Có một mối nguy hiểm từ cháo và mỳ ăn liền đe dọa sức khỏe của trẻ mà cha mẹ không ngờ tới
Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ cháo, mỳ ăn liền là loại thực phẩm rất nghèo dinh dưỡng mà hàng nghìn trẻ còn phải nhập viện cấp cứu mỗi năm vì một mối nguy hiểm khác đến từ loại thực phẩm này.
Cháo, súp ăn liền có tốt cho sức khỏe không? Còn mỳ ăn liền thì sao? Cả hai loại thực phẩm này đều không nên có mặt trong danh sách những thứ bạn nên cho con ăn. Không những rất ít dưỡng chất, cháo, súp và mỳ ăn liền còn là thủ phạm gây ra hàng ngàn ca nhập viện cấp cứu của trẻ em.
20% trẻ bị bỏng do chất lỏng được đun nóng, mà ở đây là mỳ ăn liền lấy từ lò vi sóng ra
Mới đây, một nghiên cứu đã tiết lộ, mỳ ăn liền là nguyên nhân gây ra 20% số ca bỏng vì dung dịch nóng ở trẻ em. Không giống các trường hợp bỏng thông thường, các vết bỏng này bắt nguồn từ việc trẻ tiếp xúc với chất lỏng được làm nóng hoặc hơi nóng tỏa ra. Một số bệnh nhi đã phải nhập viện điều trị và thậm chí trải qua phẫu thuật.
Các nhà khoa học ước tính, cháo ăn liền gây ra gần 10.000 trường hợp bỏng ở trẻ em sống tại Mỹ. Hơn nữa, trẻ em ở độ tuổi từ 4 - 7 tuổi dễ bị thương hơn, trong đó, phần ngực bị bỏng chiếm tới 40% các ca bỏng do cháo, súp ăn liền nóng.
Trẻ dễ bị bỏng vì cháo, súp và mỳ ăn liền (Ảnh minh họa).
Tiến sĩ Courtney Allen, Đại học Emory, bang Atlanta (Mỹ), nghi ngờ rằng nhiều cha mẹ coi việc lấy thức ăn từ lò vi sóng ra vẫn an toàn hơn so với lấy từ trên bếp xuống. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ nhỏ ăn cháo, súp ăn liền được làm nóng bằng lò vi sóng thực sự cần sự giám sát chặt chẽ từ người lớn.
Tiến sĩ Michael Cooper, Giám đốc Trung tâm bỏng thuộc Bệnh viện Đại học Staten Island ở New York, tiết lộ thêm, kết quả nghiên cứu đã xác nhận cảnh báo trên: "Chúng tôi đã chứng kiến những trường hợp bị bỏng do cháo, súp và mỳ ăn liền xảy ra ở trẻ em trong nhóm từ 4 - 7 tuổi".
Rất may, các bệnh nhi bị bỏng vì hai loại thực phẩm trên đã có thể xuất viện sau khi được điều trị trong phòng cấp cứu của bệnh viện. Trẻ không cần nhập viện và quá trình hồi phục chưa tới 14 ngày. "Những vết bỏng này rất đau, nhưng phần lớn chỉ là tổn thương ở bề ngoài mà thôi", Tiến sĩ Cooper lý giải.
Trẻ rất dễ bị bỏng do cháo, mỳ ăn liền được làm nóng bằng lò vi sóng (Ảnh minh họa).
Những vết bỏng do cháo, mỳ ăn liền xảy ra như thế nào?
Phần lớn các trường hợp, theo Tiến sĩ Cooper, cha mẹ làm nóng trước cháo, súp, mỳ ăn liền và đưa nó cho trẻ, trong khi vẫn giữ nguyên bát, cốc đựng. Rồi trẻ làm đổ bát, cốc đó và toàn bộ phần cháo, súp, mỳ ăn liền bên trong bát còn đang rất nóng ụp lên người trẻ.
Nhìn chung, theo nghiên cứu trên, cha mẹ, ông bà và những người lớn chịu trách nhiệm trông coi, chăm sóc trẻ nên được cảnh báo về khả năng xảy ra những dạng bỏng kiểu này. Các nhà khoa học gợi ý việc suy nghĩ tìm ra cách ngăn ngừa, như thay đổi bao bì của cháo, súp và mỳ ăn liền.
3 nguyên liệu chính trong cháo, súp và mỳ ăn liền có hại cho sức khỏe của trẻ
Thêm một lưu ý đã nhiều lần được nhắc tới, bên cạnh nguy cơ gây bỏng với trẻ em thì hàm lượng dinh dưỡng trong cháo, súp và mỳ ăn liền thực sự rất thấp.
Có 3 nguyên liệu chính trong món cháo, súp ăn liền không hề tốt cho sức khỏe của trẻ (Ảnh minh họa).
Chuyên gia dinh dưỡng Swati Kapoor cho biết, cháo, súp và mỳ ăn liền rất khác so với loại được chế biến tự nhiên. Có thể kể ra đây các điểm khác biệt như:
- Chúng chứa chưa đầy 1/2 lượng dưỡng chất so với cháo/súp nấu bình thường bởi dưỡng chất không thể được duy trì qua thời gian dài.
- Chúng chứa đầy chất bảo quản. Mặc dù chất bảo quản giúp kéo dài tuổi thọ sản phẩm, chúng lại gây hại cho các thành phần chống oxy hóa trong các loại rau được dùng để làm cháo, súp.
- Chúng được làm từ nguyên liệu có chất lượng kém. Phần lớn các gói cháo, súp ăn liền chứa tinh bột tinh luyện, đường và muối.
- Chúng hiếm khi có chút rau nào trong thành phần, ngoài các chất chiết xấu từ rau.
Đặc biệt, có 3 nguyên liệu chính trong món cháo, súp ăn liền không hề tốt cho sức khỏe của trẻ:
1. Bột ngô
Cháo/súp ăn liền thường chứa rất nhiều bột ngô để tạo độ đặc cho món ăn. Bột ngô không tốt cho cơ thể bởi nó làm tăng hàm lượng đường huyết và cũng gây tình trạng cân nặng tăng giảm thất thường – hay còn gọi là hiệu ứng "yoyo" – tăng cân trở lại sau khi giảm. Hiệu ứng yo-yo có thể dẫn tới các căn bệnh như gan nhiễm mỡ, tiểu đường, bệnh tim và nhiều bệnh khác…
Cháo, súp và mỳ ăn liền thường chứa rất nhiều muối (Ảnh minh họa).
2. Muối
Cháo, súp ăn liền chứa rất nhiều muối. Lượng muối dư thừa này không tốt cho những người vốn đã bị huyết áp cao. Quá nhiều muối lại càng gây hại cho trẻ. Bên cạnh cao huyết áp và nhồi máu cơ tim, món ăn quá mặn còn gây ra các bệnh như hen suyễn, bệnh thận, loãng xương và đôi khi cả ung thư dạ dày.
3. Chất bảo quản
Cháo, súp ăn liền còn chứa rất nhiều chất bảo quản gây hại cho sức khỏe. Thêm nữa, dưỡng chất trong gói cháo, súp ăn liền đều ở dạng bột. Khi chúng tiếp xúc nhiệt thì giá trị dinh dưỡng đã giảm đi rất nhiều.
Mỳ ăn liền, tương tự cháo, súp ăn liền cũng có rất nhiều hạn chế liên quan tới dinh dưỡng và lợi ích cho sức khỏe. Các bậc phụ huynh, điều này không có nghĩa là bạn hoàn toàn cấm con ăn cháo, súp và mỳ ăn liền nếu đó là món con thích. Thay vào đó, bạn nên đảm bảo ngăn ngừa nguy cơ xảy ra bỏng ở trẻ. Đồng thời, không nên để trẻ thường xuyên ăn cháo, súp và mỳ ăn liền.
Nguồn: AAP, WebMD, Healthline