Cách dạy con trai vượt qua nghịch cảnh "không có bố" của Vân Hugo
Người mẹ nào cũng mong con mình sẽ vững vàng, tự tin khi rơi vào những trường hợp tương tự như vậy.
Kết hôn và làm mẹ sớm ở tuổi 24, cựu hot girl Thanh Vân Hugo (Nguyễn Thanh Vân, sinh năm 1985) từng khiến nhiều người tiếc nuối khi cô quyết định theo chồng bỏ cuộc chơi. Tuy nhiên sau khi chung sống được thời gian ngắn thì Vân Hugo ly hôn với chồng cũ, trở thành bà mẹ đơn thân và nhận trách nhiệm nuôi con.
Sau này, nữ diễn viên quyết định tái hôn và có thêm một cô con gái nhỏ đáng yêu. Cả gia đình 4 người sống hạnh phúc cùng nhau. Tuy nhiên, mới đây, lần đầu tiên Vân Hugo chia sẻ câu chuyện nhỏ ở trường học của con trai khiến nhiều người không khỏi xót xa.
"Hôm nay Bin tâm sự với mẹ: Mẹ biết ở lớp các bạn gọi con là gì không?
- Là gì hả con?
- Là thằng 65 ngày trong năm.
- Nghĩa là sao?
- 1 năm có 365 ngày, không có ba thì là 65 ạ.
- Oh, vậy con thấy sao?
- Các bạn chỉ đùa con là thằng không ba thôi mà.
- Đùa như vậy không vui chút nào. Từ mai con nói với các bạn con là 665 nhé, vì con có 2 ba lận mà!!!
- Vâng...
Nhìn theo hướng nào thì nó sẽ là như thế, con trai của mẹ vững vàng và tự tin lên, you always and forever be loved", Vân Hugo chia sẻ.
Những bình luận khuyên nhủ từ mọi người.
Dưới phần bình luận, nhiều người không khỏi khen ngợi vì tinh thần tích cực, tự tin mà cậu bé Bin có. Dù bị trêu chọc nhưng con vẫn cho rằng chỉ là câu nói đùa, không bi quan hay tỏ ra khó chịu. Bên cạnh đó, Vân Hugo cũng có lời động viên con trai kịp thời, cho con biết rằng con có tận 2 người bố chứ không phải là không có.
Con trai của Thanh Vân tên Tường Minh, thường gọi thân mật ở nhà là Bin. Bin rất ngoan và độc lập, chẳng bao giờ phải khiến Vân Hugo phàn nàn. Cô luôn nhắc đến con với niềm tự hào vô bờ bến, bởi suốt gần chục năm qua Bin đã là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bà mẹ trẻ vượt qua mọi khó khăn.
Bin từng là cậu bé nhạy cảm vì hoàn cảnh gia đình tan vỡ khi cậu nhóc còn bé xíu. Nhưng nhờ tình yêu thương của mẹ và người thân gia đình mà Bin ngày càng mạnh mẽ, tự tin và trưởng thành hơn. Sau khi mẹ tái hôn và chuyển vào Sài Gòn sống, Bin cũng rất hòa hợp với bố dượng và có cuộc sống vui vẻ, tích cực.
Mẹ nên làm thế nào khi con bị bạn trêu là không có bố?
Mẹ có thể ngồi xuống cùng con, ôm con và bắt đầu câu chuyện bằng cách nói rằng trong cuộc sống này, mỗi gia đình đều mang một màu sắc, hình dáng và câu chuyện riêng biệt. Điều làm nên giá trị của một gia đình không phải là số lượng thành viên, mà chính là tình yêu thương, sự chia sẻ và đồng cảm mà mọi người dành cho nhau. Mẹ muốn con hiểu rằng, dù gia đình ta có khác biệt thế nào đi nữa, điều quan trọng nhất là chúng ta yêu thương nhau.
Mẹ nên cùng con tìm hiểu về sức mạnh của lòng tự trọng và cách mà con có thể đối mặt với mọi lời cười chê hay hành vi không tôn trọng từ người khác. Mẹ sẽ dạy con cách đứng vững trên đôi chân mình, giữ vững niềm tin và thái độ sống tích cực. Người mẹ nên cố gắng truyền tải thông điệp với con rằng, không có điều gì phải xấu hổ cả, vì hoàn cảnh gia đình là điều không ai có thể lựa chọn. Quan trọng là con phải tự hào về bản thân và tôn trọng những người xung quanh.
Để đảm bảo con có một môi trường học tập tích cực và an toàn, người mẹ nên liên hệ với giáo viên của con. Mẹ sẽ thảo luận và cung cấp thông tin cần thiết để họ hiểu và có cái nhìn sâu sắc hơn về tình hình của con, từ đó có những phản hồi kịp thời và hỗ trợ con mỗi khi cần thiết. Nâng cao nhận thức và tạo dựng một không gian học đường lành mạnh, nơi mà tất cả học sinh đều được tôn trọng và yêu thương, là ưu tiên hàng đầu của mẹ.
Văn hóa ứng xử sau ly hôn của bố mẹ quyết định rất nhiều đến cuộc sống của trẻ
Từ một gia đình hạnh phúc, việc mất đi sự quan tâm chăm sóc của bất kì ai dù là bố hay mẹ cũng khiến trẻ khó tránh khỏi những tổn thương. Thế nên, việc bố mẹ hành xử thế nào, có văn minh hay không, cùng nhau nghĩ về con cái hay mỉa mai, trách móc sẽ quyết định rất nhiều đến cuộc sống của chúng. Dù không yêu thương nhau nhưng cũng đừng cãi cọ trước mặt trẻ.
Rõ ràng, những đứa trẻ càng lớn sẽ càng hiểu rõ việc ly hôn của bố mẹ. Tuy nhiên, việc bố mẹ chọn cách ứng xử như thế nào sẽ quyết định đời sống, thể chất và tâm lý của trẻ. Nếu có thể chứng kiến bố mẹ trở thành bạn bè, cùng ăn cơm, đưa con đi chơi thì hẳn đứa trẻ đó sẽ không quá đau buồn hay tủi thân.
Việc không có một mái ấm trọn vẹn đã khiến những tâm hồn trẻ thơ non nớt phải gánh chịu nỗi đau khó quên. Và khi thấy bố mẹ cư xử với nhau tốt đẹp, con cũng học được văn hóa ứng xử từ chính bố mẹ của mình, trở thành một người văn minh như chính bố mẹ của mình vẫn đang làm.
Ngược lại, nếu chúng ta xem nhau là kẻ thù sau khi ly hôn và trút hoàn toàn nỗi đau đó lên con bằng đòn roi, bằng sự chì chiết, bằng những hình thức cấm đoán hay bỏ mặc, tuổi thơ của trẻ sẽ chẳng thể lành lặn. Một đứa trẻ phải chịu sự tủi hổ, bị bỏ rơi chỉ vì bố mẹ không hạnh phúc thực sự là quá bất hạnh. Trẻ con không có lỗi, chúng luôn xứng đáng nhận được tình yêu thương bởi việc có con là lựa chọn của bố mẹ chứ không phải do những đứa trẻ quyết định. Thế nên hãy có trách nhiệm với con cái dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Việc ly hôn không ai mong muốn, nhưng khi đã xảy ra thì hãy chọn cho mình cách ứng xử văn minh. Việc này không chỉ giúp cho bản thân cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái mà còn giúp con được lớn lên trong tình yêu thương của cả bố lẫn mẹ.