Con ăn mì tôm trên tàu bị hành khách xúm vào mắng nhiếc, ông bố hỏi lại một câu khiến tất cả im bặt
Câu chuyện tưởng như nhỏ nhưng lại trở thành chủ đề gây tranh cãi.
Cậu bé bị xúc phạm vì ăn mì ăn liền trên tàu cao tốc
Khi đi tàu xe nói chung, có một vấn đề mà nhiều người không thể thoát khỏi, đó là sau khi khởi hành rất dễ cảm thấy đói. Khi nói đến món ăn cho những chuyến đi dài, điều đầu tiên hiện lên trong đầu nhiều người chắc hẳn là mì ăn liền.
Tuy nhiên, một cặp cha con ở Trung Quốc đã gặp phải rắc rối vì món ăn này... Trên tàu cao tốc, con trai kêu đói nên được bố nấu mì gói cho. Mùi mì bay ra ngay khi mở nắp. Ngay sau đó, ông bố vào nhà vệ sinh rửa tay.
Kết quả là khi quay lại, anh nghe thấy tiếng con trai khóc, một nhóm người vây quanh đứa bé. Anh nghe người ta mắng con trai ăn mì gói trên tàu cao tốc là vô văn hóa cùng với nhiều lời xúc phạm khác!
Bố đứa trẻ tức giận, lao tới, bảo vệ con trai ở phía sau. Anh bình tĩnh nói: "Các người có tư cách không? Nếu con tôi vô văn hóa thì các người cư xử như thế có học thức không?". Ngay sau đó, bầu không khí rơi vào im lặng, những người có mặt vội trở về chỗ ngồi, không nói gì. Tuy nhiên, tâm lý của đứa trẻ đã bị ảnh hưởng không ít.
Có nên bênh con trong mọi trường hợp?
Sau khi câu chuyện được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra.
Một người để lại bình luận: "Đáng lẽ cha mẹ phải cho con ăn no trước khi lên tàu chứ? Ăn mì gói trong không gian kín có mùi rất khó chịu! Nếu không thể nhịn được, anh không chọn được món bình thường à?"
Một tài khoản khác lại bênh vực cha con cậu bé: "Chỉ cần luật không quy định rõ ràng là không được phép ăn uống trong toa xe thì người khác không có quyền can thiệp!"...
Câu chuyện trên gợi ra nhiều suy nghĩ, đặc biệt là đối với các bậc phụ huynh. Vấn đề đặt ra là, bố mẹ có nên bênh con trong trường hợp này?
Nhìn chung, trong những năm tháng nhỏ tuổi, trẻ rất cần sự bảo vệ của cha mẹ. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc bảo vệ quá mức cũng mang lại hiệu quả tốt. Thậm chí có một số các bậc phụ huynh không ngần ngại bênh con dù chúng sai.
Theo các chuyên gia, việc bảo vệ con quá mức sẽ khiến các bé bị phụ thuộc vào cha mẹ, khi trưởng thành dễ có nguy cơ ngại va chạm, tiếp xúc với người ngoài. Thậm chí, những đứa trẻ được bênh sẽ có tâm lý ích kỷ hơn những bạn bè khác. Yêu con không có nghĩa là phải chiều con, điều gì cũng thuận theo con, làm vậy chẳng khác gì hại con con cả. Yêu con sai cách chỉ làm ảnh hưởng đến sự phát triển và tương lai của trẻ.
Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng cần chú trọng giáo dục con từ khi còn nhỏ để không gặp phải tình huống khó xử tương tự.
Dạy trẻ chú ý lời nói và hành động ở nơi công cộng
Nhà tâm lý học người Mỹ William James đã nói: "Gieo một hành động gặt một thói quen; gieo một thói quen gặt một tính cách; gieo một tính cách gặt một số phận". Để đạt được sự thành công không phải vận may từ trên trời rơi xuống, cũng không phải tự nhiên có mà cần phải bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhất trong công việc và cuộc sống.
Nhiều phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ với tâm lý cưng chiều con mà để trẻ vô tư có những hành động thái quá, ảnh hưởng đến người xung quanh ở nơi công cộng.
Bạn cho rằng trẻ con thì được phép nghịch ngợm và đáng được bao dung? Đừng để cách nghĩ này khiến con bạn trở thành kẻ tự cao, tự đại và thiếu tôn trọng mọi người khi trưởng thành!
Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, thậm chí là chưa đến 10 tuổi, bạn đã nên bắt đầu rèn cho trẻ cách cư xử văn minh khi ở nơi công cộng.
Khi thấy trẻ có lời nói hay hành động không đúng đắn, thậm chí gây phiền hà cho người khác, bạn nên giữ trẻ bên mình và nhẹ nhàng giải thích với trẻ rằng điều đó là không tốt, là không ngoan và sẽ bị chê cười.
Những chú ý và răn dạy kịp thời, kiên nhẫn của bạn sẽ giúp trẻ ngày càng nhận thức được lời ăn tiếng nói và cử chỉ của mình. Trẻ sẽ biết điều gì nên làm để trở thành một đứa trẻ ngoan và được khen ngợi.
Tổng hợp