Cẩn trọng lời nói trước mặt trẻ

,
Chia sẻ

Cha mẹ vô tâm nhiều khi không để ý tới việc mình nói gì trước mặt con trẻ. Điều này vô tình làm ảnh hưởng đến tâm hồn non nớt của trẻ.

Trong khi hai đứa nhỏ chơi dưới sàn nhà, chị Hoa vừa xem tivi vừa nói chuyện với chồng: “Bà nội giờ này mà vẫn cổ hủ quá. Ai dè bà lên chơi lại mang cho cháu đồ chơi làm bằng tre. Mấy đứa nhà mình nó có chơi đâu, rác nhà. Rồi cái gì bà cũng nói phải thế này thế kia…” Chị tuôn ra một tràng nói xấu bà nội.

Hoa luôn ngại khi bà lên chơi vì bà tham việc, cái gì cũng tiếc. Hễ thấy hai vợ chồng mua cái gì ngon ngon về mời bà, bà lại lo lắng : “Đắt lắm hả con, mua làm gì cho tốn tiền. Mẹ già rồi ăn gì chẳng được”. Mất tiền mua cái ngon cho bà, lại bị mắng nên Hoa thường tỏ ra khó chịu.

Bất cứ khi nào có chuyện gì bực tức trong lòng, Hoa lại kể lể với chồng trước mặt những đứa trẻ. “Chúng nó còn bé biết gì mà sợ” nhiều khi Hoa vô tâm kể hết cả những chuyện riêng tư vợ chồng trong khi lũ trẻ đang ở bên cạnh.

Hè, bố đưa hai đứa cháu về thăm ông bà nội. Cún, con trai ba tuổi của Hoa, chuẩn bị đến bữa, nhưng cứ đòi bằng được mấy cái bánh trên bà. Bà nội không cho, Cún gắt lên: “Đúng là đồ nhà quê…”. Cả nhà sững sờ với câu nói của cháu. Bố ngại quá quát con: “Sao con lại nói láo với bà, ai dạy con thế hả?”. Thằng bé hồn nhiên: “Tại con hay thấy mẹ nói bà thế”. Bé Cún thường gắt lên khi bà nội sờ vào: “Người bà hôi lắm. Cháu không thích chơi với bà”. Bà nội sót xa chỉ biết nhìn cháu chơi mà đau lòng.

Còn Trúc lúc nào cũng lấy con gái ra để chia sẻ những mâu thuẫn vợ chồng. Từ khi làm trưởng phòng, công việc của anh bận hẳn lên, không còn thời gian cho gia đình. Cũng có nhiều lý do, khiến tình cảm vợ chồng lạnh nhạt và có nhiều “xô xát”. “Bố mày thì suốt ngày lo việc thiên hạ, vợ con chẳng bao giờ dòm ngó tới. Tối nào cũng đi tận khuya mới về, rồi mọi chuyện đổ hết lên đầu vợ. Đấy mày sau này cố lấy đứa nào nó tử tế, cứ như tao lại khổ cả đời” Trúc cay nghiệt nói về chồng cho cô con gái mới học tiểu học.

Đi học về, thấy Trúc đang khóc nức nở, đứa con gái chạy vào hỏi. Trúc lại oà lên: “Mày sắp có thêm dì hai rồi đấy. Mày cứ bênh bố chằm chặm vào. Giờ thì thế này…” Con  gái Hoa òa khóc chạy vào phòng.

Hình ảnh người cha lý tưởng trong cô con gái đã nhạt dần. Trước đây, cô con gái rất yêu quý bố. Tuần nào cũng thế, cả nhà lại đi siêu thị, đi chơi công viên. Nó luôn hạnh phúc khi ở bên cha mẹ. Những lời nói xấu chồng của mẹ đã thấm vào trong đầu óc thơ ngây của con trẻ. “Sao bố mình lại như vậy?” Cô con gái của Trúc trở nên bướng bỉnh. Cô bé kể với bà ngoại: “Mẹ cháu lúc nào cũng nói xấu bố. Lúc nào cũng lấy cháu ra để nói. Chẳng ai thương cháu cả. Cháu căm ghét cả hai người”.

Bà ngoại đã nhiều lần góp ý với Trúc vợ chồng đừng cãi nhau trước mặt con. Trúc phản đối: “Phải vậy, cho con nó biết bộ mặt thật của bố nó thế nào”.

Người lớn làm tổn hại tâm hồn trẻ

Trẻ em có tâm hồn ngây thơ trong sáng. Trong gia đoạn phát triển, trẻ luôn quan sát, học hỏi từ người lớn. Thế giới xung quanh có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành tâm lý tính cách của trẻ. Trong gia đình, khi người thân có mâu thuẫn nói xấu nhau trước mặt con trẻ, sẽ vô tình khiến cho trẻ không phân biệt được ai sai ai đúng, không biết nghe ai. Trẻ sẽ mất niềm tin và sự kính trọng người lớn, ác cảm, coi thường, thậm chí căm ghét người lớn. Đây là điều hết sức nguy hại.

Nếu trẻ sống trong gia đình, mọi người lớn đố kị, nói xấu, tranh chấp nhau, trẻ sẽ nhìn cuộc sống theo hướng tiêu cực và ngược lại. Cách đối xử, giao tiếp giữa những người thân trong gia đình là điều quan trọng tạo ra môi trường tốt để cho trẻ trưởng thành.

Các bậc phụ huynh đừng coi thường việc con còn nhỏ chưa biết gì. Khi có những mâu thuẫn cần tránh xảy ra trước mặt trẻ. Cũng đừng vì không hợp, ghét ai đó mà đưa vào đầu trẻ những suy nghĩ xấu.

Gia đình là một môi trường sống quyết định tâm lý tính cách của con bạn trong tương lai. Hãy để trẻ tự do phát triển.

Phan Anh

Chia sẻ