỗ khác, chỉ mỗi bé là cười toe toét vì không hay biết gì.
Không "nhẹ nhàng" như mấy trường hợp trên, vì mải bắt chước mẹ, mà bé Mai phải nhập viện.
Một ngày, không hiểu sao chị Quý (Võ Thị Sáu, TP HCM) thấy mặt con đỏ gay thành từng mảng lớn trên mặt, trên cổ. Hỏi thì con bảo bị ngứa, hơi rát. Cứ 2 phút, bé lại gãi sồn sột.
Nghĩ con bị muỗi độc cắn nên chị cứ để con ở nhà theo dõi nhưng đến chập tối, con không đỡ mà mặt còn mẩn dày hơn, ngứa và rát dữ dội hơn. Đưa con tới bệnh viện, bác sĩ nhận định con chị bị dị ứng hóa chất. Hỏi ra, hóa ra bé Mai bắt chước mẹ bôi mỹ phẩm vào mặt.
"Do bất cẩn, mấy sáng gần đây, sau khi bôi kem trang điểm, mình cất đồ không cẩn thận mà để lăn lóc trên bàn phấn, bé thấy thích thú, bắt chước mẹ bôi nên mới xảy ra cớ sự này", chị nghẹn ngào chia sẻ.
Gia đình là môi trường đầu tiên dạy bé
Trả lời về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Hồng Hà nhận định, trước hết, cha mẹ nên là tấm gương sáng để con bắt chước, noi theo. Gia đình chính là môi trường học tập đầu tiên của trẻ, vì vậy, bậc phụ huynh cần phải thận trọng trong lời ăn tiếng nói, cư xử đúng mực trước mặt con, tránh sỗ sàng hay có những cử chỉ nhạy cảm để con bắt chước.
Tạo điều kiện cho bé sống trong một môi trường lành mạnh, an toàn, đầy đủ tình yêu thương và sự chăm sóc, dạy dỗ của người lớn. Cha mẹ nên kiểm soát các loại sách, phim ảnh mà con tiếp xúc hàng ngày. Năng cho bé khám phá thế giới xung quanh với những trò chơi, thú vui phù hợp với lứa tuổi.
Nếu con bắt chước hành động không hay của bạn hoặc người khác, đừng mắng hoặc áp đặt theo kiểu: "Bố mẹ làm thế được, con thì không". Trẻ sẽ dễ ấm ức và tìm cách bùng nổ vào dịp khác. Thay vào đó, hãy giải thích cho bé hiểu điều gì đúng, điều gì sai. Nếu cần thiết, hãy nhận lỗi hành vi không hay của mình để bé học tập.
Nếu con bắt chước hành động không hay của bạn hoặc người khác, đừng mắng hoặc áp đặt theo kiểu: "Bố mẹ làm thế được, con thì không". Trẻ sẽ dễ ấm ức và tìm cách bùng nổ vào dịp khác. Thay vào đó, hãy giải thích cho bé hiểu điều gì đúng, điều gì sai. Nếu cần thiết, hãy nhận lỗi hành vi không hay của mình để bé học tập.
Các bà mẹ có thể định nghĩa từ hư khác nhau và phần lớn bọn trẻ đều cư xử không đúng mực ở một vài tình huống.