Bò chơi quanh nồi cơm điện, bé 1 tuổi bị bỏng hơi để lại sẹo co rút các ngón tay
Dù chỉ bỏng hơi nồi cơm điện, khả năng bị sẹo co rút ngón tay là 70% (bàn tay sẽ bị sẹo, gây co hoặc dính, khum khum lại, không còn trở về bình thường được).
Nồi cơm điện vốn được sử dụng trong bất kỳ gia đình nào, tưởng chừng như an toàn, nhưng lại ẩn chứa những hiểm nguy không lường với trẻ nhỏ. Bởi ngoài về yếu tố rò rỉ điện, thì nút xả hơi đang hoạt động khi cơm sôi có thể khiến trẻ bị bỏng sâu, để lại dị tật vĩnh viễn nếu như lỡ chạm vào. Trường hợp của bé Khánh Linh (14 tháng tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội) mới đây khi bị bỏng sâu từ hơi nồi cơm điện, phải chữa trị ròng rã hơn 20 ngày mới có thể hồi phục hoàn toàn sẽ góp thêm một tiếng nói cảnh báo cho các gia đình khác.
Hình ảnh bàn tay bé Khánh Linh phải nẹp cố định, bôi thuốc ròng rã hơn 3 tuần.
Chị Hằng My – mẹ bé – kể lại: "Hôm đó mình vừa nấu cơm vừa trông 2 đứa con. Khánh Linh cứ bò loanh quanh chơi trong nhà, nồi cơm lại để thấp, con đặt tay lên nút hơi lúc nào không hay. Nghe tiếng con khóc toáng lên mình mới giật mình chạy lại thì con đã bị bỏng. Mình liền mang con đi rửa tay nhanh dưới nước và dỗ dành con. Khi thấy con ngoan, không quấy khóc nữa, mình cũng chủ quan nghĩ chắc không sao. Đặc biệt là khi đó tay con cũng không bị phồng rộp. Nào ngờ qua một đêm, ngày hôm sau ngủ dậy thấy tay con đã nổi phồng nước mẹ mới vội vàng mang con đi địa chỉ khám tư gần nhà".
Chỉ sau một đêm, tay bé đã phồng rộp nước.
Chị Hằng My càng bất ngờ đau đớn hơn khi tại đây, vị bác sĩ có bảo khả năng bị sẹo co rút là 70% (bàn tay sẽ bị sẹo, gây co hoặc dính, khum khum lại, không còn trở về bình thường được). Phải đấu tranh rất nhiều, chị Hằng My mới có thể chấp nhận được hậu quả khủng khiếp của một tai nạn bỏng hơi tưởng chừng như rất nhỏ. Và sau đó, bé Khánh Linh được cho thuốc mang về bôi và nẹp cố định tay. May mắn với cơ địa tốt, trong 2 tuần bé Linh tiến triển ổn, mỗi ngày phần da bị bỏng lại khô, dần dần lành lặn hơn.
Sau 2 tuần, da non đã lên và tay có dấu hiệu hồi phục tốt.
Sau 3 tuần, tay tháo nẹp nhưng vẫn đối mặt với nguy cơ không trở về bình thường như trước được nữa.
Cũng trong 2 tuần này, dù phải bôi thuốc, nẹp tay và rất khó chịu với những vệt da non đang lên, nhưng bé Khánh Ly vẫn sinh hoạt rất ngoan, không khóc quấy. Sau 2 tuần, khi da non đã lên, tay bé vẫn được nẹp để tránh bị dị tật. Khoảng hơn 20 ngày kể từ bắt đầu bỏng, tay bé đã lành lặn trở lại. Thế nhưng chị Hằng My có chia sẻ: "Mình có tham khảo, bác sĩ bảo rằng sẹo bỏng ở tay thường 5-6 tháng mới ổn định nên vẫn rất lo. Bé thì nay không chịu nẹp nữa, đành để ra mở cho thoáng, đợi một thời gian nữa sẽ đưa con đi khám lại".
Tay phải của bé Khánh Linh đã được tháo nẹp nhưng chưa cầm nắm hoàn chỉnh như trước.
Phòng tránh bỏng hơi nước gây sẹo co rút ở tay trẻ em
Những trường hợp bỏng hơi nồi cơm điện, bỏng nước sôi, cháo, canh... tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không biết cách sơ cứu và chữa trị tại bệnh viện kịp thời thì rất có thể sẽ gây sẹo co rút.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh - Chuyên khoa Vi phẫu tạo hình - Phẫu thuật bàn tay, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Sài GÒn từng cho biết: "Bỏng nước nóng là tai nạn dễ gặp phải của trẻ nhỏ. Trẻ có thể bị bỏng nước nóng như nước pha sữa, nước canh nóng, nước trong vòi nóng lạnh… Khi đó, bé thường chụp tay vào và bị bỏng độ 2 dẫn đến phồng rộp da và nổi bóng nước. Nếu điều trị không đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên có thể dẫn đến vết thương nhiễm trùng, lâu lành và các di chứng về sau rất dễ gặp là sẹo xấu co rút các ngón tay thành thương tật vĩnh viễn cho các bé".
Di chứng sẹo co rút sau khi bỏng hơi nước.
Vì vậy, để tránh sẹo co rút cho trẻ thì ngay sau khi phát hiện bé bị bỏng, người lớn cần thực hiện đúng các bước sơ cứu sau:
- Dùng nước mát xối ngay vào vùng da bị thương ngay lập tức trong vòng 10-15 phút.
- Một khi vết bỏng đã dịu đi, loại bỏ quần áo khỏi vùng da bị thương.
- Nếu quần áo dính vào da, đừng cố gắng gỡ nó ra. Việc này hãy để chuyên gia y tế thực hiện.
- Nếu vết bỏng bắt đầu khiến bé đau trở lại, hãy dội nước mát lần nữa.
- Không chạm vào vùng da bị thương hay làm vỡ các nốt bỏng, nó có thể khiến bé bị nhiễm trùng.
- Nếu có thể, hãy tháo những thứ như đồng hồ, nhẫn ra khỏi vùng bị thương vì nó có thể sưng lên.
- Phủ hờ lên vết bỏng bằng những vật liệu không có sợi bông hoặc lông tơ để tránh nhiễm trùng. Giấy bỏng là lý tưởng nhưng không được quấn quanh vết thương, chỉ cần đặt hờ lên trên vùng da bị bỏng.
- Không thoa bất cứ loại kem nào lên vết thương.
- Đưa trẻ tới viện hoặc tham vấn ý kiến bác sĩ về cách điều trị phù hợp. Nếu trẻ bị bỏng trên mặt, bàn tay, bàn chân, khớp hoặc bộ phận sinh dục và bất cứ vết bỏng nào lớn hơn 1 con tem thư, đều nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ.